Tỷ phú USD Việt thứ 2: Những ứng viên nổi và chìm

Thứ năm, 07/03/2013, 07:32
Gần 30 năm đổi mới và hơn 10 năm sau khi TTCK ra đời, Việt Nam mới có một tỷ phú đầu tiên được thế giới công nhận. Vậy ai sẽ là người thứ hai được xưng danh và sẽ phải chờ bao lâu nữa?

Tỷ phú theo cách tính của người Việt

Trong những ngày đầu tháng 3/2013, Forbes lần đầu tiên vinh danh một tỷ phú Việt Nam, ông Phạm Nhật Vượng, chủ tịch tập đoàn Vingroup, với khối tài sản cá nhân lên tới 1,5 tỷ USD.

Tuy nhiên, trong khi các nước trong khu vực đã có nhiều tỷ phú từ lâu, nay Việt Nam mới có người đầu tiên được xưng danh.

Đáng nói hơn, khi các tỷ phú trên thế giới vẫn đang làm ăn rất tốt, thì những người giàu nhất Việt Nam lại phải chứng kiến cảnh tài sản suy giảm rất nhiều trong các năm vừa qua. Trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, TTCK đi xuống, việc ghi nhận thêm những tỷ phú đô-la mới quả thực rất khó khăn cho dù trước đây đã có nhiều gương mặt rất tiềm năng.

Ứng cử viên sáng giá nhất trong số các đại gia trong nước cho danh hiệu tỷ phú đô-la thứ hai của Việt Nam có lẽ không ai khác ngoài ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai.

Ông bầu của đội bóng Hoàng Anh Gia Lai này đã hai năm liên tiếp 2008-2009 xếp ở vị trí thứ nhất trong danh sách những người giàu nhất Việt Nam, đứng trên ông Phạm Nhật Vượng. Tuy nhiên, giá cổ phiếu HAG rớt mạnh trong năm 2010, đặc biệt trong năm 2011 và đầu năm 2012 đã khiến ông rớt xuống vị trí thứ hai.

Đoàn Nguyên Đức
Đại gia Đoàn Nguyên Đức

Vì thế, dù là người duy nhất đến nay bày tỏ khát vọng trở thành tỷ phú đô la của Việt Nam nhưng con đường tới danh hiệu tỷ phú đô-la của ông đã chậm mất một nhịp.

Tính tới cuối năm 2012, bầu Đức vẫn đứng thứ hai trong bảng xếp hạng nhưng bị ông Phạm Nhật Vượng bỏ khá xa. Vào thời điểm đó, chỉ tính riêng số cổ phiếu của ông Vượng (chưa tính của vợ) đã có giá trị hơn 17.000 tỷ đồng, trong khi đó bầu Đức dù tài sản có tăng mạnh gần 30% trong năm 2012 nhưng cuối năm cũng chỉ còn hơn 5.600 tỷ đồng.

Nếu tính vào thời điểm giá cổ phiếu chưa giảm, tổng giá trị tài sản của ông Đoàn Nguyên Đức đã khoảng 11.000-12.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 500-600 triệu USD.

Mặc dù giá cổ phiếu giảm mạnh nhưng giới đầu tư vẫn đánh giá khá cao về khả năng bứt phá của Hoàng Anh Gia Lai nói chung và bầu Đức nói riêng. Hoàng Anh Gia Lai hiện đang thoát dần khỏi tình trạng nguồn thu phụ thuộc chủ yếu vào các dự án BĐS trong nước. Tập đoàn này đang chuyển dần mũi nhọn sang cao su với 51.000ha cây công nghiệp loại này tại Lào, Việt Nam, Campuchia.

Một số tính toán cho thấy, khi toàn bộ diện tích được khai thác, cây cao su sẽ mang về cho HAG khoảng 300 triệu USD/năm.

Bên cạnh đó, dự án BĐS 300 triệu USD tại Yangon có thể mang lại cho HAG cả tỷ USD nếu thị trường Myanmar nóng lên trong vòng 5 năm tới. Đồng thời, các dự án cao su, mía đường ở Lào... cũng là một tài sản tiềm năng lớn của đại gia này. Một khi dòng tiền chảy về mạnh, giá cổ phiếu sẽ tăng lên nhanh chóng và khối tài sản của bất kỳ cổ đông nào cũng sẽ phình lên tương ứng.

Một số ứng viên rất sáng giá khác là ông Trần Đình Long (chủ tịch tập đoàn Hòa Phát, hiện có tài sản hơn 2.100 tỷ đồng); ông chủ tập đoàn Masan Nguyễn Đăng Quang (không trực tiếp nắm cổ phần MSN); ông Lê Phước Vũ, chủ tịch Hoa Sen Group; ông Hồ Hùng Anh (MSN)...

Trước đó, giới đầu tư khá kỳ vọng vào hai đại gia tên tuổi lừng danh Đặng Thành Tâm và Đặng Văn Thành. Tuy nhiên, hai ba năm gần đây, hai doanh nhân này đã duy trì các doanh nghiệp của mình hoạt động không thực sự tốt. Trong năm 2012, ông Thành lại rút khỏi ngân hàng Sacombank và tài sản xé lẻ cho nhiều người con của mình. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp của ông Thành lại chưa lên sàn chứng khoán, do vậy không được tính khi xếp hạng.

Điểm mặt những tỷ phú ngầm

Một điểm mà nhiều người thường nói về giới giàu có tại Việt Nam là: Nhất trên TTCK chưa chắc đã phải là nhất. Nếu tính của chìm, tài sản chưa lên sàn, chưa công bố công khai thì rất có thể còn nhiều ứng cử viên sáng giá. Họ có thể lọt danh sách Forbes bất cứ lúc nào nếu doanh nghiệp của họ niêm yết.

Đào Hồng Tuyển
Chúa đảo Đào Hồng Tuyển

Nói đến điều này chắc hẳn không ít người đã nghĩ tới chúa đảo Đào Hồng Tuyển. Không biết thực hư như thế nào nhưng vị doanh nhân "không già" này là ông chủ của nhiều BĐS trên khắp cả nước và sở hữu khá nhiều công ty, xí nghiệp.

Tổng tài sản như vậy rất nhiều. Tuy nhiên, việc đo đếm không phải là dễ dàng. Còn theo như vị doanh nhân này nói, ông có tài sản lên tới 2 tỷ USD.

Một đại gia cũng rất nổi tiếng khác nhưng không nằm trong các danh sách giàu có trên sàn chứng khoán là ông chủ Tập đoàn Geleximco, Vũ Văn Tiền. Không biết cho tới thời điểm này khi mà thị trường BĐS đi xuống, tập đoàn kinh doanh tổng hợp này có bị ảnh hưởng hay không, chứ còn cách đây hai ba năm, nói tới Geleximco nhiều người phải ngã mũ kính phục.

Các dự án BĐS của tập đoàn này trải ở khắp nơi trong khu vực miền Bắc và toàn là những dự án khổng lồ, trong đó nhiều cái gắn với những quy hoạch mở rộng của thủ đô Hà Nội.

Tập đoàn đang đầu tư xây dựng một số dự án lớn trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp: Nhà máy Xi măng Thăng Long (Quảng Ninh), Nhà máy Bột giấy và Giấy An Hòa (Tuyên Quang), Nhà máy Nhiệt điện Thăng Long (Quảng Ninh)...

Hạ tầng, BĐS cũng là một thế mạnh của Geleximco với nhiều dự án đô thị: Cái Dăm (37,04 ha) tại Quảng Ninh, Lê Trọng Tấn (135 ha) tại Hà Nội, Đồng Trúc - Ngọc Liệp (250 ha) tại Quốc Oai - Hà Nội, Phú Mãn (461,2 ha) tại Hà Nội; Láng - Hòa Lạc kéo dài tại Hà Nội; 02 khách sạn tiêu chuẩn quốc tế 4 sao và 5 sao; các trung tâm thương mại...

Geleximco cũng là cổ đông chiến lược của rất nhiều các doanh nghiệp lớn như Ngân hàng Thương mại Cổ phần An Bình, Công ty Cổ phần Chứng khoán An Bình, Viện Quản lý Toàn cầu Việt Nam, Công ty Cổ phần Tập đoàn Công nghệ CMC...

Hiện tượng nhiều doanh nhân ở Việt Nam giàu lên nhanh chóng là một điều đáng mừng. Mặc dù vậy, nhiều người dường như vẫn không muốn khoe ra nên việc tìm thêm tỷ phú đô la cũng không hẳn đã là dễ.

Theo VEF

Các tin cũ hơn