Chậm nhịp
Không chỉ tại hai phiên chất vấn trên diễn đàn Quốc hội của năm 2012 mà trong cả những kỳ họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chủ đề “nóng”- nợ xấu đã được bóc tách kỹ càng, đồng thời yêu cầu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình giải trình những biện pháp giải quyết vấn đề.
Hàng loạt giải pháp đã được NHNN đưa ra. Chính phủ đã ban hành hệ thống giải pháp trong Nghị quyết 01 và 02 năm 2013 cũng như những nghị quyết trước đó của năm 2012 nhằm thúc đẩy thị trường hoạt động sản xuất, hỗ trợ giải quyết vấn đề nợ xấu.
Tính đến nay, xét về định lượng mới chỉ có công bố của Thống đốc về lãi suất là đã được chứng minh trên thực tế mặc dầu xét về nội hàm chưa chắc toàn bộ DN và người dân đã được thực hưởng hiệu quả của việc công bố lãi suất thấp như hiện tại. Còn vấn đề nợ xấu dường như không đi tụt lùi nhưng vẫn giẫm chân tại chỗ.
Nếu áp dụng các biện pháp xử lý trực tiếp, ngay trong năm 2013, có thể giải quyết
được một nửa số nợ xấu hiện tồn tại trong hệ thống ngân hàng.
Giải pháp tổng thể cho vấn đề này, Đề án công ty mua bán nợ quốc gia (VAMC) đáng lẽ đã được NHNN trình Chính phủ cho ý kiến và quyết định trong tháng 1/2013, nhưng đề án lại được gia hạn khi ngày 22/2 Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 79/TB-VPCP truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đối với các bộ, ngành, địa phương về việc tập trung triển khai công tác sau tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013, trong đó, tập trung vào xử lý nợ xấu.
Thủ tướng yêu cầu NHNN khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng ngay trong quý I-2013.
Tự làm khó mình
Như vậy ở giải pháp tổng thể đã chậm một nhịp, còn ở cụ thể mỗi ngân hàng trong thực hiện cũng bộc lộ những bất cập. Theo chỉ đạo của Thống đốc, mỗi ngân hàng ngay từ nửa cuối năm 2012 đã phải quyết liệt thực hiện dự phòng rủi ro. Từ việc thực hiện kiên quyết chỉ đạo này của Thống đốc đã bộc lộ một bức tranh mới của hệ thống ngân hàng.
Thời điểm tháng 12/2012, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, nếu áp dụng các biện pháp xử lý trực tiếp, ngay trong năm 2013, có thể giải quyết được một nửa số nợ xấu hiện tồn tại trong hệ thống ngân hàng.
Cụ thể, NHNN đã yêu cầu các ngân hàng tự giải quyết nợ xấu như trích lập dự phòng rủi ro. Con số trích lập của các ngân hàng trong năm 2012 được Thống đốc ước tính khoảng 90.000 tỉ đồng để giải quyết nợ xấu, trong tổng số nợ xấu của toàn hệ thống là 202.000 tỷ đồng. (Đề án tổng thể giải quyết nợ xấu nếu được thông qua có thể giải quyết khoảng trên 100.000 tỉ đồng nợ xấu nữa - PV).
Tuy nhiên trong những ngày của quý I-2013 khi mùa báo cáo tài chính quý IV-2012 đến, những con số về doanh thu và lợi nhuận của các ngân hàng thương mại cho thấy một tông màu tương phản với những kết quả rực màu hồng đối với những năm trước của các ngân hàng.
Quý IV-2012, lợi nhuận sau thuế của Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) lỗ 855 tỉ đồng, giảm 1.295 tỉ đồng (âm 294,6%) so với quý IV-2011. Con số này được Sacombank phân tích là do lợi nhuận của hoạt động kinh doanh chứng khoán quý IV-2012 lỗ 126,5 tỉ đồng (nhiều hơn so với quý IV-2011), do trích dự phòng chứng khoán quý IV-2012 là 360 tỉ đồng, tăng 177 tỉ đồng so với quý IV-2011 dự phòng rủi ro tín dụng quý IV-2012 tăng so với cùng kỳ và dự phòng các khoản phải thu quý IV-2012 cũng tăng mạnh so với cùng kỳ.
Lợi nhuận sau thuế của Ngân hàng này năm 2012 đạt 714,4 tỷ đồng, giảm 64% so với năm 2011 do phải trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, dự phòng chứng khoán và dự phòng phải thu khó đòi theo chỉ thị 06 của NHNN.
Ngân hàng TMCP Á châu (ACB) cũng không là ngoại lệ khi công bố lỗ sau thuế là 158,6 tỷ đồng trong quý IV-2012 và chỉ đạt lợi nhuận 928,4 tỷ đồng trong cả năm 2012, so với lần lượt mức lãi 1.349 tỷ đồng và 3.207,8 tỷ đồng cùng kỳ năm 2011.
Nguyên nhân chủ yếu kéo lợi nhuận của ngân hàng này tụt mạnh, ngoài hoạt động kinh doanh vàng và ngoại hối, tình trạng nợ xấu cũng tăng mạnh đã dẫn đến khoản trích lập dự phòng rủi ro của ACB tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ nợ xấu của ACB ở thời điểm cuối năm 2012 là 2,5% tổng dư nợ, tăng gấp hơn 2 lần so cuối năm 2011.
Trong số này, nợ dưới tiêu chuẩn tăng 1,7 lần, nợ nghi ngờ tăng gần gấp đôi và nợ có khả năng mất vốn tăng gấp 2,8 lần (khoảng hơn 1.150 tỷ đồng). Riêng quý IV-2012, trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu của ACB đã tăng 100% so với cùng kỳ.
Không chỉ những ngân hàng cỡ trung gặp khó khăn mà ngay cả các “ông lớn” trong ngành như: Vietcombank, VietinBank, Eximbank… cũng chịu cảnh tương tự khi phải khoản trích lập dự phòng rủi ro, khi nợ xấu tăng cao.
Có thể thấy, ngoài những tác động chung của nền kinh tế khiến cho một món nợ bình thường trở thành nợ khó đòi rồi biến chuyển thành nợ xấu, một tác nhân khiến cho tình hình nợ xấu của nền kinh tế khó biến chuyển là do các ngân hàng thương mại đã tự “ủ” nợ xấu của mình. Điều này được chứng tỏ ngay khi NHNN yêu cầu trích lập dự phòng theo đúng tiêu chuẩn quy định, con số về doanh thu và lỗ lãi bộc lộ rõ.
Nếu chính các ngân hàng nhận thức được vấn đề, cùng nhau đồng tâm hiệp lực cắn răng chịu đau từ vài năm trước thì có lẽ bệnh tình đã không trầm trọng như hiện nay. Mặc dù vậy, với đề án tổng thể về nợ xấu sắp được công bố và nguyên nhân của căn bệnh đã tìm được, hy vọng một sự biến chuyển mới sẽ thực sự bắt đầu.
Theo Haiquan