"Khó bỏ thói quen dùng tiền mặt của người Việt"

Thứ hai, 11/03/2013, 14:09
Thanh toán bằng thẻ ở siêu thị, khách có thể bị tính phụ phí 3-5%, hoặc mất quyền lợi ưu đãi hội viên. Do đó, nhiều người có thói quen quay ra sảnh đặt máy ATM để rút tiền mặt rồi trở vào thanh toán.

Trong ví của tôi có khoảng chục thẻ ATM của các ngân hàng vì tôi quan niệm thẻ của ngân hàng nào nên đến đúng ATM của nhà băng đó giao dịch sẽ an toàn nhất, tránh trường hợp bị nuốt thẻ hay tiền không chạy ra sẽ rất khó khiếu nại và không bị tính phí vô lý. Nếu loại bỏ tất cả những hạn chế, giao dịch qua thẻ, Internet banking có những lợi thế như: Không phải hồi hộp khi mang rất nhiều tiền trong người, chỉ cần vài thao tác đã hoàn tất chuyển, nhận tiền ở mọi lúc mọi nơi.

Tuy nhiên, trong thực tế có quá nhiều rắc rối xoay quanh chiếc thẻ, nhiều khi lấn át cả những tính năng vượt trội của nó nên số người chịu dùng vẫn hạn chế. Nguyên nhân chính là từ ngân hàng, chứ không phải thói quen thích dùng tiền mặt của người tiêu dùng bao lâu nay ngăn cản sự phát triển của mạng lưới thẻ. Những gì tiện và lợi sẽ hấp dẫn người dân ngay, chẳng cần đơn vị phát hành phải đứng ra kêu gọi.

Tôi lấy ví dụ: Ngân hàng áp đặt quá nhiều loại phí. Vô lý nhất là phí kiểm đếm 2%. Nếu người tiêu dùng nộp vào tài khoản một số tiền, trong vòng 2 ngày mà có việc phải rút hoặc chuyển khoản phải chịu phí kiểm đếm 2% trên số tiền nộp vào.

Theo thông tin tôi biết, từ trước năm 1975, ở miền Nam, khoảng 90% người Việt ở các đô thị chuộng thanh toán bằng séc hơn tiền mặt, vì tiện lợi, chứng tỏ đẳng cấp và nhất là có lãi từ 12-18% một năm trên số tiền bỏ vào ngân hàng để mở tài khoản chuyển séc. Nhưng vài chục năm sau, người ta khư khư giữ tiền bên người, trong khi nhiều nước trên thế giới gần như ít thấy bóng dáng của tiền mặt trong lưu thông.

thẻ tín dụng
Nhiều người vẫn nghĩ "tiền trong tay mình là an toàn nhất".

Người Việt có tính cộng đồng rất cao, họ hay chia sẻ, trao đổi lẫn nhau nên khi nghe nhiều người cảnh báo: Bị nuốt thẻ, tiền không ra nhưng tài khoản đã bị trừ, cột ATM hết tiền, phải xếp hàng để rút, tiền rách... khiến những ai chưa từng dùng thẻ cũng phải suy nghĩ lại, thậm chí từ bỏ ý định.

Tôi từng chứng kiến trường hợp một khách hàng nữ mua sắm ở siêu thị tới chục triệu đồng. Tuy nhiên, khi được tư vấn nên chuyển qua khu vực cà thẻ để thanh toán sẽ tiện và nhanh hơn, không phải xếp hàng đợi lâu thì chị từ chối. Vì quầy cà thẻ của ngân hàng Sacombank, nếu dùng thẻ của ngân hàng khác bị tính phí 3-5%.

Để cầm trong tay chiếc thẻ và dùng nó, người tiêu dùng phải trả nhiều loại phí, tới khi thanh toán còn bị trừ tiền. Sau đó, do mang theo tiền không đủ nên vị khách này quay ra khu vực sảnh ở siêu thị để rút tiền mặt ở máy ATM rồi trở vào thanh toán cho thu ngân. Chính động thái của ngân hàng đã quyết định xu hướng chi tiêu, thanh toán của người dân, chứ không phải họ làm theo thói quen.

Do đó, xu hướng thanh toán bằng tiền mặt của người Việt theo tôi sẽ khó xóa bỏ, thậm chí còn phát triển trong tương lai, khi mới đây, nhiều ngân hàng quyết định thu phí nội mạng. Công nhân lương chỉ vài triệu đồng một tháng, nhưng mỗi lần rút tiền chi xài mất 1.100 đồng. Số tiền này tuy không lớn nhưng gộp lại nhiều lần, họ có thể mua được thức ăn cho cả ngày. Nhiều người còn tính tới phương án sẽ rút hết tiền khi có lương vì tiếc khoản phí phải trả.

Trường hợp khác, có một doanh nghiệp mà tôi biết họ thích giao tiền cho kế toán giữ trong két sắt hơn, khi cần trả cho khách thì mang ra ngân hàng chuyển. Vì có lần doanh nghiệp nhận chuyển tiền trong cùng hệ thống, lẽ ra tiền phải về ngay nhưng nhà băng giam đến mấy ngày khiến tình hình tài chính công ty bị đình trệ.

Ý tưởng đánh thuế tiền gửi tiết kiệm cũng sẽ làm nhiều người chùn bước trong tiến trình bỏ thói quen dùng tiền mặt.

Nhiều ý kiến cho rằng người Việt ngại thay đổi, họ chẳng dám thử làm mới mình, chuyển qua giao dịch với ngân hàng. Theo tôi, quan điểm này chưa đúng. Ở góc độ người tiêu dùng, không ai muốn làm khó, tự tạo phiền toái cho mình, hễ cái gì có lợi là người ta hưởng ứng ngay.

Có thể ở khu vực nông thôn, người dân không cần thiết phải dùng tới dịch vụ ngân hàng vì khoản chi tiêu, thanh toán không có giá trị lớn nhiều. Tuy nhiên, ở các thành phố lớn, nơi phát sinh những hợp đồng mua bán trị giá cả tỷ đồng thì rõ ràng giao dịch qua ngân hàng tiện lợi hơn nhiều. Nhưng vẫn có nhiều người thà ôm cả đống tiền theo để chuyển giao vì họ đã cân nhắc kỹ lợi hại của việc giao dịch qua ngân hàng hay tự mình giao dịch.

Tóm lại, nhiều người vẫn nghĩ "tiền trong tay mình là an toàn nhất". Giúp người dân hình thành suy nghĩ này là do chính ngân hàng tạo ra. Muốn thay đổi thói quen dùng tiền mặt, nhà băng phải tự làm cuộc cách mạng. Còn tư tưởng chuyển sang giao dịch với ngân hàng của người dân thực chất đã có, nhưng nó chưa được nhà băng khơi gợi đúng mức.

Thạc sĩ Lê Tấn Lam Anh học MBA ở Pháp, có hơn 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực cao su. Ông hiện là Giám đốc Công ty TNHH Cao Su Trường Thịnh. Ông cũng là chuyên gia phân tích kỹ thuật tài chính, hóa học (hóa màu, hóa cao su, xăng sinh học) và đã tốt nghiệp Cao học hóa học.

Thạc sĩ Lê Tấn Lam Anh

Theo VnExpress

Các tin cũ hơn