Từ đầu năm 2012, SCB đi vào hoạt động trên cơ sở hợp nhất 3 ngân hàng thương mại là SCB, TienNghiaBank và Ficombank. Đến nay, sau một năm, theo Ngân hàng Nhà nước thì ngân hàng hợp nhất này đã đạt được những bước tiến triển tích cực.
Cụ thể, SCB đã cải thiện đáng kể tình trạng thanh khoản, năng lực tài chính thông qua các giải pháp tăng vốn điều lệ, gọi vốn của nhà đầu tư nước ngoài, củng cố giá trị tài sản đảm bảo, đẩy mạnh xử lý nợ…
Theo Ngân hàng Nhà nước, SCB đã bảo đảm an toàn tài sản của Nhà nước, chi trả bình thường đối với các khoản tiền gửi của nhân dân và thanh toán được hầu hết các khoản nợ vay tái cấp vốn. |
Huy động vốn của SCB từ nền kinh tế đã tăng 35,9% trong năm 2012 và tăng 7% trong hai tháng đầu năm 2013.
“Nhờ vậy, SCB đã bảo đảm an toàn tài sản của Nhà nước, chi trả bình thường đối với các khoản tiền gửi của nhân dân và thanh toán được hầu hết các khoản nợ vay tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước”, thông cáo cho biết.
Cũng theo thông cáo trên, hiện nay SCB đang hoạt động dưới sự giám sát chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước, đang đẩy mạnh triển khai các giải pháp cơ cấu lại tổng thể, bao gồm cả cơ cấu lại các khoản tiền gửi/tiền vay của các tổ chức tín dụng và tổ chức tài chính nhận ủy thác của tổ chức tín dụng theo kế hoạch tái cơ cấu giai đoạn 2013 - 2014 và phương án cơ cấu lại nợ thị trường 2 đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.
“Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước cũng đã chủ trì cuộc họp với các tổ chức tín dụng chủ nợ của SCB để thống nhất nguyên tắc cơ cấu lại khoản tiền vay/tiền gửi của các tổ chức tín dụng và tổ chức tài chính nhân ủy thác của tổ chức tín dụng tại SCB”, thông cáo cho biết thêm.
Giữa tuần này, thị trường xuất hiện thông tin công ty IFM “kêu cứu” về khoản tiền gửi tiết kiệm hơn 500 tỷ đồng bị kẹt tại SCB một năm qua mà chưa thể rút về.
Trong khi đó, tại cuộc họp của một ngân hàng thương mại khác mới đây, cổ đông cũng tỏ ra sốt ruột khi khoản tiền gửi trên liên ngân hàng tại SCB đã lâu vẫn chưa được hoàn trả…
Theo VnEconomy