Cuối tháng 2, bạn đọc Chu Xuân chia sẻ clip quay cảnh hành lý ký gửi bị nhân viên bốc xếp vứt ném không thương tiếc. Ngay sau đó, hàng loạt độc giả khác cũng cho biết vali ký gửi của mình thường xuyên hư hỏng khi đi máy bay.
Nhiều độc giả phản ảnh chuyện mất đồ giá trị trong các hành lý ký gửi thường xuyên xảy ra. Trường hợp của anh Huỳnh Minh Hùng là ví dụ. Sau khi đáp chuyến bay từ Mỹ về sân bay Tân Sơn Nhất, anh thất lạc 2 vali ký gửi. Ngày hôm sau, anh tìm lại được nhưng vali đã bị bẻ khóa, toàn bộ đồ đạc giá trị hơn 8.000 USD biến mất.
Đại diện sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất cho hay, rủi ro với hành lý ký gửi không thể tránh và xảy ra ở nhiều sân bay trên thế giới. "Chúng tôi đã thực hiện nhiều biện pháp để ngăn chặn tối đa tình trạng này như có camera an ninh giám sát, tuyển nhân viên bốc dỡ cũng có chọn lọc, nhân viên sân bay vào một cửa, ra một cửa...", vị này cho hay.
Theo ông, khi có vấn đề, hành khách phải báo với bộ phận thất lạc hành lý. Sau đó, hãng hàng không vận chuyển cùng cơ quan an ninh xác định xem hàng hóa bị mất ở đâu để có hướng giải quyết như tìm lại hành lý hay bồi thường hành lý bị mất.
Còn đại diện một hãng hàng không trong nước cho biết, bình thường khi đi máy bay, khách mang hành lý ký gửi đến quầy check-in để gửi, nhân viên của hãng sẽ tiếp nhận. Tiếp theo, hành lý bắt đầu qua soi chiếu an ninh do nhân viên sân bay đảm nhiệm. Hành lý ký gửi tiếp tục được đưa ra khâu bốc xếp để nhân viên bốc dỡ đưa lên máy bay, công đoạn này cũng do nhân viên sân bay phụ trách.
Ở chiều về, máy bay đáp xuống, hành lý được chuyển từ máy bay ra xe chở (để trần) và vào khu vực băng chuyền ra trả lại cho hành khách. "Nhiều khu vực trong sân bay không phải ai cũng vào được, kể cả nhân viên hàng không nên nếu xảy ra mất cắp hãng hàng không sẽ rất khó kiểm tra", đại diện hãng phân tích.
Các hãng hàng không khuyến cáo khách không nên để đồ giá trị, dễ vỡ trong hành lý ký gửi. |
Các hãng hàng không đều khuyến cáo khách hàng không nên để đồ có giá trị, dễ vỡ trong hành lý ký gửi để tránh các rủi ro có thể xảy ra.
Trong điều lệ vận chuyển của hãng Asiana Airlines (Hàn Quốc) nói rõ, đối với vận tải quốc tế, các mặt hàng như thiết bị điện tử (máy tính xách tay, máy ảnh, máy quay, máy nghe nhạc, MP3, điện thoại...), vật phẩm dễ vỡ, dễ hư hỏng, tiền bạc, trang sức, chìa khóa, hộ chiếu, giấy tờ tùy thân, kinh doanh... không được chuyên chở theo dạng hành lý ký gửi.
Thông thường, các vấn đề trục trặc về hành lý sẽ được Asiana bồi thường với mức 20 USD một kg. Căn cứ theo một số quy định khác, hãng cũng có thể bồi thường tối đa khoảng 1.810 USD một người.
Với Vietnam Airlines, nếu trường hợp hành lý bị chậm trễ, mất hành lý, khách phải khiếu nại đến hãng chậm nhất là trong vòng 21 ngày (căn cứ trên dấu bưu điện, nếu có).
Vietnam Airlines cũng lưu ý hành khách không được để trong hành lý ký gửi tiền, nữ trang, kim loại quý hiếm, trang sức bằng bạc, các hợp đồng bảo mật hoặc các lọai hàng hóa có giá trị khác, các tài liệu kinh doanh, hộ chiếu, giấy chứng minh và các lọai hàng mẫu... Các vật dụng dễ vỡ như các sản phẩm thuỷ tinh, chai đựng rượu... cũng không được chấp nhận vận chuyển như hành lý ký gửi.
Hiệp hội Hàng không quốc tế IATA cho biết trên thực tế có 98,2% tất cả hành lý đi đến cùng với khách theo đúng kế hoạch. Phần lớn các hành lý thất lạc, hay xử lý sai quy định được trả lại cho khách trong vòng 48 giờ.
"Việc thất lạc hay xảy ra tại các thời điểm chuyển tiếp và khi giao thông bay tắc nghẽn", IATA nêu trên trang web của mình.
Theo IATA, khi bị mất hành lý, trước tiên, khách phải báo cáo, cung cấp thông tin cho các hãng hàng không để giúp họ theo dõi hành lý của mình. Hầu hết các hãng hàng không sử dụng một hệ thống toàn cầu gọi là World Tracer được cung cấp bởi IATA và SITA (một tập đoàn công nghệ). Tất cả các thông tin hành lý bị mất sẽ được đưa trên trang web hệ thống World Tracer.
Theo VnExpress