“TPG rất muốn tìm các cơ hội khác tại Việt Nam”

Thứ sáu, 22/03/2013, 06:37
"Có hai lý do để chúng tôi chọn Việt Nam", Bill McGlashan, Tổng giám đốc TPG Growth cho biết khi ông giải thích nguyên nhân Texas Pacific Group (TPG), một trong những tập đoàn đầu tư vốn tư nhân lớn nhất của Mỹ với lượng tài sản quản lý lên đến 54,5 tỷ USD, lần đầu tiên tổ chức hội nghị nhà đầu tư thường niên ở bên ngoài nước Mỹ, với địa điểm là khách sạn Sofitel Metropole tại Hà Nội, từ ngày 19-21/3.

TPG Growth là một trong những quỹ thành viên của TPG, cái tên không mấy xa lạ với thị trường tài chính Việt Nam sau khoản đầu tư 36,5 triệu USD vào Công ty Cổ phần FPT (mã FPT - HOSE) trong năm 2006 và sau đó là khoản đầu tư 35 triệu USD vào tập đoàn Masan (mã MSN - HOSE) trong năm 2009.

TPG Growth

Ông Bill McGlashan, Tổng giám đốc TPG Growth, một trong những quỹ thành viên của TPG. 

Ông Bill McGlashan nói:

- Lý do thứ nhất, TPG Growth đã có lịch sử đầu tư thành công ở Việt Nam với trường hợp của FPT và Masan. Hiện tại chúng tôi đang có những hợp tác chặt chẽ và thành công với Masan.

Lý do thứ hai là chúng tôi nhận thấy nhiều cơ hội ở Việt Nam. Chúng tôi tin tưởng rằng nền kinh tế này còn có nhiều tiềm năng phát triển.

Chúng tôi đã làm một cuộc điều tra trong nội bộ các nhà đầu tư của quỹ. Việt Nam là địa điểm gây nhiều hứng thú và quan tâm cho họ, do đó thay vì chọn các nơi khác, chúng tôi chọn Việt Nam.

Trong cuộc họp vừa rồi, có cơ hội đầu tư mới nào mà TPG Growth giới thiệu cho các nhà đầu tư của mình?


Chúng tôi không đề cập hay thảo luận đến các cơ hội đầu tư cụ thể trong cuộc họp này. Chúng tôi cũng không muốn nói về các dự định cụ thể trong tương lai.

Tuy nhiên, chúng tôi đã dành nhiều thời gian cho đại diện các công ty đề cập đến thị trường Việt Nam, cũng như các chuyên gia, nhà tư vấn đề cập đến Việt Nam như một thị trường tiềm năng cho cơ hội đầu tư.

Trong hai ngày vừa qua, chúng tôi tập trung thảo luận nhiều về Việt Nam, lên kế hoạch viếng thăm các sở giao dịch cũng như gặp gỡ các quan chức.

Ngoài Masan, hiện TPG có ý định lựa chọn các công ty khác hay không? Ông đánh giá thế nào về triển vọng đầu tư ở các lĩnh vực khác ngoài hàng tiêu dùng?

Chúng tôi đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác nhau như công nghệ, năng lượng, tài chính... Chúng tôi cũng đầu tư thành công vào các công ty khắp nơi trên thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc.

Đối với lĩnh vực tiêu dùng, chúng tôi cũng đầu tư vào cả các kênh phân phối. Như Masan, bản thân họ hoạt động trong cả ba lĩnh vực: Thực phẩm, dịch vụ tài chính thông qua Techcombank, và khai khoáng. Chúng tôi rất muốn tìm kiếm các cơ hội khác ở Việt Nam.

Chúng tôi có khả năng hỗ trợ các đối tác cả về tài chính cũng như kinh nghiệm trong các lĩnh vực khác nhau. Khi nền kinh tế Việt Nam hồi phục thì sẽ có rất nhiều các cơ hội đầu tư. Chúng tôi có thể trở thành đối tác tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Ông có thể cho biết tỷ trọng đầu tư vào thị trường Việt Nam trong tổng danh mục đầu tư của TPG Growth? Liệu tỷ trọng này có tăng lên trong tương lai gần hay không?

Chúng tôi không phân bổ vốn theo từng thị trường, mà chúng tôi đầu tư vào các công ty cụ thể. Vì thế, nếu không tìm được các công ty phù hợp thì chúng tôi không tiến hành đầu tư và ngược lại, có cơ hội chúng tôi sẽ rót vốn.

Với thị trường Việt Nam, chúng tôi hy vọng sẽ tìm thấy thêm các công ty phù hợp. Đang có mối quan hệ tốt với Masan, nhưng chúng tôi cũng thấy rất hứng thú với các cơ hội khác tại thị trường này.

Tuy nhiên, cũng không thể khẳng định chắc chắn điều gì vào lúc này, vì còn phụ thuộc vào các trường hợp cụ thể có đạt các tiêu chuẩn đầu tư hay không. Việc chúng tôi đưa các nhà đầu tư của quỹ đến Việt Nam thể hiện kỳ vọng của chúng tôi trong việc tìm kiếm thêm các cơ hội đầu tư tại đây.

Vậy, đâu là những tiêu chí quan trọng nhất khi TPG Growth quyết định đầu tư vào một công ty?

Yếu tố quan trọng đầu tiên là chất lượng của đội ngũ quản trị. Chúng tôi đã có kinh nghiệm hơn 20 năm và vấn đề quan trọng nhất là chọn được những đối tác có năng lực quản trị tốt.

Yếu tố thứ hai là khả năng cạnh tranh, tận dụng lợi thế thị trường cũng như triển vọng tăng trưởng trong các lĩnh vực. Sau khi lựa chọn được chúng tôi sẽ tiến hành các nghiên cứu chi tiết trên các khía cạnh như tài chính, pháp lý, hoạt động cụ thể để đánh giá công ty đó.

Cách thức đầu tư của TPG khác biệt gì các tổ chức đầu tư khác, thưa ông?


Đa số các tổ chức đầu tư khác coi Việt Nam như là một thị trường và có mức phân bổ vốn. Trong khi đó, cách tiếp cận của TPG là hướng tới các công ty cụ thể và không phân bổ vốn cho từng thị trường.

Chúng tôi đóng vai trò như một đối tác, không chỉ là vấn đề vốn. TPG đã đầu tư vào rất nhiều công ty lớn trên toàn cầu và đó là những công ty xuất sắc, nên chúng tôi có rất nhiều kinh nghiệm hỗ trợ kỹ thuật.

Chẳng hạn trong lĩnh vực bán lẻ, chúng tôi có kinh nghiệm từ nhiều tập đoàn bán lẻ lớn trên thế giới mà có thể ứng dụng cho các doanh nghiệp tại Việt Nam. Ở các lĩnh vực khác chúng tôi cũng có những chuyên gia đầu ngành am hiểu thị trường để có thể hỗ trợ các công ty mà chúng tôi sẽ đầu tư tại Việt Nam.

Vì đầu tư vào các công ty cụ thể, nên điểm mấu chốt mà chúng tôi tìm kiếm là các công ty có tiềm năng phát triển, sẽ lớn mạnh hơn, tăng trưởng giá trị cao hơn. Chúng tôi tìm kiếm những đội ngũ lãnh đạo tốt, tận dụng được các lợi thế mà nền kinh tế đem lại, như cơ cấu dân số trẻ, tiềm năng tiêu dùng lớn...

Trong 5 năm qua, nền kinh tế Việt Nam đã có nhiều biến động. Lạm phát tăng cao, thị trường chứng khoán suy giảm…, nhưng chúng tôi vẫn hưởng lợi nhuận tốt từ các khoản đầu tư của mình. Đó là vì các khoản đầu tư đó đã dựa trên những đánh giá về các năng lực lãnh đạo và tiềm năng của những công ty cụ thể.

Theo VnEconomy

Các tin cũ hơn