Ngân hàng chuẩn bị “phá giá” lãi suất cho vay?

Thứ sáu, 22/03/2013, 07:05
Sự phi thường lại xuất hiện trong một hoàn cảnh bất thường. Nếu không giảm lãi suất cho vay, không những thế còn phải giảm “quyết liệt”, các ngân hàng sẽ rơi vào vòng xoáy mà một phần của nguyên nhân do chính họ gây ra.

Lại “tín hiệu”

Vào thời điểm quý đầu tiên của năm 2013 đã gần trôi qua, thị trường tín dụng bắt đầu có tín hiệu biến động. Một lần nữa kể từ một năm qua, mặt bằng lãi suất huy động có thể được kéo giảm.

Vào lần này, Vietcombank vẫn là ngân hàng đi đầu trong việc phát tín hiệu. Mức lãi suất từ 1/3 tháng đã được ngân hàng này rút từ 8% xuống còn 7,5% từ ngày 20/3, có kỳ hạn còn giảm đến 1%.

hạ lãi suất huy động

Cách đây đúng một năm, trong lần hạ trần lãi suất huy động đầu tiên của Ngân hàng nhà nước từ 14% về 13%, cũng Vietcombank là đơn vị nổ phát pháo đầu tiên. Chỉ có điều, sự dẫn dắt của ngân hàng này có vẻ không mấy thành công khi sau đó khối ngân hàng thương mại cổ phần chỉ buộc phải giảm lãi suất huy động một cách đầy gượng gạo.

Với tư cách là một trong những ngân hàng nằm trong top đầu về thị phần huy động tiền gửi từ khu vực nhân dân và doanh nghiệp, dĩ nhiên mỗi động thái của Vietcombank đều có thể mang tính tín hiệu đối với nhiều ngân hàng khác.

Khác hẳn tình thế cách đây một năm là thời gian mà khối ngân hàng vẫn còn “ung dung trên nỗi đau của doanh nghiệp”, không chỉ Vietcombank mà chắc chắn sẽ còn cả những ngân hàng lớn khác như BIDV, Vietinbak… muốn trở thành đầu tàu về tín hiệu trong đợt giảm lãi suất có thể diễn ra sắp tới.

Tình thế đã trở nên khốn khó cho các ngân hàng, với hiện trạng tồn ứ vốn đang sắp làm vỡ tung các két sắt.

Két sắt sắp vỡ!

Tình thế hiện nay hoàn toàn không giống như thời gian đầu năm 2012 khi thế thượng phong vẫn còn nằm trong tay nhóm lợi ích ngân hàng, khi không chỉ mặt bằng lãi suất cho vay treo cao vời vợi mà cả lãi suất huy động cũng bị lũng đoạn và đại đa số ngân hàng xem việc giảm lãi suất chỉ là việc cực chẳng đã.

Khi đó, họ vẫn tin vào một “tương lai tốt đẹp” của ngành ngân hàng, vẫn hy vọng có thể khuấy đảo thị trường như trong nửa cuối năm 2011, chứ không thể ngờ rằng đến cuối năm 2012, phần lớn trong số họ đã không còn đủ tiền để thưởng tết và thậm chí còn phải ăn thâm vào vốn liếng tích lũy bấy lâu nay.

Tình thế hiện giờ đã trở nên khó khăn hơn rất nhiều cho các ngân hàng, thay cho thói quen đủng đỉnh trước đây. Một câu hỏi vẫn luôn quấn chặt não trạng các ông chủ ngân hàng là phải giảm lãi suất đến mức nào thì mới có thể khuyến dụ được doanh nghiệp và cá nhân vay vốn ngân hàng.

Tất nhiên, thời gian qua ngân hàng không quá lo về xu thế tiền gửi, bởi một thực trạng khá nghịch lý là bất chấp xu hướng trần lãi suất huy động đã giảm đến 6% chỉ trong vòng một năm, lượng tiền gửi từ khu vực người dân vào ngân hàng vẫn không hề giảm sút.

Điều đó cũng phản ánh một thực trạng khốn khổ là đang không có bất cứ kênh đầu tư nào có triển vọng và càng khó có kênh đầu tư nào an toàn trong tiềm thức của người dân. Vàng, ngoại tệ, chứng khoán và đặc biệt là bất động sản - tất cả đều hoặc đi ngang hoặc đóng băng.

Dĩ nhiên, người ta có thể hiểu vấn đề còn lại của ngân hàng là phải tiếp tục giảm lãi suất huy động để qua đó có thể bắt đầu một quá trình giảm lãi suất cho vay.

Hiện vẫn còn treo cao ở vùng 13-16%, lãi suất cho vay hoàn toàn không tương xứng với “công thức 3%” do Ngân hàng nhà nước đưa ra. Tức thực tế các ngân hàng vẫn “ăn trên đầu trên cổ” của người vay từ 7-8%, thay vì chỉ có 2-3% theo thông lệ quốc tế.

Trong một năm qua, trần lãi suất huy động đã giảm đến 6%, nhưng mặt bằng lãi suất cho vay lại chỉ giảm có vài ba phần trăm - một nghịch lý không thể bao biện cho “cái chết” của giới ngân hàng.

Khác rất nhiều với bối cảnh 2007 và  2009, hai năm qua lại chứng kiến đợt suy thoái kinh tế trầm kha của Việt Nam, dẫn đến ít nhất hàng trăm ngàn doanh nghiệp giải thể và phá sản, nhu cầu vay vốn hạn hẹp đến mức tối thiểu. Cũng bởi thế, lợi nhuận của các ngân hàng ở TP.HCM vào cuối năm 2012 đã giảm đến 96% so với cuối năm trước đó.

Lợi nhuận giảm nhưng tương lai kinh khủng hơn là vốn tồn ứ vẫn đội cao qua từng ngày.

Phá giá?

Sau nhiều cuộc bàn thảo quyết liệt, giới chuyên gia ngân hàng đã tạm rút ra một kết luận: Mức lãi suất cho vay hợp lý hiện nay là 10%.

Thật ra, để có kết luận này, xã hội đã phải trải qua một cung đường đau đớn.

Đã từng vọt lên gần 30% vào quý 4 năm 2011, việc các ngân hàng chịu giảm lãi suất cho vay đến hai phần ba của “cơn điên lãi suất” sẽ là một cố gắng phi thường!

Cho đến giữa năm ngoái, vẫn không mấy doanh nghiệp và người dân dám tin tưởng vào sự  phi thường ấy.

Nhưng sự phi thường thường xuất hiện trong một hoàn cảnh bất thường. Nếu không giảm lãi suất cho vay, không những thế còn phải giảm “quyết liệt”, các ngân hàng sẽ rơi vào vòng xoáy bởi một phần do chính họ gây ra.

Tiền lệ đã có khi lãi suất cho vay mua nhà xã hội theo tinh thần nghị quyết 02 của chính phủ chỉ có 6% - một mức không tưởng so với cách đây hai năm. Theo đó, đến lượt khối ngân hàng đang và sẽ phải làm những gì mà giới doanh nghiệp bất động sản đã trì kéo ròng rã trong hơn hai năm qua: Giảm giá - đẩy hàng tồn.

Giá căn hộ cao cấp tại một số dự án ở Hà Nội và TP.HCM đã giảm đến 40% trong hai năm. Một cách tương ứng, nếu mặt bằng lãi suất cho vay vào năm 2011 bình quân là 18% thì việc giảm về 10% cũng không phải là một ngoại lệ.

Chỉ có như thế, doanh nghiệp mới biết “vay vốn để làm gì”, còn ngân hàng mới có lý do để tránh khỏi cái chết dường như là tất yếu.

Theo Sống Mới

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích