Đó là quan điểm của ông Trần Như Trung, Phó giám đốc Savills Hà Nội, khi nhìn nhận về triển vọng thị trường bất động sản trong năm Quý Tỵ sắp tới. Là một người theo sát thị trường bất động sản Việt Nam, sau nhiều năm thăng trầm, dù có “lên”, có “xuống”, song theo ông, chưa bao giờ thị trường bất động sản lại khó khăn như hiện nay.
Ông cũng ví thị trường bất động sản như một học sinh lên 10, nhưng với tin tốt rằng, đứa bé bắt đầu biết biết phải ôn lại để ngày mai trả bài, thay vì tư duy sẽ có bố xin điểm cho.
Ông Trần Như Trung: "Thị trường hiện nay đang khó khăn nhưng đây cũng có thể là cơ hội cho một lớp nhà đầu tư mới xuất hiện". |
Trao đổi với PV, ông Trung nói:
Tôi thực sự phấn khích trong 2 - 3 năm trở lại đây. Bởi lẽ, chúng tôi là doanh nghiệp dịch vụ, song lại được cộng sinh với nhiều chủ đầu tư nên thấy thị trường thực sự sôi động, trong đó buồn có, vui có.
Nhưng sau đó, mọi cái dần trở nên phức tạp, giống như chương trình phổ thông của nó vậy. Cậu ta bắt đầu tỏ ra đuối sức với những bài học, phép tính không đơn giản như thời vỡ lòng.
Nhưng tin tốt của 2013 là những cậu bé như vậy bắt đầu biết phải học lại bài để mai trả bài, thay vì nó tư duy sẽ có bố xin điểm cho.
Từ công việc của mình trong nhiều năm qua, ông thấy thị trường có bi, hài gì không?
Về mặt hài thì giống như đưa trẻ nói trên. Còn phần bi thì tôi phát hiện ra tại sao thị trường có nhiều nhà đầu tư cá nhân muốn đầu tư bất động sản như vậy, cũng có thể là do kênh đầu tư của mình ít quá. Lẽ ra chúng ta phải có nhiều kênh đầu tư khác hơn. Một số kênh đầu tư khác ngoài bất động sản như chứng khoán, vàng… thì khá bấp bênh.
Bỏ tiền vào bất động sản nhiều, song có ý kiến cho rằng, phần lớn nhà đầu tư vẫn chưa biết cách kinh doanh?
Nếu nhận xét như vậy tôi e là hơi phiến diện vì con số chúng ta không nắm được chính xác. Đành rằng cũng có đứa bé hiện vẫn dựa vào bố mẹ xin điểm, song thực tế có rất nhiều cậu học sinh vẫn ý thức được phải tự học.
Có nhiều người vẫn nói với tôi là trước đây không biết vì sao họ thành công, rồi đến khi thất bại cũng không rõ nguyên nhân. Những nhóm người này đúng là không bao giờ họ muốn thay đổi.
Nhưng Savills đã từng công bố một khảo sát rằng, không thấy doanh nghiệp bất động sản thay đổi nhiều sau vài năm gần đây dù thị trường liên tiếp gặp khó khăn?
Họ không muốn thay đổi chính là họ không muốn thừa nhận mình đã làm sai. Chẳng hạn, ngày xưa mua một dự án 20 tỷ, giờ nếu bán ra nó chỉ có 5 tỷ. Nhưng nếu ký giấy bán thì có nghĩa là thừa nhận đã sai, còn nếu cứ để trong sổ sách thì vẫn là 20 tỷ.
Có hai nguyên nhân, một là do ràng buộc quá khứ quá nặng nề không cho phép họ thay đổi. Họ đều có đọc và hiểu được thị trường, song họ vẫn bị quá khứ chi phối, điều khiển.
Hai là có một nhóm đầu tư đã gặt hái được rồi, giờ là thời điểm họ không muốn thay đổi, không muốn mạo hiểm nữa. Nhưng đây cũng có thể là cơ hội cho một lớp nhà đầu tư mới xuất hiện.
Những người liên quan tới thị trường bất động sản hiện nay đang khá đau với câu chuyện giá với những giằng co giữa người bán, người mua. Theo ông giải bài toán này bằng cách nào?
Chúng ta không nên giải và cũng không thể giải được vì bao giờ người bán cũng sẽ không muốn giảm giá và người mua không muốn tăng lên.
Giải pháp của tôi là từ nay trở đi không nên đưa ra giải pháp gì. Câu chuyện giá bất động sản hãy để cho thị trường quyết định. Ngay cả chuyện doanh nghiệp nói rằng, nếu giảm nữa thì dưới giá thành cũng là chuyện hài. Thị trường vẫn có chuyện mua 10 bán 5.
Giá bất ổn là do cung không gặp cầu. Chẳng hạn, người chế tạo ra bát phở bò Kobe 1 triệu đồng/bát không có lỗi, vì thực tế vẫn có người, có cả một vùng nào đấy người dân muốn ăn bát phở tận 2 triệu đồng. Vấn đề là họ lại mang phở đó đến vùng người dân thu nhập 5 nghìn đồng/ngày.
Nhưng trong kinh doanh là do họ thẩm định không kỹ, còn thực tế không ai có lỗi. Giải pháp chỉ có thể biếu không hoặc ông chủ tự ăn hết, nghĩa là không có ông thần nào hóa giải được câu chuyện giá bất động sản hiện nay.
Có ý kiến cho rằng, diễn biến của thị trường hiện này sẽ tốt cho tương lai. Ông có nghĩ thế?
Đúng là diễn biến của thị trường hiện nay rất tốt cho tương lai. Bởi vì nếu cách đây 10 năm thì chuyện khủng hoảng không thể xảy ra. Khi đó, quy mô thị trường nhỏ, muốn vặn, muốn xoay kiểu gì cũng được. Còn hiện nay, quy mô thị trường đã lớn hơn rất nhiều, nên cái tốt cho mọi người là không ai có thể vặn được cái gì cả.
Nếu nhìn theo hướng tích cực đó là điều tuyệt vời cho thị trường.
Nhưng do một số người đang nhìn thị trường theo một lát cắt nên mới cho là tiêu cực, khi mà họ trước đây bỏ ra một khoản tiền, giờ lại bị co bớt.
Câu chuyện này được ví như chuyện một thằng bé mà bố nói xin điểm cho thì nó lại bảo là để nó tự học.
Theo ông làm thế nào để các nhà đầu tư bất động sản có thể kiếm được tiền trong năm Quý Tỵ sắp tới?
Tôi cho rằng là tùy vào vai và số tiền họ đang có. Nếu bạn là một tổ chức đang có trong tay 1.000 tỷ đồng thì hãy đi mua lại các dự án tiềm năng, cơ cấu lại để sau 5 năm nữa bán lại. Bởi hiện nay dự án đang chào bán la liệt, vị trí đẹp, cấu trúc tốt.
Còn với các nhà đầu tư cá nhân, nhỏ lẻ, đặc biệt là đội quân lướt sóng thì tôi cho rằng, trong năm Quý Tỵ này vẫn tiếp tục nên mua sách bất động sản để đọc, tránh chuyện mất tiền oan.
Theo VnEconomy