Ngày 24/1, tại phiên họp giải trình của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về thực trạng, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản (BĐS), nhiều đại biểu (ĐB) tỏ ra lo ngại đối với các giải pháp được Bộ Xây dựng đưa ra.
Cứu nhà đầu cơ?
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng trình bày 8 nhóm giải pháp cấp bách và lâu dài của Chính phủ để tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, như chia nhỏ căn hộ cho phù hợp với nhu cầu và khả năng thanh toán của đại bộ phận người dân; tháo nút thắt tín dụng để xử lý hàng tồn kho và kích thích thị trường; ưu tiên xử lý nợ xấu có tài sản bảo đảm bằng BĐS; dãn, giảm hàng loạt thuế suất cho doanh nghiệp (DN) và người mua…
Tuy nhiên, nhiều ĐB bày tỏ sự lo lắng về việc “lòng tốt” bị đặt nhầm chỗ vì khó khăn của thị trường BĐS hiện nay còn do các yếu tố đầu cơ, lợi ích nhóm.
ĐB Đỗ Văn Đương, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, bình luận: Các giải pháp đưa ra chỉ mang tính “đông y”, trong khi cơ thể đang ốm nặng, nếu càng để lâu thì càng nguy hiểm nên cần phải có “tây y” đủ mạnh. “Cứu DN, để người dân có nhà liệu có cứu cho cả nhà đầu cơ? Khi lãi lớn, họ có nghĩ tới người nghèo, tới đất nước hay không?”- ông Đương hỏi thẳng.
Hiện cả nước còn tồn kho 42.230 căn nhà nhưng giá bán vẫn ở mức cao, người có thu nhập thấp khó lòng với tới. |
Đưa ra bức tranh u ám hơn, ông Trần Xuân Hòa, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam, đặt vấn đề: “Các chuyên gia phản ánh số căn hộ tồn kho tới năm 2050 mới tiêu thụ hết, vậy mà giá nhà vẫn quá cao so với nhu cầu người dân, đem lại lãi lớn cho chủ đầu tư và “nhóm lợi ích”. Liệu có thế lực nào cố tình giữ giá để trông chờ Nhà nước giải cứu?”.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Ngô Văn Minh dẫn chứng mức nhà thu nhập thấp ở Hà Nội lên tới 1 tỉ đồng/căn, nếu người mua vay tiền ngân hàng sẽ phải trả lãi 100 triệu đồng/năm. Mức lãi này khó có người dân nào trả được.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng thừa nhận giá nhà ở xã hội mà lên đến 1 tỉ đồng là quá cao và người dân bình thường sẽ không có cách gì mua nổi. Giá nhà ở xã hội ở Hà Nội chỉ nên dưới 500 triệu đồng/căn, thậm chí rẻ hơn nữa và phải hạ lãi suất vay. “Giảm giá nhà hiện nay vẫn chưa phù hợp với khả năng thanh toán của người dân và chủ đầu tư vẫn lãi nhiều, trong khi Nhà nước không thể dùng mệnh lệnh hành chính để điều tiết” - ông Dũng nói.
Cần nhận diện đúng bản chất
ĐB Nguyễn Thị Khá, ĐB Trần Du Lịch cùng nhiều ĐB khác kiến nghị trước hết phải làm rõ ai là thủ phạm làm đóng băng thị trường BĐS thì mới có thuốc chữa.
Cùng quan điểm, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia Vũ Viết Ngoạn cho rằng thời gian qua, thông tin Nhà nước sẽ “hà hơi thổi ngạt” cứu thị trường BĐS, dẫn đến DN ỷ lại. “Các nước xử lý tình trạng BĐS bong bóng trước hết là phải nhận diện đúng bản chất thì mới có giải pháp đồng bộ, hợp lý, khi đó mới giải quyết được vấn đề” - ông Ngoạn góp ý.
Hiện cả nước còn tồn kho 42.230 căn nhà nhưng giá bán vẫn ở mức cao, người có thu nhập thấp khó lòng với tới. |
ĐB Lê Nam cho rằng “Bộ Xây dựng phải bóc gỡ được giá trị ảo, tham nhũng mới mong cứu được BĐS. Nhà nước không thể đứng ra “hứng” phân khúc BĐS cao cấp tồn kho mà nên để thị trường tự điều tiết”.
Tiếp lời, ĐB Bùi Văn Phương đánh giá các giải pháp Chính phủ đưa ra như muốn dang tay cứu thị trường BĐS. “Cứ một người vãi ra, một người đi sau giải quyết thì rất khó, chẳng khác nào chúng ta đi bảo vệ lợi ích nhóm” - ông Phương bức xúc.
Đáp lại, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng khẳng định: “Các giải pháp đưa ra là vì cả nền kinh tế. Bảo vệ lợi ích của DN cũng chính là bảo vệ lợi ích của người dân chứ không phải vì bất cứ nhóm lợi ích nào”.
Mới giải quyết phần ngọn
“Chia lửa” với Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đặng Thanh Bình cho biết tính đến ngày 30/11/2012, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực đầu tư, kinh doanh BĐS là 215.207 tỉ đồng. Trong đó, tỉ lệ nợ xấu BĐS là 5,55%. Cũng đến thời điểm trên, 298 DN kinh doanh BĐS có dư nợ tại tổ chức tín dụng từ 100 tỉ đồng trở lên, với tổng dư nợ là 125.141 tỉ đồng.
ĐB Cao Sỹ Kiêm, Ủy viên Ủy ban Kinh tế, phân tích: Xử lý tồn kho BĐS chỉ là giải quyết được phần ngọn, còn gốc vấn đề là hướng phát triển tiếp theo như thế nào. “Làm sao để chặn được đầu cơ, không để DN nâng giá trên trời, khi đó mạch máu mới hết đông. Nếu không, 3-4 năm nữa lại phải giải quyết cục máu đông gia tăng và nặng hơn?” - ông Kiêm nói.
Hiện cả nước còn tồn kho 42.230 căn nhà nhưng giá bán vẫn ở mức cao, người có thu nhập thấp khó lòng với tới
“Chôn” hơn 111.000 tỉ đồng Theo Bộ Xây dựng, báo cáo chưa đầy đủ của 50 địa phương cho biết tình hình tồn kho BĐS như sau: Nhà ở tồn kho 42.230 căn (gồm 26.444 căn hộ và 15.786 căn nhà thấp tầng); văn phòng 92.800 m2 sàn; trung tâm thương mại 98.407 m2 sàn; đất nền nhà 7.922.485 m2; đất thương mại khác 1.951.033 m2. Ước tính tổng lượng vốn tồn kho khoảng 111.963 tỉ đồng. Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, số liệu tồn kho trên chưa phản ánh đúng thực tế do còn nhiều dự án có tồn kho nhưng chưa báo cáo và số vốn tồn đọng trong BĐS lớn hơn nhiều so với số liệu trong báo cáo. |