Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) là nhà cho vay toàn bộ tổ hợp dự án cửa ngõ quốc tế hàng không của Hà Nội, bao gồm ba dự án cầu Nhật Tân, đường nối giữa cầu Nhật Tân và sân bay Quốc tế Nội Bài, cùng nhà ga T2 Sân bay Quốc tế Nội Bài.
Chiều 25/1, Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam, ông Tsuno Motonori trao đổi về câu chuyện chậm tiến độ tại dự án cầu Nhật Tân, cũng như yêu cầu từ phía nhà thầu Nhật Bản Tokyu.
Ông Tsuno Motonori, trưởng đại diện của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản. |
JICA đánh giá gói thầu do Tokyu phụ trách tại dự án cầu Nhật Tân chậm tiến độ như thế nào?
Cầu Nhật Tân là cây cầu hữu nghị Nhật - Việt, là dự án rất tiêu biểu quan trọng của cả hai phía Nhật Bản và Việt Nam. Dự án Cầu Nhật Tân chia ra làm ba gói khác nhau, trong đó công ty Tokyu phụ trách gói thầu đường dẫn lên cầu bên phía Đông Anh. Một công ty khác phụ trách xây dựng cầu, và đường dẫn lên cầu đầu phía Hà Nội do một công ty khác nữa phụ trách.
Dự án đường dẫn lên cầu phần do nhà thầu Tokyu phụ trách, đã được khởi công từ tháng 4/2009, theo hợp đồng thì trong vòng 34 tháng gói thầu này sẽ được hoàn thành, tức là đáng lẽ dự án đã phải hoàn thành vào tháng 2/2012.
Trong quá trình thi công, việc giải phóng mặt bằng, di chuyển các đường dây điện - do phía Việt Nam phụ trách - phải làm xong trước để nhà thầu thực hiện công việc. Tuy nhiên trên thực tế các công việc trên đã không hoàn thành đúng hạn. Nên theo tính toán của Tokyu, đến giữa năm 2014 gói thầu này mới được hoàn thành.
Theo ông, lý do dẫn tới sự chậm trễ này là gì?
Theo như chúng tôi hiểu thì thời gian thi công kéo dài này là do sự chậm trễ trong việc thu hồi đất và di chuyển các đường dây điện do phía Việt Nam phụ trách và chúng tôi nghĩ rằng bên phía Bộ Giao thông Vận tải cũng có cùng suy nghĩ như vậy.
Với sự nỗ lực của chính phủ Việt Nam và sự trao đổi thông tin giữa các bên, hiện tại việc giải phóng mặt bằng, di chuyển đường dây điện đã hoàn thành.
Mặc dù nhà thầu Tokyu chưa được thanh toán tiền chi phí phát sinh thêm do chậm trễ này, nhưng hiện tại họ vẫn nỗ lực cố gắng hoàn thành dự án. Để tránh tạo gánh nặng cho nhà thầu, chúng tôi hy vọng trong thời gian sắp tới, việc thanh toán chi phí này sẽ nhanh chóng được giải quyết.
Là đơn vị liên quan đến việc quản lý tiến độ các dự án ODA, chúng tôi thường xuyên họp với Chính phủ Việt Nam để làm sao đưa ra các giải pháp, giải quyết các dự án, kiểm tra tiến độ các dự án.
Liên quan đến dự án cầu Nhật Tân, ngay từ đầu chúng tôi đã đưa ra các cảnh báo về việc thu hồi đất. Do đó chúng tôi thường xuyên họp với Bộ Giao thông Vận tải là cơ quan chủ quản của dự án để tìm cách giải quyết và chia sẻ thông tin.
Tuy nhiên ở cầu Nhật Tân việc thu hồi đất giải phóng mặt bằng là do Ủy Ban Nhân dân thành phố Hà Nội phụ trách. Việc phối hợp giữa các cơ quan ban ngành phụ trách dự án cũng rất là quan trọng. Vì thế, người phụ trách trực tiếp các dự án về phát triển cơ sở hạ tầng trọng điểm là Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã tập hợp các đơn vị có liên quan để họp, trao đổi, xúc tiến, thúc đẩy tiến độ các dự án này.
Trao đổi với PV, một lãnh đạo của Bộ Xây dựng cho hay, việc đề nghị bồi thường 200 tỷ đồng do chậm tiến độ giao mặt bằng 1,5 năm tại dự án cầu Nhật Tân mới chỉ là ý kiến đơn lẻ của nhà thầu Tokyu (Nhật Bản). Để phân bại thắng thua, theo ông, phải phụ thuộc vào hợp đồng. Các bên sẽ phải đối chiếu với các điều khoản để xem thiệt hại do việc chậm tiện độ, chi phí phát sinh thuộc về lỗi của chủ đầu tư hay chính nhà thầu. "Trong trường hợp lỗi của nhà thầu, chủ đầu tư có thể kiện lại", ông nói. Theo đánh giá của vị lãnh đạo này, vụ việc "không đơn giản" và vượt ngoài thẩm quyền của các bộ ngành, thậm chí phải xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng. Ông cho hay, đây là nhà thầu quốc tế, nên trong trường hợp cần thiết phải nhờ trọng tài quốc tế phân xử. "Vụ việc không thể giải quyết một sớm một chiều mà cần mổ xẻ phân tích kỹ các điều khoản, xem xét trách nhiệm các bên xem lỗi thuộc về ai mới có thể phân xử", ông nói. |
Đây là con số mà bên phía Tokyu tính toán ra dựa trên các điều khoản trong hợp đồng. Tokyu là nhà thầu chính, nhưng ngoài ra Tokyu còn ký hợp đồng với các nhà thầu phụ khác nữa. Con số 200 tỷ đồng này là chi phí phát sinh dành cho cả các nhà thầu phụ đó, trong đó có các nhà thầu của Việt Nam.
200 tỷ đồng này không phải là tiền mà Tokyu đòi phía Việt Nam bồi thường, mà là những chi phí phát sinh do hợp đồng chậm trễ.
Theo công ty Tokyu, việc phía Việt Nam không hoàn thành công việc đúng hạn đã khiến nhiều chi phí phát sinh. Bên Tokyu đã tính toán các chi phí phát sinh do chậm trễ là 200 tỷ đồng để phía Bộ Giao Thông Vận tải của Việt Nam thanh toán. Tất cả những vấn đề này đều được ghi trong hợp đồng, do đó JICA hy vọng Bộ Giao thông Vận tải sẽ căn cứ theo hợp đồng và sớm thực hiện việc chi trả.
Là một nhà cho vay, ông có nhận xét gì về tiến độ các dự án ODA tại khu vực Hà Nội?
Kể từ khi triển khai các dự án ODA dành cho Hà Nội, chúng tôi đã thực hiện nhiều dự án quan trọng như giúp Hà Nội cải thiện môi trường nước, xây dựng và phát triển hệ thống giao thông, ví dụ chúng tôi đã giúp xây dựng hệ thống đường nước thải cũng như là xây dựng một số các tuyến đường quan trọng.
Tuy nhiên Hà Nội có đặc điểm là một thành phố lớn với mật độ dân số đông, nên khi triển khai các dự án, vấn đề vấp phải đầu tiên là giải phóng mặt bằng và thu hồi đất.
Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ triển khai dự án đường sắt nội đô của Hà Nội, tuyến số 1 và tuyến số 2. Thiết kế chi tiết của dự án này đã có và trong thời gian tới chúng tôi sẽ triển khai việc mở thầu. Chúng tôi hy vọng bài học kinh nghiệm từ sự chậm trễ của các dự án khác sẽ được rút ra để áp dụng vào dự án này trong việc thu hồi đất.
Với TP.HCM cũng vậy, chúng tôi đã hỗ trợ giúp TP.HCM phát triển các tuyến đường, giao thông, thoát nước.
Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ triển khai hệ thống đường sắt nội đô giống Hà Nội và hiện dự án này tiến triển rất tốt. TP.HCM có đặc điểm giống Hà Nội ở chỗ dân số đông, mật độ dân số cao, các vấn đề liên quan đến thu hồi đất, giải phóng MB cũng gặp nhiều khó khăn. Hy vọng các bên sẽ rút được nhiều bài học kinh nghiệm để áp dụng vào dự án này.
Việc chậm trễ ở dự án Nhật Tân ảnh hưởng thế nào đến các kế hoạch cho vay khác của JICA tại Việt Nam trong tương lai?
Nguồn vốn ODA chính thức của Nhật Bản được nối lại cho Việt Nam đến năm nay là tròn 20 năm. Trong 20 năm đó Nhật Bản đã giúp Việt Nam triển khai rất nhiều dự án quan trọng, đặc biệt là các dự án liên quan đến cơ sở hạ tầng.
Như chúng ta đã biết, đồng vốn ODA của Nhật Bản dành cho Việt Nam là do nhân dân Nhật Bản đóng thuế mà có nên rất quý báu, do đó chúng tôi hy vọng Chính phủ Việt Nam sẽ sử dụng một cách hiệu quả nhất những đồng vốn này.
Trong quá trình triển khai các dự án ODA, có những dự án thì chậm ít, có những dự án thì chậm nhiều. Tuy nhiên là theo như tôi đánh giá, các vấn đề này đã dần được giải quyết. Tiến độ dự án ngày càng được cải thiện so với thời gian đầu.
Theo ông, việc một nhà thầu Nhật lần đầu tiên công bố đòi thanh toán chi phí phát sinh có làm thay đổi cách làm việc của các đối tác trong việc thực hiện dự án hay không?
Tôi nghĩ rằng phía Việt Nam đã nhận thức được vấn đề sau sự việc của nhà thầu Tokyu. Đây là hợp đồng quốc tế và nếu một bên làm sai những nội dung đã được quy định trong hợp đồng đấy thì bên phía nhà thầu có quyền căn cứ theo hơp đồng để yêu cầu thanh toán. Tôi cũng hy vọng là việc này là bài học kinh nghiệm để phía Việt Nam cải thiện công việc trong các dự án sau.
Dự án Cầu Nhật Tân là một trong các dự án ODA trọng yếu của Nhật Bản tại thành phố Hà Nội. Với tổng giá trị 13.698 triệu yen (tương đương 3.150 tỷ đồng), dự án này là nằm trong tổ hợp dự án cửa ngõ quốc tế đường hàng không của Hà Nội, bao gồm Cầu Nhật Tân, đường nói giữa cầu Nhật Tân với sân bay Nội Bài, nhà ga T2 Sân bay Quốc tế Nội Bài. Mới đây, nhà thầu Tokyu, nhà thầu chính phụ trách thi công đường dẫn lên cầu Nhật Tân đã yêu cầu phía Bộ Giao thông Vận tải thanh toán 200 tỷ đồng vì phía Việt Nam chậm tiến độ trong việc giải phóng mặt bằng, khiến công việc của nhà thầu Tokyu bị chậm 1,5 năm so với kế hoạch. |
Theo VnExpress