"Dự án BĐS dang dở mà NH không cho vay mới biến thành nợ xấu"

Chủ nhật, 27/01/2013, 14:30
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân - Phó Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm: "Dự án đang làm bị thiếu vốn mà ngân hàng không cho vay thì mới biến thành nợ xấu".

Tại phiên giải trình của Bộ trưởng Bộ Xây dựng trước Ủy Ban Kinh tế Quốc hội, trước câu hỏi "Một số dự án người dân đóng 30% rồi, bây giờ cần 70% nữa để tiếp tục, nhưng dự án lại đang bị dừng vì ngân hàng không cho vay, vậy có cho vay nữa không?", ông Đặng Thanh Bình - Phó Thống đốc Ngân hàng cho rằng:

Dự án đã hoàn thành một phần, trong đó có một phần vốn cư dân tương lai hiện đang bị dở dang cũng rất khác nhau, có dự án bản thân họ không vay ngân hàng, tự bỏ tiền và huy động trong dân, có dự án vay nhưng nửa đường đứt gánh vì dùng vào việc khác, hoặc tính toán kém, thậm chí trong quá trình thẩm định có dự án không đúng mục tiêu… tuy nhiên, chủ trương của NHNN là khuyến khích các ngân hàng thương mại (NHTM) cho các dự án dang dở vay để tiếp tục triển khai, như vậy thì mới thu hồi được vốn, còn vay như thế nào thì phải đánh giá cụ thể từng dự án.

Về vấn đề này, tham dự phiên giải trình, bà Nguyễn Thị Kim Ngân - Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nêu quan điểm: "Dự án đang làm bị thiếu vốn mà ngân hàng không cho vay thì mới biến thành nợ xấu".
 
chung cu nha be
Ngân hàng Nhà nước khuyến khích cho vay với các dự án đang triển khai để đảm bảo nhanh chóng thu hồi vốn. 
 
Liên quan tới việc hỗ trợ cho thị trường BĐS, ông Nguyễn Hữu Chí – Thứ trưởng Bộ Tài chính cho hay, trong các khoản thu liên quan đến BĐS và đất đai chiếm 11% trong tổng thu ngân sách nhà nước. Bộ Tài chính đã tham mưu với Chính phủ ban hành Nghị quyết 02 và đã làm xong thông tư đưa lên cổng thông tin bộ để lấy ý kiến, trong đó có giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế đất, kéo dài thời hạn nộp thuế cho nhiều nhóm doanh nghiệp.
 
Đánh giá sơ bộ thì năm 2013 dự kiến việc miễn giảm và gia hạn nộp thuế cộng với các chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp sử dụng đất đai sẽ làm sẽ giảm thu ngân sách khoảng 20 nghìn tỷ đồng.

Cũng tại phiên giải trình của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, một loạt các vấn đề hóc búa đã được đại biểu nêu ra như: Chúng ta biết rằng BĐS đang đặt trên nền bong bóng, tức giá không thật, vậy làm sao để trả giá về đúng thực trạng, làm thế nào không chỉ giải quyết hàng tồn kho mà phải có định hướng cho tương lai?
 
Tới đây người dân mua được nhà ở xã hội thấp, xin hỏi Bộ trưởng chúng ta có công khai được giá thành không? Những chi phí chạy xin dự án, rồi đền bù đất đai... rất nhiều vấn đề. Vậy 70m2 căn hộ giá 15 triệu/1m2 đã đúng chưa? Giải pháp lãi xuất huy động cộng với 1% hoặc 3% đã đảm bảo chưa, hay sẽ xảy ra tình trạng nợ xấu chồng lên nợ xấu?

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho hay, thị trường BĐS có thể nói là tài sản cố định của nền kinh tế, thị trường BĐS đánh giá sức phát triển của nền kinh tế đất nước. Chúng ta hiện đang tập trung tháo gỡ thị trường nhà ở là chính.
 
Theo báo cáo của NHNN thì dư nợ tín dụng cả nước với BĐS là 207 nghìn tỷ đồng, trong đó Hà Nội và TPHCM chiếm 111.963 nghìn tỷ. Số liệu này chưa tính hết những người đầu tư BĐS nhưng hình thức lại vay dùng việc khác. Một vấn đề nữa là nợ của chủ đầu tư với khách hàng lớn, mặt khác vay liên quan đến BĐS cũng rất nhiều, theo báo cáo của NHNN là khoảng trên 1 triệu tỷ đồng, cho nên để tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS là rất cần thiết.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cũng thừa nhận, việc đánh giá đúng lượng tồn kho BĐS hiện nay là rất khó, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục cập nhật thông tin để có hướng xử lý tốt nhất.

Bênh cạnh đó, Bộ trưởng Xây dựng cũng cho biết, người dân sẽ mua được nhà ở xã hội với giá thấp hơn các căn hộ giá thành xây dựng thương mại cùng loại, vì giá thương mại cộng tiền sử dụng đất các thuế, lãi suất cao.
 
Còn nhà ở xã hội được giảm những phần đó, hiện nay giao động 9-11 triệu/m2. "Kiểm soát cái này không khó, vì nhà nước hỗ trợ thì kiểm soát được, khống chế khung giá và lợi nhuận với doanh nghiệp. Chúng ta sẽ phối hợp với các địa phương để kiểm soát chặt việc này, địa phương phải có trách nhiệm kiểm soát đúng người có nhu cầu mua nhà", ông Dũng nói.

Người đứng đầu Bộ Xây dựng cũng thừa nhận, giá 1 tỷ đồng 1 căn hộ nhà ở xã hội hiện nay tại Hà Nội là cao, và đang cố gắng hướng tới mức giá 500 triệu đồng/1 căn nhà khoảng 50m2, cộng với việc ngân hàng điều chỉnh lãi xuất cho vay chỉ 3-6%/năm thì sẽ giải quyết được  nhu cầu nhà ở cho nhân dân. Muốn như vậy thì phải có gói cấp vốn như đã nói là 20-40 nghìn tỷ, dùng cho vay để mua, hoặc để thuê, hoặc thuê mua.
 
 
Theo Giaoduc

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn