Tuần qua, Công ty cổ phần Phát triển Quốc tế Việt Nam (VIDC) - chủ đầu tư dự án Parkcity (Hà Đông, Hà Nội) cho biết vừa hoàn tất việc chuyển nhượng dự án cho đối tác nước ngoài. Theo đó, Công ty Perdana Parkcity (Malaysia) đã hoàn thành việc mua lại 100% cổ phần và tiếp quản VIDC.
VIDC là doanh nghiệp được thành lập bởi liên doanh giữa Perdana ParkCity và Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển đô thị Vinaconex – Hoàng Thành (Việt Nam). Mới đây, cuối tháng 10/2012, Vinconex đã công bố hoàn tất chuyển nhượng hết 25% vốn điều lệ nắm giữ tại Công ty cổ phần đầu tư và Phát triển Đô thị Vinaconex - Hoàng Thành. Tuy nhiên, chủ mới số cổ phần trên không được công bố.
Nhiều dự án sang tên, đổi chủ trong những tuần đầu năm 2013 |
Một thương vụ khác cũng được công bố trong tuần là Công ty cổ phần tư vấn, thương mại dịch vụ địa ốc Hoàng Quân (HQC) thông báo về việc mua một phần dự án Khu nhà ở cán bộ công nhân viên Nam Hiệp Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Dự án do Công ty cổ phần đầu tư Nam Hiệp Thành làm chủ đầu tư. Trong năm 2012, HQC đã thâu tóm và mua sỉ 4 dự án của nhiều doanh nghiệp địa ốc khác bằng hình thức hợp tác đầu tư.
Trước đó, ngay tuần đầu tiên năm 2013, Công ty cổ phần Phát triển Nhà Thủ Đức (Thuduc House) cũng công bố sẽ chuyển nhượng toàn bộ phần góp vốn tại dự án Đồng Mai, Hà Đông, Hà Nội với tổng giá trị 80 tỷ đồng.
Chiến lược bất động sản 2013 vẫn là phòng thủ
Theo Tiến sĩ Vũ Đình Ánh, việc hỗ trợ thị trường bất động sản tiềm ẩn không ít rủi ro. Bơm tiền cho vay mua nhà là chấp nhận thị trường được nuôi sống bằng nguồn vốn tín dụng. Trong khi đó, cần tính đến là chuyện giảm bớt sự lệ thuộc này. Do đó, ông Ánh khuyến cáo doanh nghiệp địa ốc đừng kỳ vọng lãi suất sẽ giảm mạnh trong năm 2013.
TS Trần Du Lịch cũng cho rằng, với tình trạng hiện nay tối kỵ dùng từ giải cứu bất động sản, chỉ nên dừng lại ở khái niệm hỗ trợ để thị trường tự điều chỉnh.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cũng nhấn mạnh bất động sản đang được trả về đúng vị thế và Chính phủ cũng tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn. Song dù được hỗ trợ đến đâu, chiến lược năm 2013 vẫn là phòng thủ.
Số liệu hàng tồn kho gây tranh cãi
Hiện có ít nhất 3 công bố của các đơn vị khác nhau về số liệu hàng tồn kho của thị trường bất động sản. Những con số này chẳng những không trùng khớp mà còn có độ vênh lớn. Theo lý giải của đại diện các đơn vị công bố số liệu, tiêu chí hàng tồn kho rất khác nhau đã dẫn đến sự chênh lệch.
Tuy nhiên, giới chuyên gia lo ngại việc công bố những con số không chính xác có thể khiến thị trường bất động sản bị đánh giá sai lệch. Bởi khi đó cả doanh nghiệp và khách hàng đều bị nhiễu thông tin và mất phương hướng. Vì thế, một số chuyên gia cho rằng cần có mẫu số chung để công bố số liệu hàng tồn kho nhằm tạo sự ổn định, an tâm cho các bên tham gia thị trường. Để làm được điều này cần có sự can thiệp của cơ quan chủ quản.
Theo VNE