Đây là nhận định của ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM về thị trường bất động sản năm 2013.
Ảnh minh hoạ
Thưa ông, những khó khăn lớn nhất đối với thị trường bất động sản hiện nay là gì?
- Thị trường bất động sản đang tồn tại 2 vấn đề chính là nợ xấu, hàng tồn kho. Vấn đề nợ xấu dẫn đến thực tế nhiều công trình, dự án đã bị dở dang. Các công trình bất động sản dở dang như vậy không đưa vào sử dụng được, theo thời gian nó sẽ bị xuống cấp gây thiệt hại về tài sản cho toàn xã hội.
Hiệp hội bất động sản TP Hồ Chí Minh đã khiến nghị rất nhiều giải pháp để tháo gỡ vấn đề về hàng tồn kho và nợ xấu. Nếu Chính phủ và các Bộ đồng tình đưa ra nhóm giải pháp về tài khóa, tài chính vấn đề sẽ được giải quyết, tháo gỡ dần.
Đơn cử, trong đó, các giải pháp mà Hiệp hội bất động sản TPHCM kiến nghị có đề xuất tiếp tục cho các doanh nghiệp bất động sản vay tiếp để thực hiện các dự án công trình dở dang với điều kiện các công trình này phải có một hướng tiêu thụ sản phẩm sau khi hoàn thiện công trình.
Các công trình dở dang được đầu tư cho vay tiếp phải là công trình bán được sau khi hoàn thành. Còn các công trình đang xây dựng dở dang nhưng không có khách hàng, sản phẩm nếu cứ tiếp tục đổ tiền sẽ gây tai hại đối với nợ xấu.
Nếu tiếp tục đổ tiền vào các dự án mà không thể tiêu thụ được thì không doanh nghiệp nào dám làm. Việc rót vốn cho các dự án tiếp tục triển khai phải đảm bảo được việc tiêu thụ sản phẩm sau khi hoàn tất công trình. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp bất động sản phải nỗ lực phối hợp với các ngân hàng để cùng thẩm định, tính toán, xin cơ cấu được sản phẩm sao cho phù hợp với người tiêu dùng. Đảm bảo tính khả thi của dự án.
Ngoài ra, tôi cho rằng, một trong những vấn đề để giải quyết nợ xấu đó là tiếp tục cơ cấu lại nợ cho các doanh nghiệp. Bởi, các doanh nghiệp bất động sản hiện nay đang bị vay với lãi suất cao, lãi suất vay ở mức 18-20%/năm, doanh nghiệp không thể nào chịu nổi được. Nếu bây giờ được cơ cấu lại nợ, doanh nghiệp sẽ tiếp cận được lãi vay khoảng 13-15%/năm, nó sẽ giảm áp lực cho doanh nghiệp.
Thời gian vừa qua, các ngân hàng thương mại đưa ra các gói hỗ trợ lãi suất cho người mua nhà nhưng mức lãi suất cho vay bị điều chỉnh khiến nhiều người không mặn mà vay tiền. Ông đánh giá sao về việc này?
- Vấn đề này trước đây chúng ta thấy, ngân hàng cho vay lãi suất khoảng 9-10%/năm nhưng chỉ giữ trong vòng 3-6 tháng rồi sau đó điều chỉnh theo lãi suất thị trường nếu như thế gây rủi ro rất lớn cho người tiêu dùng. Người tiêu dùng đã hiểu biết rất rõ về điều này.
Bản thân hiện nay Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho thị trường trong đó có gói tín dụng cho người tiêu dùng dài hạn với mức lãi suất cung cấp khoảng 7-8%/năm và ổn định trong vòng 10 năm.
Điều này giúp cho người tiêu dùng tính toán được kế hoạch tài chính của mình, giúp người tiêu dùng không phải chịu thiệt hại khi bị điều chỉnh lãi suất. Chính phủ và Ngân hàng nhà nước đã bắt đầu vào cuộc và chắc chắn sắp tới người tiêu dùng có lợi đặc biệt người tiêu dùng đầu tiên. Người thu nhập trung bình, thu nhập thấp đều có thể mua được nhà.
Thưa ông, xu hướng bất động sản 2013 sẽ như thế nào?
- Năm 2013 sẽ vẫn là năm đầy khó khăn đối với thị trường bất động sản và các doanh nghiệp. Tuy nhiên, với chủ trương chính sách mới của Chính phủ, các bộ ngành địa phương đang thực hiện giúp cho thị trường bất động sản bớt khó khăn, các doanh nghiệp cũng tháo gỡ bớt khó khăn và giải quyết hàng tồn kho trên thị trường. Đồng thời, nó góp phần giúp cơ cấu và xử lý nợ xấu cho các doanh nghiệp.
Một điều lớn hơn nữa năm 2013, người tiêu dùng vẫn ở vị trí trung tâm của thị trường, người tiêu dùng hưởng rất nhiều lợi ích khi mà tạo lập nhà ở cho mình trong năm 2013 và những năm tiếp theo. Chúng ta sẽ có thị trường bất động sản thật, thị trường bất động sản hướng vào nhu cầu của người tiêu dùng, giá cả hợp lý và phương án thanh toán linh hoạt.
Xin cám ơn ông!
Theo Tienphong