Bất động sản: Chờ đến hồi thái lai

Thứ năm, 31/01/2013, 17:24
Tại báo cáo tổng kết của Bộ Xây dựng về thị trường bất động sản 2012, nhiều con số không mấy lạc quan về thị trường đã được tiết lộ. Đặc biệt, con số có chưa đến 6.000 giao dịch bất động sản tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. HCM có thể khiến nhiều người phải giật mình.

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, trong năm 2012, Hà Nội chỉ có 1.833 giao dịch bất động sản thành công qua sàn. Tại TP.HCM, tình hình có vẻ khá hơn, nhưng số giao dịch qua sàn cũng chỉ đạt 4.015 giao dịch.

Tuy nhiên, theo đại diện một số sàn giao dịch, số liệu thống kê của Bộ Xây dựng chưa phản ánh đúng tình hình giao dịch trên thị trường. Bởi, với thói quen giao dịch “tay bo” quá phổ biến, nên số lượng giao dịch trên thực tế có thể lớn hơn nhiều so với lượng giao dịch mà Bộ Xây dựng thống kê được.

bất động sản
 Nhiều dự án đã giảm mạnh giá bán nhưng vẫn bế tắc trong việc bán hàng.

Ông Lê Ngọc Quỳnh, Giám đốc Sàn giao dịch Nhadat24h.net cho biết, số lượng giao dịch qua sàn lâu nay không đại diện cho thị trường. Thói quen giao dịch không qua sàn nhằm trốn thuế và giảm thiểu chi phí vẫn tồn tại ở đa số người dân. Bên cạnh đó, tại các sàn bất động sản, không phải giao dịch nào cũng được các sàn thống kê, báo cáo.

Thực tế, trong năm 2012, thị trường gần như “đóng băng”. Hầu hết các giao dịch đều tập trung vào một số dự án có mức giá hấp dẫn. Đơn cử như Dự án Đại Thanh, sau khi sản phẩm được bán qua sàn của chủ đầu tư, các sản phẩm này tiếp tục “trôi nổi” qua tay rất nhiều nhà đầu tư và các sàn khác, song có lẽ không mấy giao dịch mua đi bán lại này được các sàn thống kê hay báo cáo.

Đánh giá về thị trường bất động sản năm 2012, một số công ty nghiên cứu cũng đưa ra những kết quả không mấy khả quan. Theo đó, lượng giao dịch thành công trong năm 2012 đạt rất thấp, giảm khoảng 70% so với năm 2011.

Do thị trường quá trầm lắng, nhiều chủ dự án liên tục phải giảm giá căn hộ và áp dụng đủ chiêu bán nhà. Thậm chí, nhiều chủ dự án căn hộ cao cấp sau khi giảm mạnh giá bán không mấy hiệu quả đã phải dùng đến “hạ sách” là phát tờ rơi và treo băng rôn quảng cáo bán hàng tại nhiều tuyến phố để thu hút khách hàng. Cách quảng cáo bán hàng này được cho là rất phản cảm, nhưng lại rất phổ biến thời gian gần đây, càng chứng tỏ nhiều chủ dự án hiện đang bế tắc trong việc bán hàng.

Trao đổi với PV, ông Đặng Văn Quang, Giám đốc Công ty tư vấn bất động sản NaViGat cho rằng, vấn đề của thị trường hiện nay vẫn là lòng tin. Khi người dân chưa tin vào sự hồi phục kinh tế thì việc giảm giá nhỏ giọt để bán nhà vẫn là thất bại. Để lấy lại lòng tin của khách hàng, ông Quang cho rằng, cần phải có một chính sách đủ mạnh để phát triển kinh tế, trong khi các chủ đầu tư cần tiếp tục giảm giá bán.

Ông Trần Kiên Cường, Tổng giám đốc Golden Gain Việt Nam (thành viên của Tập đoàn Hòa Phát) cũng thừa nhận, giá bán tại nhiều dự án đã giảm nhiều, nhưng lòng tin của khách hàng đã mất nên việc bán được hàng trở lên rất khó.

Với nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, thị trường và người mua nhà đã được thông qua và đang tiếp tục được đề xuất, ông Cường cho rằng, niềm tin của người dân vào bất động sản sẽ dần được khôi phục và thị trường sẽcó những tín hiệu tích cực tại một số phân khúc, trước khi lan tỏa ra toàn bộ thị trường.

Việc thị trường có những chuyển biến tích cực ra sao, ông Cường cho rằng, cần phải chờ thêm từ 3 - 6 tháng nữa. Khi ấy, những chính sách của Nhà nước mới bắt đầu phát huy tác dụng tới doanh nghiệp và có những tác động tích cực tới thị trường.

Theo ĐTCK

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn