Nhịp cầu Crowdfunding

Thứ năm, 11/04/2013, 15:06
Sonny Vũ có thể đã không thành công nếu không tiếp cận được nguồn vốn theo mô hình crowdfunding.

Doanh nhân Vũ Xuân Sơn (Sonny Vũ), người sáng lập hãng công nghệ Misfit Wearables ở Mỹ, có thể đã không thành công nếu không tiếp cận được nguồn vốn theo mô hình crowdfunding (gọi vốn từ cộng đồng).

Dự án mang tên Misfit Shine đã thu hút được hơn 800.000 USD từ gần 8.000 nhà tài trợ từ IndieGoGo (website crowdfunding nổi tiếng của Mỹ), vượt xa số vốn mà ông Sơn mong đợi ban đầu là 100.000 USD.

Ngoài ra còn có một số hoạt động xã hội và nghệ thuật khác ở Việt Nam đã nhận được tài trợ thông qua website này như dự án xây trường tiểu học cho trẻ em H’Mông ở Sapa hay dự án làm phim âm nhạc mang tên Saigon Yo! (Saigon Electric) hồi năm ngoái.

Sony Vũ
Doanh nhân Vũ Xuân Sơn đã tiếp cận thành công nguồn vốn theo mô hình crowdfunding.

Crowdfunding đang nổi lên như là một giải pháp tìm vốn hiệu quả cho những nhà khởi nghiệp.

Tại Anh, cô Gem Misa, chủ sở hữu thương hiệu nước sốt Righteous, đã thu hút được hơn 100.000 USD vốn đầu tư thông qua hoạt động crowdfunding sau 2 lần bị ngân hàng từ chối cho vay hồi đầu năm ngoái. Hiện Righteous không chỉ hiện diện trong các hệ thống siêu thị ở Anh mà còn vươn ra tận thị trường Bắc Mỹ với doanh số dự kiến 1 triệu USD trong năm nay.

Nền tảng crowdfunding mà cô Misa đã sử dụng để kêu gọi vốn đầu tư chính là CrowdCube, một trong tổng cộng 44 website crowdfunding được Cơ quan Dịch vụ Tài chính Vương quốc Anh (FSA) cấp phép hoạt động chính thức.

Về cơ bản, crowdfunding thường được thực hiện thông qua internet. Hình thức này bắt nguồn ở Mỹ từ cuối những năm 2000 với một số website crowdfunding nổi tiếng như IndieGoGo hay KickStarters.

Theo thống kê của MasSolution, một hãng tư vấn các giải pháp khai thác nguồn lực từ cộng đồng (crowdsourcing), hoạt động của các website crowdfunding trên toàn cầu đã thu hút được gần 3 tỉ USD trong năm 2012, gấp đôi so với năm trước đó.

Thống kê số lượng dịch vụ Crowdfunding và tăng trưởng doanh thu trên toàn thế giới
Crowdfunding

Các website crowdfunding đóng vai trò trung gian giữa cộng đồng các nhà tài trợ và những người khởi nghiệp đang cần vốn. Họ sẽ xem xét khả năng thành công của mỗi dự án trước khi đưa lên website để gọi vốn và quản lý dòng tiền đổ về để chuyển đến tay những người khởi nghiệp khi dự án của họ đạt được số vốn yêu cầu.

Về phía người khởi nghiệp, họ sẽ phải xác định rõ số vốn mình cần và thời hạn hoàn thành gọi vốn đối với mỗi dự án trước khi đưa ra cộng đồng. Nếu nhà tài trợ cảm thấy hứng thú với một dự án, họ có thể đóng góp một khoản tiền bất kỳ.

Nếu dự án gọi được đủ số vốn cần có, người khởi nghiệp sẽ trao cho nhà tài trợ quà tặng hoặc phần hùn trong dự án đó tùy theo thỏa thuận ban đầu và pháp luật nước sở tại. Còn nếu trong thời gian quy định mà dự án không kêu gọi được đủ vốn thì số tiền hiện tại sẽ được trả lại cho những người đã đóng góp.

Thông thường, nguồn thu của các website crowdfunding chính là phần trăm hoa hồng được trích từ số vốn mà các dự án đã kêu gọi thành công.

Bên cạnh IndieGoGo, KickStarters cũng là một website crowdfunding nổi tiếng khác của Mỹ. Tính đến hết năm 2012, KickStarters công bố đã thu hút được 274 triệu USD cho hơn 18.000 dự án tại Mỹ, trong đó họ được hưởng 5% hoa hồng tương đương với 13,7 triệu USD.

Với tốc độ gọi vốn tăng trưởng nhanh như hiện nay (238% so với năm 2011), dự kiến KickStarters sẽ kêu gọi thành công khoảng 1 tỉ USD trong năm 2013 khi mà website crowdfunding này mở rộng sang thị trường Anh và nhiều quốc gia khác.

Hiện có khoảng 400 website crowdfunding trên khắp thế giới, trong đó 191 website đang hoạt động ở Mỹ. Còn tại Đông Nam Á và các vùng lân cận, đã có 9 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ crowdfunding. Ở Việt Nam, website crowdfunding đầu tiên mang tên IG9 cũng vừa ra đời vào giữa tháng 3/2013 do Công ty Cổ phần IG9 đầu tư và phát triển.

Còn quá mới mẻ nên các website crowdfunding non trẻ sẽ phải mất nhiều thời gian để xây dựng lòng tin đối với cộng đồng. Sự mới mẻ cũng đồng nghĩa với việc chúng ta chưa có khung pháp lý cần thiết để đảm bảo quyền lợi của các bên liên quan trong hoạt động crowdfunding.

Bên cạnh đó, sử dụng crowdfunding tuy đơn giản hơn việc đi vay ngân hàng hoặc tiếp cận các quỹ đầu tư, nhưng người khởi nghiệp ở Việt Nam có thể bị đánh cắp ý tưởng ngay từ khi đưa lên mạng.

Ông Đỗ Hoài Nam, người sáng lập IG9, cho biết trước mắt họ chỉ giúp gọi vốn cho các dự án xã hội và nghệ thuật vì cần ít thời gian mà kết quả lại nhanh chóng. Còn các dự án khởi nghiệp về sau sẽ được xem xét hỗ trợ tùy theo phản hồi của thị trường đối với hình thức crowdfunding.

Dù vậy, cũng sẽ không có gì ngạc nhiên nếu như Việt Nam xuất hiện thêm một số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ này trong năm nay.

Theo NCĐT

Các tin cũ hơn