“Mua được rồi”
Ngày 16/4, sau khi “lao dốc không phanh” xuống còn khoảng 39 triệu đồng/lượng vào buổi sáng, chiều cùng ngày, giá vàng lại đảo chiều “nhảy dựng” lên mức 41 triệu đồng/lượng.
Giải thích về hiện tượng giá vàng đảo chiều tăng “sốc” gần 2 triệu đồng/lượng trong khoảng thời gian vài giờ đồng hồ, ông Nguyễn Thanh Trúc - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, Tổng Giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý Agribank cho rằng đó là do “tâm lý”. “Tôi tin giá vàng thế giới không lên nữa mà vẫn có thể xuống lại. Giá vàng trong nước sẽ bình ổn lại sau khi Ngân hàng Nhà nước tiếp tục cho đấu thầu vàng”, ông Trúc nói.
Cùng quan điểm này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, giá vàng lên do tâm lý người dân bất ổn định. “Vàng thế giới hiện đang ngủ vì New York chưa sáng nên khả năng tăng do giá thế giới biến động là rất thấp”, ông Hiếu nói.
Ngoài ra, chuyên gia này cũng cho biết, sự chênh lệch cung – cầu vàng trong nước hiện quá lớn nên khi có biến động, tâm lý người dân mua vào càng khiến cầu tăng trong khi cung không đổi.
Theo các chuyên gia, đã đến thời điểm nên mua vàng nhưng phải “chia ra nhiều rọ”. |
Nói về hơn 8 tấn vàng được Ngân hàng Nhà nước đưa ra thị trường qua 7 phiên đấu thầu, chuyên gia Hiếu không tin tưởng sẽ ra được thị trường để tăng cung.
“Ngân hàng Nhà nước chào thầu ra bao nhiêu, ngân hàng thương mại sẽ “hốt” hết. Do đó, vàng miếng ra thị trường không có nhiều. Trong khi giá vàng giảm, dân chúng kéo đi mua, cầu lại càng cao, cung không đáp ứng nổi, giá phải đẩy lên”, ông Hiếu nói.
Theo ông Hiếu, sau biến động ngày 16/4, vàng có thể giảm lại trong những ngày tới rồi tăng dần, dừng lại ở mức hợp lý hơn khi cung – cầu gặp nhau.
Theo nhận định của chuyên gia vàng Nguyễn Thanh Trúc, thời gian tới, giá vàng thế giới vẫn sẽ đi xuống. Theo đó, giá vàng sẽ phục hồi một phần vào khoảng tháng 6 và lên mạnh hơn vào tháng 9. “Có tiền nhàn rỗi, người dân mua vào cũng được rồi”, ông Trúc khuyên.
Còn theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, đây là thời điểm tốt để đầu tư vàng. Tuy nhiên, để tránh rủi ro không nên “để trứng vào một rọ”. “Nếu có 1 tỷ đồng, nên để 25% vào vàng - 50% vào tiền gửi - 25% còn lại đầu tư khác. Đầu tư vàng ít nhất 6 tháng, người dân sẽ thắng lớn”, ông Hiếu nói.
“Cuối năm, giá vàng nội và ngoại vẫn chênh lệch, xem như NHNN đã thua cuộc” |
Cuối năm, vẫn chênh lệch giá, NHNN “thua cuộc”
Mặc cho dự báo về thị trường vàng thế giới sẽ tiếp tục giảm, sáng 16/4, 26.000 lượng vàng mà Ngân hàng Nhà nước mang ra đấu thầu cũng bán gần hết “veo”.
Nhận định về cuộc mua bán suôn sẻ này, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Kinh doanh vàng Nguyễn Thanh Trúc cho biết, do giá chào thầu thấp hơn giá thị trường thời điểm đó. Mặt khác, thời điểm buộc phải tất toán đóng trạng thái vàng của các ngân hàng thương mại đang đến gần buộc các ngân hàng tranh thủ “vơ” vào. “Giá chào thầu của Ngân hàng Nhà nước hơn 38 triệu đồng/lượng là tốt lắm rồi. Trước đây, giá trên 43 triệu đồng/lượng vẫn phải mua cơ mà”, ông Trúc nói.
Không muốn bình luận về các bước đi điều hành thị trường vàng của Ngân hàng Nhà nước, nhưng Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho rằng, việc mang vàng ra can thiệp của cơ quan này khá hiệu quả.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu đồng tình với quan điểm này và đánh giá cao sự thận trọng của Ngân hàng Nhà nước khi không đưa vàng ra “bán” ồ ạt. “Làm gì thì làm, cuối cùng Ngân hàng Nhà nước phải kéo được giá vàng nội và ngoại sát nhau. Người dân phải cho cơ quan này thời gian 1, 3, thậm chí là 6 tháng để làm việc đó”, ông Hiếu nói. “Cuối năm nay, Ngân hàng Nhà nước không đạt được mục tiêu đó thì có thể xem như họ đã thua cuộc”.
Theo Khám Phá