Trong thời gian ông Thành giữ quyền điều hành và kiểm soát Sacombank, ngân hàng này đã thực hiện nhiều giao dịch vốn với các công ty do chính gia đình ông sở hữu toàn bộ hoặc nắm cổ phần chi phối.
Truyền thông ngày 2/4, liệt kê:
• Công ty Tín Việt nợ: 171,737 tỷ đồng
• Công ty địa ốc Sài Gòn Thương Tín (Sacomreal) vay: 678,227 tỷ đồng
• Sacomreal phát hành trái phiếu doanh nghiệp: 329,386 tỷ đồng
• Công ty Thành Thành Công vay: 18,023 tỷ đồng
• Công ty Thành Thành Công phát hành trái phiếu doanh nghiệp: 192,341 tỷ đồng
• Công ty Đặng Huỳnh bán cổ phần: 148,351 tỷ đồng
• Công ty Thành Ngọc vay 58,788 tỷ đồng
Ông Đặng Văn Thành và con trai Đặng Hồng Anh. |
Vào các ngày 5 và 10/12/2012, ông Thành và con trai lần lượt ký thỏa thuận đồng ý sử dụng khoản sở hữu vốn tại Sacombank tương đương 7,435% (hơn 79,84 triệu cổ phiếu) để cấn trừ các nghĩa vụ tài chính.
Ngày 3/4, Chủ tịch hiện thời của Sacombank Phạm Hữu Phú cho biết, số tiền vay của các doanh nghiệp liên quan tới ông Thành từng lên tới 7.000 tỷ đồng.
Sử dụng lợi thế sở hữu và kiểm soát vận hành ngân hàng để cấp vốn giá rẻ cho các cơ sở kinh doanh có lợi ích liên quan của giới chủ ngân hàng không còn là chuyện mới với công chúng Việt Nam.
Cộng đồng doanh nghiệp thì từ lâu đã hiểu rõ lợi ích của sở hữu chéo giữa tài chính- ngân hàng và sản xuất-thương mại.
Một bằng chứng là làn sóng nâng cấp ngân hàng nông thôn lên ngân hàng thương mại cổ phần và lập mới ngân hàng những năm 2006-2007, với các ông chủ, bà chủ ngân hàng là những người sở hữu các công ty, tập đoàn kinh doanh.
Tác hại và thiệt hại từ hành vi này bắt đầu được nhắc tới khi nền kinh tế Việt Nam rơi vào khó khăn, cộng đồng doanh nghiệp suy kiệt nguồn lực, khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng. Sở hữu chéo trở nên nghiêm trọng với những cáo buộc vi phạm pháp luật dành cho những nhân vật như Nguyễn Đức Kiên và nhóm lãnh đạo ngân hàng ACB.
Lợi dụng sở hữu chéo để cấp vốn giá rẻ từ ngân hàng cho doanh nghiệp thân hữu dẫn tới phân bổ bất hợp lý nguồn lực của nền kinh tế.
Nhóm doanh nghiệp nhận được dòng vốn lớn với chi phí thấp sẽ có năng lực cạnh tranh vượt trội mà không cần tới bất kỳ cải thiện nào trong quản lý, hay tiến bộ trong công nghệ sản xuất. Cùng lúc đó, phần còn lại của nền kinh tế phải gánh chịu chi phí vốn cao và bị bào mòn năng lực cạnh tranh. Tựu chung lại, sức cạnh tranh của toàn bộ nền kinh tế suy giảm.
Để bù đắp năng lực kinh doanh yếu, nhóm doanh nghiệp thân hữu ngày càng đòi hỏi lượng vốn đầu vào lớn hơn. Điều này khiến nguồn vốn sẵn sàng đáp ứng nhu cầu đầu tư, mở rộng sản xuất-kinh doanh với phần còn lại của xã hội trở nên khan hiếm và đẩy chi phí vốn lên cao hơn.
Trong vòng xoáy này, đại bộ phận doanh nghiệp đi tới chỗ không thể đạt được hiệu suất lợi nhuận đủ trang trải chi phí đầu vào (trong đó, chi phí vốn có tỷ trọng đáng kể nhất). Hệ quả là tình trạng co hẹp sản xuất, thua lỗ và phá sản tràn lan. Lúc này xuất hiện cơ hội để các doanh nghiệp dồi dào tài chính triển khai mạnh mẽ các hoạt động thâu tóm. Các thế lực độc quyền ra đời.
Sự tồn tại của hành vi thao túng và lũng đoạn hoạt động ngân hàng thông qua sở hữu chéo là tín hiệu báo động năng lực quản trị nội bộ yếu kém tại những tổ chức kinh doanh dựa trên niềm tin của công chúng và thường được quan niệm là có tính chuyên nghiệp cao này.
Trong trường hợp Sacombank, Thanh tra Nhà nước đã kết luận: Các khoản vay liên quan đến công ty gia đình ông Thành và nhóm công ty liên quan đến Công ty Thành Thành Công đều trái quy định.
Bởi, Luật Các tổ chức tín dụng không cho phép một ngân hàng cho nhóm công ty liên quan đến thành viên HĐQT vay quá 25% vốn điều lệ của ngân hàng đó. Trong khi đó, số tiền mà Sacombank cho các công ty gia đình ông Thành và nhóm công ty liên quan đến Công ty Thành Thành Công vay đã lên tới 7.000 tỉ đồng, tương đương hơn 51% vốn điều lệ của ngân hàng này - 10.700 tỉ đồng.
Vì thế, NHNN đã đề nghị đến hết tháng 12/2013, Sacombank phải giảm tỉ lệ cho vay đối với nhóm công ty liên quan đến ông Thành và Công ty Thành Thành Công về mức 25% vốn điều lệ.
Quy mô các khoản tín dụng sai pháp luật rất lớn, thời gian tiến hành các hoạt động sai phạm hẳn cũng rất dài. Thế nhưng, hệ thống quản trị nội bộ và quản trị rủi ro của Sacombank đã không thể phát hiện, nếu không phải là cố tình không phát hiện.
Sacombank là công ty đại chúng, niêm yết trên thị trường chứng khoán từ ngày 27/8/2008. Như vậy, lực lượng giám sát ngân hàng này ít nhất gồm (i) cổ đông, (ii) cơ quan quản lý thị trường chứng khoán; và (iii) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Mọi thiết chế quản trị dường như đã bị bỏ qua tại Sacombank. Kết luận của thanh tra NHNN cũng chỉ đặt ra chỉ tiêu kỹ thuật, không thấy nêu lên trách nhiệm của người gây lỗi, của các bên giám sát và quản lý. Thông tin liên quan Sacombank đang dần được công bố. Sự việc có thể sớm khép lại. Nhưng vấn đề sở hữu chéo nhằng nhịt và quản trị nội bộ yếu còn tiếp tục gây ra nhiều hậu quả.
Theo Tiền Phong