Sự kiện ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt ngày 20/8 và một loạt các lãnh đạo ngân hàng, dính vào vòng lao lý hồi nửa cuối năm ngoái đã khiến Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB) trở thành một trong những cái tên được nhắc đến nhiều nhất năm vừa qua.
Bộ máy lãnh đạo được thay đổi đáng kể khi nguyên Chủ tịch Trần Xuân Giá cùng 2 Thành viên HĐQT khác từ nhiệm, nguyên Tổng Giám đốc Lý Xuân Hải bị bắt. Thay vào đó, ông Trần Hùng Huy, con trai ông Trần Mộng Hùng - nhà sáng lập của ngân hàng này, lên giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Đến cuối tháng 12 vừa rồi, ĐHCĐ bất thường của ngân hàng đã bầu bổ sung 4 thành viên HĐQT, trong đó có sự trở lại của ông Trần Mộng Hùng. Lúc này, gia đình ông Hùng (với bố mẹ và con trai) đã "đoàn tụ" tại cơ quan đầu não của ngân hàng này.
Gia đình ông Trần Hùng Huy đã "đoàn tụ" tại HĐQT ACB. |
Số liệu cập nhật tại Báo cáo quản trị ngân hàng năm 2012 cho thấy, hiện ông Trần Mộng Hùng cùng vợ và 3 con đang năm hơn 78 triệu cổ phần tại ACB, chiếm trên 8% vốn điều lệ ngân hàng.
Cụ thể, ông Trần Mộng Hùng sở hữu 16,52 triệu cổ phiếu ACB, chiếm tỷ lệ 1,76% vốn trong khi bà Đặng Thu Thủy, vợ ông, năm 10,98 triệu cổ phiếu ngân hàng, chiếm tỷ lệ 1,17% vốn.
Chủ tịch ACB, ông Trần Hùng Huy có vốn sở hữu lớn nhất trong gia đình với 28,77 triệu đơn vị, chiếm tỷ lệ 3,07%. Hai thành viên còn lại của gia đình quyền lực này, bà Trần Đặng Thu Thảo - chị ruột ông Huy, sở hữu 10,57 triệu cổ phiếu ACB, chiếm 1,13% vốn và ông Trần Minh Hoàng - em ruột của ông Huy, sở hữu 11,5 triệu cổ phiếu ACB, tương ứng 1,23% vốn ngân hàng.
Ngoài ra, liên quan đến gia đình này, bà Đặng Thu Hà, em ruột của bà Thủy đang sở hữu 9,44 triệu cổ phiếu ACB và chiếm tỷ lệ 1,01% vốn; ông Đặng Văn Phú (em ruột) năm 3,19 triệu cổ phiếu, tương ứng sở hữu 0,34% và ông Đặng Phú Vinh (em ruột) sở hữu 3,37 triệu cổ phiếu, tương ứng 0,36% vốn ngân hàng; chưa kể còn bà Đặng Thị Thu Vân (em ruột) nắm 316 nghìn cổ phiếu, tương ứng 0,03%.
Ông Phạm Hữu Lộc, em rể của ông Trần Mộng Hùng sở hữu 1,32 triệu cổ phiếu ACB, tương ứng 0,14% vốn. Một người em khác của ông Hùng là Trần Phú Mỹ cũng sở hữu tới 7,45 triệu cổ phiếu ngân hàng, chiếm 0,79% vốn. Bà Vũ Thị Hạnh, em dâu ông Hùng sở hữu 2,8 triệu cổ phiếu, chiếm 0,3%. Một số người liên quan khác có sở hữu cổ phần song tỷ lệ nắm giữ không đáng kể.
Tính chung, gia đình ông Trần Hùng Huy cùng những người liên quan sở hữu gần 106 triệu cổ phiếu ACB, trong đó số cổ phần mà chỉ riêng gia đình Chủ tịch ACB đang nắm giữ tại ngân hàng là 78,34 triệu đơn vị, tương ứng tỷ lệ nắm giữ đạt 8,36%.
Tính theo thị giá của cổ phiếu ACB hiện nay là 17.700 đồng, trị giá khối tài sản mà gia đình ông Trần Hùng Huy đang sở hữu tại ngân hàng lên đến 1.386,62 tỷ đồng.
Tính thêm cả số cổ phần mà anh em nội ngoại của gia đình này đang sở hữu tại ACB, khối lượng tài sản đạt 1.876,2 tỷ đồng.
Trong 4 Thành viên HĐQT đã từ nhiệm trước đó, nguyên Chủ tịch Trần Xuân Giá và người nhà không hề nắm giữ cổ phiếu ACB nào. Ông Lê Vũ Kỳ có 1,3 triệu đơn vị, tương ứng 0,14% vốn; ông Trịnh Kim Quang có 670 nghìn cổ phiếu, chiếm 0,07%; ông Lý Xuân Hải nắm gần 589 nghìn cổ phiếu, tương ứng 0,06% vốn điều lệ ngân hàng.
Trong đó, người nhà ông Lê Vũ Kỳ có bà Nguyễn Lê Mai Thi (vợ ông Kỳ) năm 96,79 nghìn cổ phiếu chiếm 0,01%, con gái Lê Nguyệt Ánh nắm 2,48 triệu cổ phiếu, chiếm 0,26% và con trai ông Kỳ là Lê Duy Khương năm 624,26 nghìn cổ phần, chiếm tỷ lệ 0,07%. Tỷ lệ sở hữu của cả gia đình ông Lê Vũ Kỳ ở ACB là 0,48%.
Phía gia đình ông Trịnh Kim Quang còn có vợ ông là bà Nguyễn Thị Thanh Ngọc nắm 864,4 nghìn cổ phiếu ACB, tương ứng sở hữu 0,09% vốn. Tính ra, hai vợ chồng ông Quang tổng cộng có 0,16% vốn ngân hàng.
Theo Dân Trí