Hải, nhân viên giao dịch tại một ngân hàng cổ phần cho biết, mấy ngày gần đây phải quay cuồng với việc thu, đổi cũng như kiểm đếm hàng tỷ đồng tiền lẻ cho khách. “Nhất là khách hàng VIP mình càng phải phục vụ và đổi giúp để giữ mối. Có người đổi tới 100 triệu tiền lẻ trong một ngày bởi họ cũng nhận đổi hộ người thân nhiều”, Hải cho biết.
Tuy nhiên, với các khách hàng nhỏ lẻ, việc đổi tiền mới trong ngân hàng tương đối khó nên đây là dịp thị trường tiền lẻ chợ đen sôi động hơn hẳn, phí đổi cũng được đội lên cao.
Anh Thanh, nhân viên một công ty phần mềm tại Gò Vấp, TP.HCM cho hay, gia đình đang muốn đổi một khoản tiền lẻ mới để mừng tuổi và đi lễ chùa. Thế nhưng, anh phải bỏ cả buổi trời, chạy vòng mấy ngân hàng mà chẳng đổi được vì nhà băng nào cũng không giải quyết cho khách lẻ vãng lai nên đành ra "chợ đen".
Sôi động đổi tiền lẻ cuối năm. |
Dịch vụ đổi tiền tại "chợ đen" những ngày này có mức phí khá cao. Đối với các loại tiền mệnh giá nhỏ 200, mức phí đổi lên tới 50-60%, tiền 500 đồng có phí là 25%. Các loại tiền mệnh giá lớn hơn, phí dao động 5-20% tùy số lượng.
Anh Nam, chủ dịch vụ đổi tiền tại quận Tân Phú cho biết, mấy ngày gần đây nhu cầu đổi tiền mới lì xì Tết tăng rất cao. "Có ngày, chúng tôi nhận được hơn 60 cuộc gọi đổi tiền. Khách đông nên chi phí phải cao", anh này nói.
Tại các “chợ” đổi tiền lẻ trên phố Đinh Lễ và quanh khu vực Hồ Gươm (Hà Nội), tiền 500 đồng cũng được xếp vào loại “hàng hiếm”. Năm nay, các điểm thu đổi đã không còn hoạt động công khai như trước.
Sáng ngày 22 Tết, một bà cụ chừng hơn 60 tuổi đứng cầm chiếc túi nilon to màu đen bên cạnh trụ sở Bưu điện. Cứ thấy khách đi tà tà bên cạnh là bà mời đổi tiền. Bên trong chiếc túi là những chồng tiền mới đủ các loại mệnh giá (trừ 500 đồng). Theo lời bà, tiền 500 đồng năm nay rất khó kiếm và cả chợ chỉ vài người có. “Nếu đổi thì phải đắt gấp đôi, hai ăn một, 50.000 chỉ đổi được 50 tờ thôi”, bà cụ nói.
Trong khi đó, ở cổng các chùa lớn tại Hà Nội, dịch vụ thu đổi tiền lẻ vẫn hoạt động công khai. Tiền 500 đồng tuy vẫn có nhưng theo lời người bán hàng, chủ yếu là tiền đã dùng một lần và không còn mới như mọi năm. Phí đổi tiền tại đây dao động theo tỷ lệ một ăn 8 hoặc 7.
Trên các diễn đàn rao vặt cũng như mạng xã hội, dịch vụ rao đổi tiền lẻ gần ngày Tết cũng xôm tụ hơn. Phí đổi dao động 2-15%, tùy từng mệnh giá và tiền càng lẻ mất phí càng nhiều. Theo đó, nếu đổi một thếp (100 tờ) mệnh giá 1.000 đồng mất khoảng 15.000 đồng. Đổi một triệu tiền 10.000 đồng sẽ mất phí khoảng 100.000 - 150.000 đồng. Tiền 500 đồng được những người rao đổi trên mạng thừa nhận là “không có” và “rất hiếm”.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã cho biết, Tết Quý Tỵ không in thêm tiền 500 đồng một phần do trong kho vẫn còn và vừa để tránh lãng phí cho ngân sách quốc gia. Cục trưởng Phát hành và Kho quỹ - Nguyễn Chí Thành phân tích, in tiền lẻ thường tốn kém hơn rất nhiều so với các mệnh giá lớn khác.
Đại diện nhiều ngân hàng thương mại cổ phần cho rằng, năm nay áp lực tiền lẻ không quá nặng nề. Phó tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần tại TP HCM cho biết, nhà băng hiện chưa nhận được phản ánh nào từ dưới chi nhánh, phòng giao dịch cho biết đang căng thẳng về nguồn tiền lẻ. “Chúng tôi có thể đáp ứng được nhu cầu tiền lẻ của phần lớn khách hàng, nhưng với điều kiện phải gửi công văn hoặc đến thông báo trước về số lượng cũng như loại tiền cần đổi”, ông nói.
Bà Lê Thị Thanh Hằng, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM khẳng định, năm nay cơ quan này đáp ứng đầy đủ cơ cấu các mệnh giá tiền nên không lo bị thiếu. Những năm gần đây Ngân hàng Nhà nước đã có sự điều tiết, có kế hoạch chi thường xuyên và liên tục trong suốt năm chứ không để dồn vào cuối năm như những năm trước. Bất kể lúc nào, ngân hàng thương mại có yêu cầu đều được đáp ứng lượng tiền lẻ.
Tuy nhiên, bà Hằng cho biết, cơ quan này cũng dự đoán nhu cầu tiền lẻ, mới trong dịp Tết Nguyên đán sẽ tăng cao hơn nên đã triển khai phân bổ nguồn tiền này xuống các ngân hàng thương mại trước đây cả tháng nhằm đảm bảo đủ nhu cầu cho khách hàng.
Theo bà Hằng, so với mấy năm trước, lượng tiền lẻ, mới cung ứng ra thị trường thời gian qua không nhiều bằng, nhưng trong mấy ngày cận Tết, tốc độ cung ứng có dấu hiệu tăng mạnh. "Ngân hàng Nhà nước vẫn sẵn sàng cung ứng đầy đủ", bà Hằng nói.
Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM chia sẻ thêm, nhu cầu sử dụng tiền mới cho việc lì xì là có thật, nhưng không đến nỗi phải đẩy lên thành một hiện tượng không lành mạnh, để nhiều người lợi dụng trục lợi. “Chỉ khi nào thật sự cần thiết mới đổi, nhất là đừng lạm dụng đổi tiền lẻ để đi lễ cúng chùa mà làm rối thị trường”, bà Hằng khuyến cáo.
Bà Hằng thông tin, cơ quan này đang muốn tuyên truyền để thay đổi thói quen mừng tuổi bằng tiền mới của người dân nhằm tránh sự lãng phí lớn. Bởi lẽ, chẳng hạn như tiền mệnh giá 10.000 đồng, 20.000 đồng... cuối năm ngoái, Ngân hàng Nhà nước chi ra rất nhiều nhưng qua Tết thì đồng loạt các nhà băng nộp trở về và hầu như trong năm nhu cầu cho tiền loại này không cao.
Đa số người đến ngân hàng nhận tiền kể cả vay tiền đều thích tiền mệnh giá lớn. “Trong khi tiền polymer dòng đời gấp 5-10 lần so với tiền cotton, nếu không tận dụng hết mà cứ in mới liên tục sẽ rất lãng phí, thậm chí làm rối loạn cơ cấu lưu thông", bà Hằng nói.
Theo VNE