Tàu hoang Hai Dong 27 đang bị "hôi của"

Thứ sáu, 01/02/2013, 14:32
Mỗi ngày đều có hàng chục người đưa bè mảng ra vây quanh chiếc tàu hoang. Họ chờ đợi, lợi dụng những lúc cơ quan chức năng lơi lỏng để lên tàu lấy tài sản, từ phòng lái, phòng ăn, phòng nghỉ và nhà bếp.

Sau khi được ngư dân lai dắt về neo đậu tại khu vực Hòn Sụp (Hoằng Hóa, Thanh Hóa), tình cảnh của tàu Hai Dong 27 hết sức hẩm hiu. Do vẫn phải neo đậu cách bờ khoảng 5 km nên việc trông giữ của chủ tàu và bộ đội biên phòng là hết sức khó khăn.

Theo ghi nhận của PV những tài sản có giá trị như hệ thống điều hòa, mô tơ điện… đều bị lấy cắp. Hệ thống dây điện trên tàu trị giá hàng chục triệu đồng cũng bị cắt, đem bán cùng nhiều vật liệu kim loại khác trên boong.

Hai Dong 27
Hệ thống dây điện trị giá hàng chục triệu đồng trên tàu bị cắt phá.

Tại khoang chứa hàng khóa đã bị bẻ, lật tung nắp khiến 2.200 tấn khô dầu cọ (phụ gia dùng trong chế biến thức ăn gia súc) trị giá hàng tỷ đồng có nguy cơ ẩm mốc, mất trắng vì không thể sử dụng. Chứng kiến cảnh hoang phế của con tàu, ông Phạm Viết Thuật, đại diện phía chủ tàu cho biết, dù rất đau xót nhưng đành bất lực, vì hiện con tàu vẫn lênh đênh ngoài biển nên rất khó kiểm soát. Ông này ước tính thiệt hại đối với doanh nghiệp sau vụ việc lên tới hàng chục tỷ đồng.

Chủ của lô hàng 2.200 tấn khô dầu cọ, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vận tải và Dịch vụ hàng hải Chim Ưng Falcon TMS Corp - Lê Văn Long, cho biết, bắt đầu ký hợp đồng thuê tàu từ tháng 5/2012, đồng thời ứng tiền "cả tỷ đồng" cho Công ty Hải Đông để sửa chữa trước khi nhận bàn giao vào tháng 9. Hợp đồng là 6 tháng (cộng trừ 1 tháng) nhưng thực tế thời gian khai thác chỉ khoảng 4 tháng.

"Chúng tôi cũng phải làm thay chủ tàu việc ký hợp đồng với thuyền viên", ông Long nói.

Theo kế hoạch, cuối tháng 1/2012, tàu Hai Dong 27 hành trình chở hàng từ Indonesia về Việt Nam. Sau khi tạm trú tại Cù Lao Chàm vì sóng to, tàu tiếp tục hải trình về Hải Phòng thì gặp nạn.

"Qua lời kể của thuyền trưởng và anh em thuyền viên, gần 23h đêm ngày 20/1, họ bất ngờ phát hiện nước tràn vào buồng máy rồi nhanh chóng tràn lên trên thuyền. Thuyền trưởng báo động toàn tàu, nhưng nước nhanh chóng làm sập máy đèn, khiến tất cả liên lạc đều bị đứt. Thủy thủ đoàn do đó quyết định rời tàu xuống xuồng cứu hộ", ông Long kể lại.

Sau khi xuống xuồng, các thuyền viên đã phát tín hiệu cấp cứu và tàu Phú Sơn 26 cứu sau đó khoảng 2 tiếng. Thông tin về vụ việc đến với doanh nghiệp vào khoảng 8h45 sáng hôm sau qua điện thoại vệ tinh từ thuyền trưởng.

Hai Dong 27
Tàu Hai Dong 27 hiện vẫn còn ngoài khơi.

Theo ông Long, lãnh đạo doanh nghiệp sau đó đã gặp gỡ thuyền viên tại Hải Phòng và hỗ trợ tiền tàu xe, quần áo để 13 người về quê ăn Tết. "Khi đang làm việc với các thuyền viên thì tôi lại biết tin tàu chưa chìm và đã được ngư dân lai dắt về Thanh Hóa", ông Long tiếp tục kể.

Hiện, đại diện Falcon TMS đang ở Thanh Hóa làm việc với các cơ quan chức năng để nhanh chóng giải phóng hàng. "Nếu hàng hóa hư thì cũng có bảo hiểm, nhưng chúng tôi bị ảnh hưởng lớn nhất là uy tín với khách hàng nước ngoài". Sau vụ việc phía Chim Ưng sẽ quyết định trả tàu cho Hải Đông do thời gian thuê đã hết.

Theo VnExpress

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn