Đó là chia sẻ của ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, trong cuộc trao đổi với chúng tôi xung quanh chủ đề triển vọng kinh tế Việt Nam năm nay.
Mở màn cho năm 2013, Chính phủ ban hành một loạt nghị quyết. Theo dự cảm của ông, động thái này liệu có sớm đưa nền kinh tế sôi động trở lại?
Thông điệp đầu năm của Thủ tướng và với những Nghị quyết được Chính phủ ban hành được kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng vào việc tiếp tục duy trì sự ổn định kinh tế, khẳng định năng lực điều hành chính sách của Chính phủ, khôi phục niềm tin của thị trường và của các nhà đầu tư nước ngoài vào sự ổn định kinh tế vĩ mô của nền kinh tế Việt Nam trong trung và dài hạn. Qua đó, chúng ta có thể tin tưởng năm 2013 sẽ có thêm những điểm sáng mới.
“Nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với một loạt các mâu thuẫn”... |
Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với một loạt các mâu thuẫn. Đó là một mặt vừa phải tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát do những dấu hiệu tiềm ẩn của nguy cơ lạm phát vẫn còn; một mặt phải tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh danh, vì doanh nghiệp đang phải rất vất vả chống chọi để sống sót, tồn kho lớn...
Muốn ra khỏi các mâu thuẫn này thì phải “sưởi ấm” được tổng cầu nền kinh tế. Đây là thách thức rất lớn với Việt Nam.
Có vẻ Chính phủ sẽ khó thoát ra được khỏi “ma trận” mâu thuẫn này, ví như giải pháp cứu thị trường bất động sản sẽ sưởi ấm được nền kinh tế nhưng lại có thể là nguy cơ lớn cho lạm phát cao trở lại?
Tôi cho rằng, việc Chính phủ đưa ra các giải pháp hỗ trợ cho thị trường bất động sản không có nghĩa là bơm tiền “thoải mái” cho thị trường này mà là thực thi một cách thận trọng với các biện pháp khá cụ thể.
Chẳng hạn như đối tượng nào thực sự có nhu cầu về nhà ở thật sẽ quan tâm hỗ trợ để họ có thể thực hiện mục đích của mình. Hình thức hỗ trợ ở đây có thể là cho vay tiền với lãi suất thấp và kỳ hạn dài để phù hợp với khả năng của người mua.
Điều tôi muốn nhấn mạnh là dù tín dụng có được đưa ra để hỗ trợ thì Ngân hàng Nhà nước cũng phải rất thận trọng, lượng tiền cung ứng phải ở mức hợp lý. Khi nào thị trường có dấu hiệu thay đổi lập tức phải có giải pháp để hút tiền về để tiếp tục thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát.
Như ông vừa nói, “chúng ta có thể tin tưởng năm 2013 sẽ có thêm những điểm sáng mới”. Vậy một số điểm sáng mà ông nhìn thấy ở năm 2013 là gì?
Nếu nhìn lại con số của năm 2012 về tiền gửi ngân hàng, có thể thấy M2 ước đạt mức tăng khá, khoảng trên 22% so với đầu năm, chủ yếu do tăng huy động tiền gửi. Tiền gửi tăng là minh chứng rõ nét cho thấy niềm tin trong dân chúng đối với hệ thống ngân hàng.
Tại Hội nghị quốc tế ổn định tài chính khu vực Đông Á vừa qua, nhiều chuyên gia tài chính - ngân hàng thế giới cũng có đánh giá cao sự ổn định của hệ thống ngân hàng Việt Nam so với thời điểm cuối năm 2011. Đây đều những điểm sáng của nền kinh tế năm 2012 và sẽ còn tiếp tục sáng trong năm 2013.
Từng nhiều lần góp ý về sự kết hợp giữa chính sách tài khóa và tiền tệ, đến nay, ông đã thấy mối quan hệ này đã nhịp nhàng hơn?
Tôi thấy rằng sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ - tài khóa đã bước đầu cải thiện và như năm 2012 đã trở thành điểm sáng giúp lạm phát được kiểm soát và giảm mạnh so với năm 2011, bước đầu tạo nên khuôn khổ vĩ mô ổn định.
Với chính sách tiền tệ, hệ thống ngân hàng và thị trường tiền tệ từng bước được ổn định, thanh khoản tốt, tỷ giá hối đoái ổn định trong suốt năm, cán cân thanh toán quốc tế thặng dư khoảng 9-10 tỷ USD và nguồn dự trữ ngoại hối tăng khá, đạt khoảng 12 tuần nhập khẩu.
Mặt khác, trong điều kiện kinh tế khó khăn, chính sách tài khóa vẫn nỗ lực đạt mục tiêu thu ngân sách, giữ được bội chi ở mức 4,8% GDP như mục tiêu đặt ra.
Chính sách tài khóa cũng linh hoạt chuyển hướng hỗ trợ doanh nghiệp và thị trường. Trong bối cảnh ngân sách eo hẹp, nhìn từ sự phối hợp của chính sách tài khóa-tiền tệ, có thể nói năm 2012 là một năm cố gắng không mệt mỏi của Chính phủ trong việc điều hành linh hoạt, sử dụng đồng bộ các giải pháp để giảm thiểu những tác động phụ của chính sách.
Điều hành chính sách tài khóa-tiền tệ và điều hành chính sách phát triển kinh tế xã hội năm 2013 cần làm gì để có thể đạt kết quả tốt hơn nữa, thưa ông?
Chính sách tài khóa - tiền tệ năm 2013 cần được tiếp tục điều hành một cách thận trọng chặt chẽ nhưng có sự điều chỉnh linh hoạt theo diễn biến của nền kinh tế nhằm tiếp tục thực hiện những mục tiêu xuyên suốt đã đề ra theo tinh thần của Nghị quyết 11/NQ-CP là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế hợp lý.
Bên cạnh đó, những chính sách kinh tế năm 2013 cần được điều hành theo định hướng đẩy mạnh gia tăng tổng cầu và hỗ trợ doanh nghiệp.
Chúng tôi cho rằng, năm 2013 cần quan tâm đặc biệt 5 giải pháp sau: giảm lãi suất cho vay; khai thác mọi nguồn vốn đầu tư để đảm bảo mức tổng vốn đầu tư toàn xã hội ở mức tương đương 30% GDP như mục tiêu đề ra; tăng cường tiết kiệm chi ngân sách nhà nước; đẩy nhanh triển khai xử lý nợ xấu gắn liền với tái cơ cấu các tổ chức tín dụng; đẩy mạnh triển khai trên thực tế tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế.
Theo VnEconomy