Tiễn năm con Rồng trong dư âm nhiều chiều về quản lý thị trường vàng, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã ghi điểm ở một số lĩnh vực như tỷ giá ổn định, nỗ lực hạ lãi suất (một đầu) và gượng giữ thế trận cho những ngân hàng mất thanh khoản, yếu kém đi dần vào khuôn khổ tái cấu trúc của toàn hệ thống.
Song, vẫn còn tồn tại rất nhiều vấn đề mà người đứng đầu ngân hàng Trung ương vẫn chưa xử lý rốt ráo được. Những vấn đề này có tiếp tục “quấn” chân Thống đốc trong năm con Rắn?
Thống đốc Nguyễn Văn Bình. |
Nhìn lại từ “đuôi Rồng”
Nếu như đầu năm 2011, tỷ giá ngoại tệ danh nghĩa đã có một đợt điều chỉnh tăng tới 9,3% thì năm 2012, tỷ giá được kiềm chế trong một biên độ hẹp và ổn định hơn nhiều.
Giới chuyên môn cho rằng, công bằng mà nói, nhờ việc điều chỉnh tỷ giá đồng nội tệ một cách rộng rãi này, Thống đốc Bình và các cộng sự của ông mới có thêm dư địa để giữ tỷ giá ổn định trong năm 2012.
“Tất nhiên, bên cạnh còn có các yếu tố hỗ trợ khác như Việt Nam lần đầu xuất siêu sau 20 năm; những nỗ lực dẹp loạn giá vàng theo hướng triệt để hạn chế đầu cơ và không cấp quota nhập khẩu vàng song song với việc chấp nhận giá vàng trong nước lênh khênh trên cao so với giá vàng thế giới; việc kiềm chế lạm phát khiến mức tăng CPI về một con số…
Tất cả đã giúp giảm áp lực đè lên tỷ giá, và đây trở thành điểm sáng không hẳn ngẫu nhiên, cũng không phải mất quá nhiều nỗ lực để có được”, Thạc sĩ Tài chính Nguyễn Lê Ngọc Hoàn nhận định.
Kinh nghiệm của năm 2012 và ngay cả trước đây cho thấy, rất khó có được một hệ thống dữ liệu thống kê ngân hàng có độ tin cậy cao.
Cho dù năm ngoái, lần đầu tiên Ngân hàng Nhà nước đã cho công bố các số liệu hoạt động của ngành, nhưng việc dự báo đâu là vấn đề khó khăn nhất sẽ đón đợi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trong năm 2013 là rất khó.
Hiện nợ xấu, với tốc độ tăng nhanh và chiếm tỷ trọng lớn, vẫn chưa xác định được con số chính thức. 8,6%, 10%, 13% hay 15%? Và tiền đâu để xử lý vấn đề này? Thống đốc Bình tuyên bố, sẽ lập công ty mua bán nợ quốc gia với vốn huy động từ phát hành trái phiếu.
Còn Thủ tướng Chính phủ mới đây thì thành thật rằng: “Xử lý nợ trăm sự phải nhờ vào các ngân hàng thương mại vì ngân sách không có tiền để giải quyết vấn đề này”.
Bên cạnh đó, tiến độ tái cấu trúc hệ thống ngân hàng diễn ra một cách ì ạch cũng khiến các nhà quan sát quốc tế sốt ruột.
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam năm 2012, ông Sanjay Kaira, Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam cảnh báo: “Việc trì hoãn thêm nữa các cải cách ngân hàng sẽ có thể làm tăng các khoản nợ dự phòng của Chính phủ”.
Còn Fitch Ratings, trong báo cáo “Triển vọng 2013: Ngân hàng Việt Nam”, cũng không quên “dội gáo nước lạnh” khi đánh giá những tiến bộ về cải cách cũng như củng cố lĩnh vực ngân hàng và việc thành lập một công ty quản lý tài sản để xử lý nợ xấu tại các ngân hàng Việt Nam là “dường như chưa rõ ràng”.
Với tất cả những vấn đề nổi cộm như vậy, chuyên gia Lê Trọng Nhi thẳng thắn: “Để tách bạch được cái khó nhất trong những cái khó nêu trên sẽ là liều lĩnh, nếu không muốn gọi là “ẩu tả”.
Chúng ta không muốn “ẩu tả”. Nhưng để cảm nhận và hình dung được những cái khó đang đợi Thống đốc trong năm 2013, nhất thiết cần cân đo lại những bất trắc và những cái chưa và không được quản lý, điều hành chính sách tiền tệ của những năm trước, và đặc biệt hơn với những biến cố biến động “nội tại” của năm 2012 vừa qua”.
Đo lường như thế nào trong một hệ thống số liệu tù mù? Đây rõ ràng là một thách đố với mọi chuyên gia.
… đến một năm Tỵ tăng nhiệt
Dẫu vậy, theo ông Nhi, vẫn có thể chọn và khu biệt lại hai cụm vấn đề và hai cụm giải pháp sẽ làm nóng ghế Thống đốc năm 2013, đó là: Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và xử lý nợ xấu; lạm phát - tăng trưởng tín dụng - vàng.
Trong đó, vế thứ nhất là cụm vấn đề của trì trệ, vế thứ 2 là cụm vấn đề của tăng trưởng. Hai cụm vấn đề ở hai thái cực và chính trong mỗi cụm cũng có hai thái cực. Đó là những cái khó không chỉ của năm 2013 mà sẽ còn tiếp tục những năm sau đó.
Nhìn lại những năm trước, có thể thấy lạm phát tại Việt Nam đã luôn cao kể từ năm 2007.
Mặc dù lạm phát đã được đưa về mức một con số trong năm 2012, nhưng con số này vẫn luôn đe dọa “sổng chuồng” do áp lực tăng trưởng tín dụng cho một nền kinh tế đã “khô cạn”. “Tìm được một vị thế và thực hiện được cụm vấn đề này là chuyện nhức đầu không thể tránh của Thống đốc và NHNN.
Theo đó, phải nói ngay - nói thật là sự tổn thương và trì trệ của nền kinh tế hiện nay là một phần hệ quả từ những kế hoạch bành trướng (thay vì phát triển) nhanh của hệ thống ngân hàng và các định chế tài chính khác.
Những cái lệch lớn và sự lạm dụng cả về lượng lẫn hướng của thị trường tín dụng đã tạo ra nhiều giá trị huyễn hoặc làm tổn thương và kéo lệch thêm nhiều thị trường khác như: Thị trường lãi suất, thị trường trái phiếu, thị trường liên ngân hàng…
Hệ lụy là một hệ thống ngân hàng bị xô lệch và những khoản nợ xấu lớn “trời ơi” đè nặng lên nền kinh tế luôn thèm khát tăng trưởng”, ông Nhi nói.
Khép lại năm 2012, lãi suất tiếp tục hạ xuống lần thứ 6, quá nhanh theo IMF. Nền kinh tế tiếp tục có lý do để đối mặt với nguy cơ lạm phát trong năm mới, dù sức mua trong nền kinh tế chưa có nhiều thay đổi.
Một quyết định của Thống đốc NHNN đã được duy trì trong suốt năm 2012, qua 6 lần hạ lãi suất khiến nhiều người không hiểu nổi, đó là không áp trần lãi suất cho vay đầu ra cho tất cả mọi lĩnh vực mà chỉ áp cho một số lĩnh vực.
Quyết định này là vì NHNN phải tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại đang rất khó khăn lấy lãi cho vay để trích bù nợ xấu hay là vì lợi ích cục bộ của một (hay vài nhóm) tìm đặc lợi khác trong chính sách ngân hàng (hay cao hơn thế là lợi ích tổng thể của nền kinh tế) với mục tiêu giữ ổn định hệ thống ngân hàng và cân bằng thế trận tăng trưởng và lạm phát? Hai nhiệm vụ này, như chính Thống đốc từng nhận định là “điệp vụ bất khả thi”.
Thêm một câu hỏi để lại dư âm không biết nên buồn hay vui, nên kỳ vọng hay bớt hy vọng về sự xoay vần diễn tiến chính sách tiền tệ. Chiếc ghế Thống đốc vốn đã nóng và vẫn đang nóng dần lên.
Theo Doanh Nhân