Có mặt tại Thái Nguyên những ngày qua dễ nhận thấy câu chuyện thời sự của người dân đất chè là cái chết của ông Vũ Dương Bình. Bởi với nhiều người ở đây, cái tên Vũ Dương Bình từ lâu đã khá nổi tiếng.
Từng là nhân viên Công ty Gang thép Thái Nguyên, năm 1989, Vũ Dương Bình xin nghỉ việc nhà nước về làm kinh tế tư nhân. Ngày đầu khởi nghiệp, ông làm đủ thứ nghề từ kinh doanh sắt thép, vật liệu xây dựng, sản xuất đồ gỗ nội thất, dịch vụ ảnh màu điện tử... Vào thời điểm ấy, đó đều là những nghề hái ra tiền.
Khi những bộ salon đệm mút bọc vải giả da, giường tủ đóng bằng gỗ dán, gỗ ép công nghiệp trở thành thứ "mốt" thời thượng của nhiều gia đình và các công sở. Nắm bắt nhu cầu ấy, năm 1994, Vũ Dương Bình lập Trung tâm thiết bị nội thất Hoàng Bình với 15 công nhân.
Ngày đó, nội thất Hoàng Bình đặt cửa hàng ở ngay mặt tiền con phố kinh doanh sầm uất nhất thành phố Thái Nguyên, bên cạnh những cửa hàng vàng bạc, xe máy.
"Một mình một chợ", nội thất Hoàng Bình trở thành cái tên nổi tiếng khắp Thái Nguyên - Bắc Kạn. 6 năm sau, Vũ Dương Bình nâng cấp Trung tâm nội thất Hoàng Bình thành Công ty Đầu tư xây dựng và Thương mại Hoàng Bình có vốn điều lệ 25 tỷ đồng với sản phẩm chủ yếu là gỗ nội thất và xây dựng.
Nhưng nghề sản xuất đồ gỗ nội thất và xây dựng chỉ giúp Vũ Dương Bình nổi danh loanh quanh vùng Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng. Chỉ đến khi đầu tư vào sản xuất chè với thương hiệu nổi tiếng Tân Cương thì cái tên Vũ Dương Bình mới được biết tới ở phạm vi cả nước và vượt ra khỏi biên giới.
Sau này, có lần Vũ Dương Bình lý giải quyết tâm đầu tư vào ngành chè rằng ở Thái Nguyên có hơn 20 nhà máy sản xuất và kinh doanh chè nhưng chỉ là sản xuất nguyên liệu thô, đóng container bán cho nước ngoài chứ không có thương hiệu riêng. Tham vọng của ông chủ Hoàng Bình là làm sao để chè Tân Cương của Thái Nguyên phải nổi tiếng cả nước như nước mắm Phú Quốc.
Ông Vũ Dương Bình lúc còn sống. |
Cuối năm 2001, Vũ Dương Bình đầu tư xây dựng Nhà máy Chè xuất khẩu Tân Cương, đổi tên công ty thành Công ty TNHH Hoàng Bình.
Tuy nhiên, những ngày đầu làm chè của Vũ Dương Bình không suôn sẻ khi cuối năm 2002 xảy ra tranh chấp thương hiệu chè Tân Cương giữa chính quyền, người dân xã Tân Cương với Công ty Hoàng Bình.
Lý do người dân xã Tân Cương đưa ra là thời điểm đó, Công ty Hoàng Bình chỉ mua rất ít chè Tân Cương, còn lại là gom từ các nơi khác nhưng tất cả sản phẩm bán ra đều mang thương hiệu Tân Cương. Trong khi đó, đại diện Nhà máy Chè xuất khẩu Tân Cương (thuộc Công ty Hoàng Bình) khẳng định có thể chọn bất kỳ thương hiệu nào mà doanh nghiệp được phép và khẳng định những sản phẩm chè mang tên Tân Cương đều thu mua từ vùng chè Tân Cương. Những sản phẩm khác không có nguồn gốc từ xã Tân Cương được đóng bao bì riêng, có tên gọi khác.
"Cuộc chiến" này kéo dài nhiều tháng khiến UBND tỉnh Thái Nguyên phải vào cuộc phân xử. Cuối cùng, tháng 11/2002, UBND tỉnh Thái Nguyên ra công văn yêu cầu Công ty Hoàng Bình không đăng ký thương hiệu chè Tân Cương như đã đề nghị trước đó. Doanh nghiệp phải đăng ký tên gọi khác cho phù hợp với đặc điểm, thực tế sử dụng nguyên liệu sản xuất của nhà máy.
Để khẳng định thương hiệu riêng của mình mà vẫn không từ bỏ chữ "Tân Cương", Vũ Dương Bình đã đặt tên sản phẩm chè của mình là Tân Cương Hoàng Bình. Năm 2001, ông đổi tên công ty thành Công ty cổ phần tập đoàn Tân Cương Hoàng Bình. Sản phẩm thành thương hiệu nổi tiếng không chỉ trong nước mà còn xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật, Mỹ, Trung Quốc, Hà Lan...
Để làm được việc này, Vũ Dương Bình đã có chiến lược đầu tư khá bài bản từ đầu tư cho vùng nguyên liệu tới xây dựng thương hiệu.
Cách đây gần 10 năm, khi các nhà máy, công ty chè chỉ chấp nhận thu mua chè búp tươi với giá 2.500 đồng một cân thì Tân Cương Hoàng Bình đã chấp nhận mua gấp 4 lần, tuy nhiên điều kiện đi kèm là phải chăm sóc, thu hái đúng yêu cầu kỹ thuật của công ty.
Thành công từ các sản phẩm chè, trong đó có gần chục loại cao cấp, đã giúp Tân Cương Hoàng Bình lọt vào top những doanh nghiệp tư nhân có doanh thu lớn nhất Thái Nguyên, 5 lần liên tiếp đoạt giải thưởng Sao Vàng Đất Việt, Hàng Việt Nam chất lượng cao.... Vũ Dương Bình từng được bầu làm Chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ tỉnh Thái Nguyên. Cái tên Tân Cương Hoàng Bình cũng thường được "điểm danh" với vai trò nhà tài trợ trong nhiều chương trình xã hội từ thiện ở địa phương.
Sau này, Vũ Dương Bình còn mở rộng kinh doanh sang nhiều lĩnh vực khác như chứng khoán, khách sạn, bất động sản nhưng đều không giúp ông thành công như làm chè.
Công ty cổ phần tập đoàn Tân Cương Hoàng Bình từng được tỉnh Thái Nguyên cấp phép làm chủ đầu tư 3 dự án có vốn tới hàng trăm tỷ đồng. Đó là dự án Trung tâm Dịch vụ tổng hợp Sông Cầu - Resort; dự án khu du lịch sinh thái chè đặc sản Tân Cương và dự án Công viên Du lịch thể thao Sông Cầu.
Năm 2011, với lý do một dự án triển khai dở dang, hai dự án chưa triển khai nên cả 3 dự án đã bị cơ quan chức năng của tỉnh Thái Nguyên đề nghị thu hồi. Tháng 2/2012, sau 5 năm được cấp phép đầu tư, Thái Nguyên đã thu hồi giấy chứng nhận đầu tư xây dựng Trung tâm Dịch vụ tổng hợp Sông Cầu - Resort.
Chiều 27/1 nhân viên nhà nghỉ Mai Đan phát hiện ông Vũ Dương Bình, vị khách nghỉ tại phòng 508, đã chết trong nhà vệ sinh với 11 nhát đâm. Hai nghi phạm Linh Thị Kiều và Đỗ Văn Tùng đã bị bắt sau 2 ngày bỏ trốn vào Nghệ An.
Chúng khai đánh ông Bình với ý định cướp tài sản. Bị ông Bình chống cự quyết liệt, chúng đã ra tay sát hại.
Theo ANTG