Phải thấy rằng, kể từ sau “cơn sốt” lịch sử của vàng vào tháng 7/2011, thị trường vàng nhanh chóng bị đặt vào diện kiểm soát đặc biệt của chính sách. Việc Nhà nước cấm mọi loại vàng miếng trừ vàng miếng mang thương hiệu SJC; quy định “tiêu chuẩn” các tổ chức, doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh vàng miếng (khiến số lượng các cửa hàng kinh doanh vàng miếng trên cả nước giảm mạnh xuống còn khoảng 2.400);…
Những chính sách trên được Ngân hàng Nhà nước đưa ra với chung một lý do duy nhất là nhằm ổn định, tăng cường tính minh bạch trên thị trường vàng và thực tế, cái lý đấy đã nhận được khá nhiều sự đồng thuận của nền kinh tế.
Tuy nhiên, đằng sau những quyết sách trên lại đang cho thấy quá nhiều bất cập, đặc biệt là cơ chế giá vàng khi mà mức giá chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới luôn duy trì ở mức trên 3 triệu đồng/lượng (điều chưa từng xảy ra khi Ngân hàng Nhà nước can thiệp mạnh vào thị trường vàng).
Thị trường vàng liệu có ổn trong năm 2013? |
Với riêng vấn đề loại bỏ toàn bộ các thương hiệu vàng miếng khác và chỉ giữ lại thương hiệu vàng miếng SJC cũng tồn tại không ít vấn đề. Giới chuyên gia thì lo ngại việc làm này sẽ gây lên tình trạng độc quyền trên thị trường vàng. Và thực tế, lo ngại trên là không hẳn không có cơ sở.
Theo chia sẻ của TS Phạm Đỗ Chí thì thị trường vàng vẫn đang rất ngổn ngang!
“Tại sao khoảng cách về giá này lại cứ ngày một dãn ra, bất chấp việc Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra nhiều chính sách, biện pháp để quản lý thị trường vàng? Mục tiêu đưa khoảng cách giá vàng thế giới và trong nước về mức 400 ngàn đồng/lượng giờ đây trở nên xa vời hơn bao giờ hết” – TS Phạm Đỗ Chí đặt câu hỏi.
Nhìn lại diễn biến trên thị trường vàng thời gian qua có thể thấy, có những thời điểm khi giá vàng SJC cao hơn giá vàng thế giới tới 4 triệu đồng/lượng thì giá của các thương hiệu khác lại ngang bằng, thậm chí là thấp hơn giá thế giới tới 1 triệu đồng.
Nói về vấn đề này, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng: Chống “vàng hóa” là đúng và cần thiết, bảo đảm hiệu qủa của chính sách tiền tệ quốc gia có mục tiêu nhưng nó cũng rất dễ gây hệ quả không tốt, nhất là ngộ nhận hoặc lạm dụng trong quản lý và kinh doanh vàng miếng, biến vàng miếng thành “đồng tiền quốc gia thứ hai”.
“Mục tiêu của quản lý vàng là chống vàng hóa, nhưng nếu quản lý vàng mang tính áp đặt, tạo ra sự chênh lệch lớn giá giữa trong và ngoài nước sẽ vô tình tạo ra loại tiền thứ hai là vàng" – TS Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh.
Ông cho rằng không thể dùng ý chí chủ quan tạo sự chênh biệt giá cả quá lớn giữa vàng có “thương hiệu quốc gia” với vàng có hàm lượng % vàng như nhau.
Từ đó để thấy rằng, những mục tiêu mà Nghị định 24 đã đặt ra và mức chênh lệch giá vàng trong nước bằng giá thế giới hoặc chênh lệch 400.000 đồng/lượng hiện vẫn đang ở thì tương lai. Quản lý thị trường vàng bằng cơ chế chính sách là cần thiết nhưng nó phải được thực hiện có lộ trình, phù hợp với quy luật kinh tế thị trường, tránh áp đặt duy ý chí đang là điều mà giới chuyên gia đang đặt ra cho thị trường vàng trong năm 2013.
Theo Petrotimes