Công nhân sắm quà Tết: Teo tóp theo lương thưởng

Thứ sáu, 01/02/2013, 10:22
Hàng trăm ngàn doanh nghiệp phá sản, hàng trăm ngàn doanh nghiệp khó khăn. Câu chuyện công nhân không có lương tháng 13, không thưởng Tết… giờ đây không còn lạ. Một cái Tết nghèo vây quanh, hiển hiện trên gương mặt người lao động thu nhập thấp.

20 giờ tối thứ bảy vừa qua ở chợ Việt Lập (Bình Đường, Dĩ An, Bình Dương), hàng hoá Tết với đủ các loại, từ quần áo, giày dép, dây thắt lưng, kẹp tóc cho đến đủ loại bánh kẹo… chất thành đống trong các cửa hàng, có chỗ còn tràn cả ra đường.

Dù là ngày cuối tuần cận Tết, nhưng chợ Việt Lập – nơi mua sắm chính của hàng vạn công nhân khu công nghiệp Bình Đường, khu chế xuất Linh Trung lại khá vắng vẻ. Dọc các con đường xương cá trong các dãy nhà chợ, có lác đác công nhân lượn tới lượn lui, trên tay chỉ có lèo tèo mấy gói bánh, mứt, kẹo. Thi thoảng mới có người mua được vài bộ quần áo.

Chọn quà về quê: Tỏi, hành, bột ngọt, dầu ăn…

Nhung, công nhân công ty may Thái Bình đang rướn người đảo tung đống bánh kẹo hàng xá để tìm mua một vài món làm quà Tết cho mấy đứa em. Vào Bình Dương làm công nhân may ba năm, đây là lần đầu Nhung về quê Thanh Hoá ăn Tết. Khoe mấy gói kẹo loại dưới 10.000 đồng mỗi gói, Nhung nói: “Em tính không mua rồi nhưng nghĩ đi nghĩ lại, ba năm mới về ăn Tết một lần chẳng lẽ lại không có quà gì”.

công nhân 
 Hàng rẻ tiền bày tràn ra đường phục vụ công nhân sắm Tết. 

Để chia sẻ bớt khó khăn, Công đoàn công ty may Thái Bình, Dĩ An, Bình Dương trích một phần quỹ mua hàng Tết rồi bán lại cho công nhân với giá ưu đãi.

Lúc 20 giờ một ngày giáp Tết, vừa tan ca về chị Luyến vội vã mang gói quà Tết vừa mua được trong công ty ra xếp lại vào vali cho ngay ngắn. Đó là: Tỏi, hành tím, bột ngọt, dầu ăn…. “Cân tỏi ở ngoài giá 26.000 đồng, nhưng công ty bán có 23.000 đồng; lít dầu ăn giá ở ngoài 36.000 đồng, giá công ty 33.000 đồng… Ở vùng quê nông thôn Diễn Châu, Nghệ An, những thứ này quý lắm…”, chị Luyến nói.

Với công nhân, món quà Tết không chỉ dừng lại ở giá trị vật chất, mà nó còn để “nở mày nở mặt” với hàng xóm láng giềng. Đi xa về, chỉ cần một gói kẹo, cân bột ngọt hay lít dầu ăn tặng người thân, bà con chòm xóm cũng quý. Vì vậy, ngày giáp Tết, những sạp bán hàng trên vỉa hè mọc nối tiếp nhau trên hầu hết con đường nội ngoại thành để phục vụ nhu cầu mua sắm của công nhân, lao động phổ thông.

Đêm một ngày cuối tuần, không quá khó để nhận ra khách hàng mua sắm nhiều nhất ở chợ Hạnh Thông Tây (quận Gò Vấp) và những con đường xung quanh chủ yếu là lao động có thu nhập thấp.

Bà Quyên, chủ sạp quần áo vỉa hè trên đường Trường Chinh cho biết, đã mười đêm nay, từ khi mở sạp tới giờ, đêm nào bán ít nhất cũng 100 cái áo với giá từ 25.000 – 65.000 đồng/cái, có đêm bán được 200 cái. “Giá rẻ như vậy nên chỉ có người nghèo mới mua”, bà Quyên chia sẻ.

Đoạn đường Cách Mạng Tháng Tám (gần công viên Lê Thị Riêng, Tân Bình) chỉ cần một tấm bạt với mớ quần áo nhàu nát, nhăn nhúm; một chiếc sào bằng nhôm treo khoảng một trăm sợi dây nịt là thành sạp. Vậy mà cũng có khách ghé mua sợi dây nịt “thời trang” với giá 30.000 đồng. Cả khách và chủ đều cười mãn nguyện…

Ngậm ngùi lương, thưởng Tết

Nhóm bạn của Nhung, đứa ở Thanh Hoá, đứa ở Nghệ An, Quảng Bình, Hà Tĩnh… đều làm công nhân may trong công ty Thái Bình. Tết này họ được nhận phần thưởng bằng một tháng lương “cứng” là 3,5 triệu đồng, cộng thêm phần thâm niên mỗi năm 150.000 đồng.

“Một tháng bọn em tăng ca 80 tiếng, làm thêm ba ngày chủ nhật nữa mới được 4, 5 triệu đồng. Tiền ăn, phòng trọ, điện, nước, sinh hoạt, gửi về phụ bố mẹ cũng vừa đủ nên chỉ trông chờ vào tiền thưởng Tết để mua sắm”, Hải Yến, cô công nhân mới 18 tuổi nhưng đã kịp có tới bốn năm kinh nghiệm nghề may bộc bạch.

Mặt bằng lương cơ bản của hầu hết công nhân ngành may tại khu vực các tỉnh miền Đông Nam bộ chỉ có 2 – 2,5 triệu đồng. Công ty nào có đơn hàng nhiều thì công nhân được thêm tiền tăng ca, nhưng thu nhập trung bình tháng chỉ vừa đủ trang trải cuộc sống.

Chị Hằng, công nhân công ty may Place (khu chế xuất Tân Thuận, quận 7) nói rằng công ty vừa thông báo năm 2012 làm ăn khó khăn nên thưởng Tết bằng nửa năm trước. Mức thưởng xếp loại A, B, C theo thành tích làm việc, ai loại A thì được hệ số 1,3 của mức lương cơ bản, xếp loại B thì được 1,0, loại C là 0,8. “Năm ngoái ai được thưởng một tháng lương thì nay được nhỉnh hơn một nửa tháng. Thưởng ít nên Tết tụi chị chẳng ai dám về quê nữa”, chị Hằng tâm sự.

Vợ chồng bà Huệ (quê Nha Trang) làm công nhân cho công ty may M., (quận 12, TP.HCM) đang đứng trước một cái Tết khốn khó nhất trong ba năm sống ở mảnh đất này.

Bà Huệ cho biết, chắt chiu lắm, Tết này tài sản của vợ chồng còn khoảng chừng 5 triệu đồng. “Tiền vé gần 1 triệu đồng, 4 triệu còn lại không biết xoay xở thế nào. Còn phải lo tiền vào, rồi tiền ăn chờ công ty mở cửa. Ít nhất phải hết tháng 2 mới làm việc trở lại”, bà Huệ tính toán.

Vợ làm nhân viên bán hàng cho một siêu thị điện máy ở Thủ Đức, chồng làm công nhân xây dựng ở quận 7, vợ chồng ông Minh (Gò Vấp) là điển hình cho hai ngành nghề “hẻo” nhất trong năm 2012. Tiết kiệm lắm, hai vợ chồng dư được 7 triệu đồng. Tết này, ông Minh ở lại làm thêm dù chưa biết làm gì, cho vợ và đứa con trai về quê Bình Định.

Ông than thở: “Tui chỉ giữ lại 1 triệu đồng, còn lại để vợ mang về quê. Tiêu gì thì tiêu, chỉ cần đủ tiền xe quay vào là được. Có gì sau Tết tính tiếp”. Với số tiền ít ỏi như vậy, cả vợ chồng ông không mua sắm bất cứ món gì, chỉ mua cho cậu con trai bốn tuổi đồ Tết, tính tổng cộng hết 800.000 đồng. “Mình lớn rồi, sao cũng được. Chỉ tội cho đứa con nên mới sắm cho nó ít đồ mới”, ông Minh ngậm ngùi.

Số liệu do bộ Lao động – thương binh và xã hội công bố cho thấy lương và thưởng Tết năm nay đều tăng. Tuy nhiên, đại diện của tổng Liên đoàn lao động lại nói sự thực không được màu hồng như vậy và đưa ra một con số khác.

Theo bộ Lao động – thương binh và xã hội, mức thưởng Tết trung bình năm nay tăng 8,7% và mức lương trung bình tăng 12%.

Cụ thể, mức thưởng Tết trung bình là 3,5 triệu đồng/người và mức lương trung bình là 4,3 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, số liệu này chỉ được tổng hợp từ báo cáo của hơn 11.000 doanh nghiệp, chiếm khoảng 3% tổng số doanh nghiệp của cả nước. Đi kèm với số liệu này, bà Tống Thị Minh, vụ trưởng vụ Lao động – tiền lương cũng cho biết hiện đang có khoảng 10.000 lao động bị nợ lương.

Tại Hải Phòng, hiện trên 800 doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, phá sản hoặc chủ doanh nghiệp bỏ trốn. Ở đây đã có trên 1.000 doanh nghiệp đóng mã số thuế, gần 15.000 lao động bị thiếu việc làm, gần 9.000 lao động mất việc.

Bình quân thưởng Tết ở Hải Phòng cũng kém, giảm khoảng 11% so với năm trước. Việc giảm thưởng tết ở đây diễn ra ở hầu hết các khối doanh nghiệp. Cụ thể, ở doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giảm 23%, ở doanh nghiệp dân doanh giảm 25%...

Số lao động đăng ký thất nghiệp năm 2012 tăng vọt với 482.000 người, gấp gần 1,5 lần năm 2011. Số liệu điều tra khảo sát năm 2012 của viện Công nhân và Công đoàn cũng cho thấy tiền lương thực nhận của người lao động là 2,86 triệu đồng/tháng thấp hơn nhiều so với số 4,3 triệu đồng/tháng kể trên.

Theo SGTT

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích