Nợ dây chuyền
Ngư dân Lê Văn Chiến - thuyền trưởng, chủ tàu cá DNa90351 (P.Thanh Khê Đông, Q.Thanh Khê, TP.Đà Nẵng) - cho biết, đã hơn 4 tháng nay không lấy được tiền bán cá từ nậu Trần Thị Tố Nga, theo đó là gần 500 ngư dân của 20 chủ tàu cá điêu đứng vì không có tiền cho gia đình sắm Tết.
20 chủ tàu cá và các nậu phục trước cổng Cty Procimex VN để đòi nợ sáng 29/1. |
Ông Chiến kể, “chúng tôi gồm 20 tàu cá ở P.Xuân Hà, P.Thanh Khê Đông (Q.Thanh Khê) đã quan hệ buôn bán, mua nợ nhiên liệu, sắm tổn... rồi bán hải sản cho bà Nga từ 30 năm nay. Tuy có lúc chậm nợ, song đều thanh toán sòng phẳng, uy tín.
Nhưng đột nhiên 4 tháng nay, bà Nga không trả tiền cá với tổng nợ lên trên 2 tỉ đồng. Chúng tôi không lấy được tiền bán cá, cận Tết, gần 500 bạn mà theo đó là 500 gia đình ngư dân thuộc 20 tàu cá không được thanh toán tiền công đi biển. Chúng tôi đến đòi nợ bà Nga thì mới biết rằng, chính bà cũng bị lâm nợ bởi đối tác chưa thanh toán; đành lòng theo bà kéo đến Công ty CP Procimex Việt Nam để đối chứng, đòi nợ”.
Nậu cá Trần Thị Tố Nga cho biết cũng không lấy được tiền bán hải sản cho Công ty CP Procimex Việt Nam từ 2 tháng nay. Hệ lụy là nợ ngư dân, nợ các đối tác cung ứng xăng dầu, nước đá, lương thực, thực phẩm...
Nghiêm trọng hơn, Công ty CP Procimex Việt Nam còn mắc nợ tiền thai sản, ốm đau của 135 nữ công nhân với số tiền 280 triệu đồng, dù BHXH TP.Đà Nẵng đã chuyển tiền cho Công ty này từ tháng 8/2012. Hơn 300 công nhân lao động bị nợ 2 tháng lương (10/11/2012) với số tiền gần 1 tỉ đồng.
Ngoài ra Công ty CP Procimex Việt Nam còn nợ BHXH 450 triệu, nợ thuế 1,2 tỉ, nợ các đối tác là khách hàng cung ứng nguyên liệu... lên đến 14 tỉ đồng.
Nguy cơ... phá sản
Tân TGĐ Công ty CP Procimex Việt Nam - ông Phạm Văn Dõng - cho biết, mới tiếp quản Công ty từ ngày 1/12/2012, chưa kịp bàn giao thì TGĐ cũ (ông Nguyễn Điểm) đã đột ngột tử nạn.
Sau khi rà soát, phát hiện Công ty không chỉ nợ trên 14 tỉ đồng các khoản như nêu trên, mà vốn Công ty cũng bị thâm hụt hơn 25 tỉ đồng.
Theo ông Dõng, từ cuối năm 2006, Công ty CP Procimex Việt Nam rơi vào thực trạng thua lỗ, đứng trước nguy cơ phá sản, vì vậy năm 2007 Công ty mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp, Bộ Tài chính (DATC) đã mua lại với số tiền 16,7 tỉ đồng (xấp xỉ 56% vốn của Công ty).
Năm 2008, sau khi được tái cơ cấu hoạt động, Procimex Việt Nam làm ăn hiệu quả, song có nhiều biểu hiện thất thường khi có các Công ty trung gian xuất khẩu, cung ứng nguyên liệu nằm ngay trong Công ty CP Procimex Việt Nam, là người thân của TGĐ cũ.
Đặc biệt, khi TGĐ cũ tử nạn, ông Dõng tiếp quản thì phát hiện “ngân khố” bị rút ruột 25,36 tỉ đồng, mất gần 50% vốn điều lệ của Công ty. Sau khi rà soát, đối chứng tài chính cho thấy, việc quỹ Công ty bị rút từ ngân hàng có dấu hiệu giả mạo hồ sơ, chứng từ... để chiếm đoạt. “Chúng tôi lập tức chuyển hồ sơ cho cơ quan CSĐT- CA TP.Đà Nẵng. Hiện vụ việc đang được thụ lý, điều tra”- ông Dõng cho hay.
Tuy vậy, theo ông Dõng, khi xuất bán được các container hàng tồn vào đầu năm 2013, Công ty đã trả được nợ lương công nhân đến cuối năm 2012, trả được 500 triệu cho một số ngư dân. Số nợ còn lại sẽ ưu tiên giải quyết lương, thưởng Tết cho 300 công nhân, trả nợ BHXH, BHYT, nợ thuế... rồi mới đến việc trả nợ ngư dân, nậu cá, các đối tác cung ứng nguyên liệu... nếu Công ty còn tồn tại.
Theo Lao Động