Người dân luôn phải gánh hậu quả trước tiên
Thưa ông, vừa rồi, theo thống kê của Bộ Tài chính thì nhiều TĐ, TCTNN đều nợ khủng. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?
Theo thông tin đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng thì có TĐ, TCTNN lãi, có TĐ, TCTNN lỗ, thậm chí lỗ khủng. Theo tôi nghĩ, nguyên nhân có nhiều, cả khách quan lẫn chủ quan, nên phân tích từng trường hợp một chứ “vơ đũa cả nắm” thì khó hiểu và khó xử lý.
Nhìn chung thì phải thừa nhận rằng, do khó khăn chung của nền kinh tế, chẳng những TĐ, TCTNN lỗ mà hàng vạn doanh nghiệp ngoài Nhà nước cũng lỗ to, thậm chí phải ngừng hoạt động.
Nếu tách riêng các TĐ, TCTNN thì có một loạt nguyên nhân. Đó là sự quản lý, giám sát, kiểm soát yếu kém của chủ sở hữu, nhất là sau khi xóa bỏ cơ chế “bộ chủ quản”; điều đó làm nảy sinh tình trạng “cha chung không ai khóc”; khi đổ bể chẳng ai chịu trách nhiệm cả! Bản thân họ, các TĐ, TCTNN lại được hưởng nhiều ưu ái, trong đó có sự ưu ái về vốn, khi lỗ thường được hoãn, giãn, xóa nợ nên càng làm suy giảm trách nhiệm.
Một nguyên nhân nữa là nhiều TĐ, TCTNN ham kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực, nhất là chạy theo “kinh tế ảo” như bất động sản và thị trường chứng khoán là những lĩnh vực có thể đem lại “đồng tiền nóng” nhưng chứa đầy rủi ro, nóng lạnh thất thường.
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan. |
Bên cạnh đó có những TĐ, TCTNN mắc bệnh “vĩ cuồng”, chạy theo những dự án hoành tráng vượt quá khả năng đầu tư, quản lý và nhu cầu thị trường. Cần kể tới cả nguyên nhân chọn lựa, bố trí, giám sát cán bộ lãnh đạo các TĐ, TCTNN. Một ví dụ điển hình là Phạm Thanh Bình ở Vinashin vừa là Chủ tịch Hội đồng Thành viên, vừa là Tổng giám đốc, vừa là Bí thư Đảng ủy hay trường hợp Phạm Chí Dũng ở Vinaline đang bị thanh tra lại được cử làm Cục trưởng…
Chỉ đau xót là những thất thoát lớn như vậy không phải Nhà nước (vì Nhà nước làm gì có tiền) mà cuối cùng là người dân đang khó khăn trăm bề phải gánh chịu với tư cách là những người đóng thuế. Một hậu quả nữa là triệt tiêu vai trò “chủ đạo” của kinh tế Nhà nước, độ tin cậy trên thị trường quốc tế.
Do đó, nên ưu tiên tiến hành mạnh mẽ công cuộc tái cấu trúc toàn diện, từ cơ sở pháp lý đến phương thức quản lý, chế độ trách nhiệm, cơ chế sử dụng cán bộ các TĐ, TCTNN, nói cách khác là cần tiến hành một cuộc đại phẫu thuật hay “lột xác” các TĐ, TCTNN theo hướng lành mạnh, hiệu quả hơn; bằng không sẽ ảnh hưởng tới toàn bộ nền kinh tế và ngay cả Nhà nước xã hội chủ nghĩa của chúng ta.
Về khoản vay 300 triệu USD của Ngân hàng Phát triển châu Á để cải cách các TCTNN và TĐ, ông có thấy như thế là quá ưu ái cho các TCTNN, TĐ không?
Tôi không có thông tin về việc này nên xin không bình luận. Vấn đề là dùng vào đâu, cách dùng thế nào.
Vậy ông có ý kiến gì về 9 nhóm giải pháp nhằm khôi phục kinh tế 2013 của Chính phủ chưa? Theo kinh nghiệm cá nhân ông có được thì những chỉ thị, nghị quyết của Chính phủ để đi vào thực tế mất khoảng bao nhiêu thời gian?
Tôi không muốn “nói mò” và “vơ đũa cả nắm” mà cái gì cũng cần phân loại ra. Có cái vào ngay cuộc sống, có cái phải qua nhiều công đoạn.
Ví dụ chủ trương chuyển nhà thương mại sang nhà xã hội và cấp tín dụng ưu đãi cho người có nhu cầu mua nhà xã hội chẳng hạn, chắc sẽ cần phải qua nhiều công đoạn, thủ tục, quy trình, khó bề triển khai ngay. Hay xử lý nợ xấu - một trong những biện pháp chủ yếu trong năm nay mà nghe nói Ngân hàng Nhà nước mới trình Thủ tướng Chính phủ để triển khai cũng cần có thời gian.
Đó là chưa kể nguồn lực lấy đâu ra? Việc lớn và phức tạp như vậy chắc cũng phải mất 3-4 năm. Còn các loại quyết định như giãn thuế, giảm thuế trong thẩm quyền Chính phủ thì có thể thực hiện ngay được.
2103 sẽ có nhiều điểm sáng
Ông dự đoán kinh tế 2013 sẽ như thế nào?
Tôi nghĩ bức tranh kinh tế 2013 có thể có vài điểm sáng. Không phải tất cả nhưng một số biện pháp Chính phủ vừa đưa ra sẽ đi vào cuộc sống và sẽ gỡ khó phần nào cho các doanh nghiệp. Giả dụ quý I loay hoay triển khai thì từ quý II trở đi sẽ phát huy tác dụng. Với chính sách tiền tệ thận trọng và tiết giảm đầu tư công chắc chắn lạm phát cao sẽ không bùng phát trở lại.
Tuy nhiên, khó bề trông đợi một sự bật dậy mạnh mẽ được. Thứ nhất là, tình hình kinh tế thế giới chưa thể sáng sủa, mọi dự báo đều được điều chỉnh theo hướng thấp hơn dự kiến giữa năm 2012. Bản thân nền kinh tế nước ta còn phải đèo bòng nhiều hậu quả của năm 2012, không thể xử lý ngay được.
Xử lý nợ xấu bây giờ mới ở giai đoạn trình đề án, chưa biết bao giờ triển khai và triển khai thế nào. Gánh nặng thứ hai là, hàng tồn kho còn quá lớn, lên tới trên 20%, giải tỏa không phải dễ. Gánh nặng thứ ba là, những doanh nghiệp phá sản chiếm tỷ lệ rất cao, dù có “hô hấp nhân tạo” cũng không dễ tỉnh dậy ngay. Vấn đề thứ tư là, vốn đầu tư năm 2012 giảm mạnh thì lấy đâu gối đầu? Đó là chưa kể “cầu” rất yếu, không thể “kích cầu” mạnh được do thiếu nguồn lực và nỗi lo lạm phát.
Bao trùm lên tất cả là thiếu lòng tin từ người tiêu dùng, tức là toàn dân và các doanh nghiệp. Đây là điều quan trọng nhất. Trong kinh doanh mà không có lòng tin thì không thể vực dậy được. Qua giao tiếp với các doanh nghiệp và nhiều tầng lớp nhân dân tôi cảm thấy thấy họ đều thiếu niềm tin, hay nói đúng hơn là đang nản lòng.
Ông có nói đến những điểm sáng của năm tới. Vậy “điểm sáng” đó là gì?
Như trên đã nói, có thể hy vọng lạm phát không bùng phát trở lại như những năm qua (trừ năm 2009). Nếu gọi đó là điểm sáng cũng được. Nhưng cái gì cũng có hai mặt, nếu xiết chặt quá, nền kinh tế thiếu vốn thì không thể khởi sắc và ở vòng sau có thể nảy sinh tình trạng cung không đáp ứng cầu, từ đó lại nảy sinh lạm phát. Năm 2012 cho thấy điều đó. Huy động tiền gửi nghe đâu tăng 14-15% nhưng tín dụng chỉ tăng đâu có 6-7%, trong khi Nghị quyết 11 của Chính phủ thì dự kiến tín dụng tăng 20%.
Điều này sẽ để lại hậu quả cho năm 2013. Điểm sáng là lạm phát xuống nhưng điểm tối là sản xuất khó khăn. Để chống lạm phát thì việc thắt chặt tiền tệ là thiết yếu nhưng liều lượng ra sao là vấn đề quan trọng, phải tính hai, ba vòng chứ không thể tính một vòng được.
Theo ông, ngành nào sẽ có kết quả kinh doanh khả quan nhất?
Ngoài dầu khí thì chỉ có nông nghiệp. Nhờ nông nghiệp mà kinh tế khó khăn nhưng không đói, người lao động có nơi trú ngụ. Thế nên, không chú ý đầu tư cho nông nghiệp thì kinh tế sẽ khó khăn lắm vì dù sao nước ta vẫn còn là nước nông nghiệp.
Mọi người cứ khoe thành tích đã xử lý được nhập siêu, riêng tôi chả vui tí nào vì nền công nghiệp của nước ta còn gia công là chủ yếu, phải nhập máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu, nếu nhập giảm chứng tỏ nền sản xuất đi xuống, có hay ho gì đâu. Chỉ trông chờ vào nông nghiệp thôi. Công nghiệp năm vừa rồi “rớt” quá, FDI cũng giảm một phần do các nước đều khó khăn, một phần khác do kinh tế vĩ mô của mình thế này người ta cũng ngại.
Nghĩa là cần kêu gọi đầu tư nước ngoài, tạo môi trường đầu tư tốt?
Đúng vậy, lúc này là lúc phải “hút” họ đến vì dù sao FDI cũng đóng góp khoảng 19% GDP, 22-23% vốn đầu tư của toàn xã hội, trên 50% xuất khẩu, trên dưới 4 tỉ USD vào ngân sách Nhà nước…
Đâu là bài học cho các doanh nghiệp Việt Nam trong thời hội nhập?
Thu hút đầu tư thì ai cũng biết là cần, vấn đề là làm thế nào để thu hút? Nói cách khác, tạo môi trường đầu tư hấp dẫn cần bắt đầu từ đâu và làm lại điều gì?
Theo tôi vẫn là 5 khâu chủ yếu: Thủ tục minh bạch và đơn giản; giải phóng mặt bằng nhanh và rẻ; triệt tiêu tham nhũng và sự nhũng nhiễu; nguồn nhân lực có chất lượng và xúc tiến đầu tư có chất lượng.
Có một thực tế là, dù đã gia nhập WTO khá lâu rồi nhưng vẫn còn có khoảng cách, sự chênh lệch, khác biệt nhất định giữa cách làm ăn của người Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài. Nguyên nhân là gì, thưa ông?
Các doanh nghiệp Việt Nam cần học tập, trau dồi kiến thức... |
Phải có thời gian thôi. Người ta làm ăn theo cơ chế thị trường chí ít là 4-5 thế kỷ nay, ta mới chuyển sang cơ chế thị trường có vài ba chục năm thì làm sao xóa bỏ chênh lệch ngay được? Thực ra qua một số năm hội nhập kinh tế quốc tế, nhiều doanh nghiệp đã trưởng thành lên nhiều, thậm chí một số đã vươn ra, đứng vững ở thị trường thế giới.
Riêng cá nhân tôi, tôi cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam cần khiêm tốn học tập, trau dồi kiến thức sâu rộng hơn về kinh tế thế giới và kỹ năng kinh doanh hiện đại cũng như các luật chơi toàn cầu; có tầm nhìn xa hơn, tránh bóc ngắn cắn dài, kinh doanh theo kiểu chụp giật; có tinh thần đồng đội chứ không theo kiểu mạnh ai nấy làm, thậm chí kéo nhau xuống; coi trọng chữ tín, đã hứa, đã thỏa thuận thì làm cho được.
Ít nhất trong 6 tháng đầu năm này, các doanh nghiệp của chúng ta sẽ phải đối mặt với những vấn đề gì?
Họ sẽ phải đối mặt với những vấn đề như hàng không tiêu thụ được, sức mua giảm, việc tiếp cận vốn với lãi suất hợp lý cũng chưa phải dễ dàng. Tôi cho rằng, niềm tin và sức mua là quan trọng nhất vì trong thời buổi kinh tế thị trường cái quan trọng là đầu ra.
Tôi thấy những biện pháp của Chính phủ mới tập trung vào cung còn mặt cầu chưa rõ lắm, mặc dù khó tách biệt hai mặt cung - cầu.
Theo tôi, những việc cần làm ngay về mặt quản lý cấp Nhà nước và doanh nghiệp, thứ nhất là cố gắng thúc đẩy “cầu” nhiều hơn nữa từ đó mới thúc đẩy được “cung”, tức là sản xuất; thứ hai là tạo dựng lại lòng tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp; thứ ba là cố sức chăm lo những vấn đề dài hạn.
Để khôi phục lòng tin của người dân, việc đầu tiên phải làm là gì, thưa ông?
Có hai loại việc gắn bó với nhau, tác động qua lại lẫn nhau: đó là tạo dựng lòng tin về kinh tế và tạo dựng lòng tin về chính trị.
Về kinh tế là những quyết sách kịp thời, nhất quán, minh bạch, sát hợp thực tế đi liền với việc triển khai tới nơi tới chốn. Về chính trị - xã hội là làm tốt nghị quyết Trung ương 4 khóa XI nhưng phải làm thật. Đó là khâu then chốt, không tháo được khóa này ra thì chẳng bao giờ mở được cái cửa nào cả. Dân không làm thì chả dựa vào sức nào được.
Tôi đi đánh golf vào ngày thường gặp các nhà làm doanh nghiệp, tôi hỏi: “Chúng tôi nghỉ hưu mới có thời gian đi chơi, các cậu cũng đi vào ngày làm việc, vậy ai làm?”. Mọi người trả lời: “Chúng cháu không đi đánh golf thì làm gì bây giờ?” và hỏi thêm: “Bao giờ chúng cháu có việc để làm?”. Tôi chịu thua.
Kinh tế hiện giờ đang khó khăn như thế mà kích cầu được để người dân muốn sử dụng hàng hóa nghe có vẻ xa vời?
Kích cầu không phải đưa tiền cho người dân tiêu mà anh phải sử dụng bằng chính sách thuế, lãi suất, cơ chế khuyến khích đầu tư vào những lĩnh vực tạo nhiều công ăn việc làm, thu nhập. Người ta có thu nhập thì mới tiêu dùng, chứ không phải cứ bơm tín dụng cho mấy ông doanh nghiệp. Cũng là số tiền đó nhưng quan trọng là thả vào đâu.
Xem ra, hình như các giải pháp từ trước đến nay mang tính lý thuyết nhiều hơn thực tế?
Nói vậy có phần “oan”. Nói đúng hơn là khâu triển khai thực hiện thường hay yếu. Nếu không tích cực triển khai thì chỉ là khẩu hiệu rồi lại đâu hoàn đấy.
Theo dự đoán của ông, hết năm 2013 sang 2014 có khả quan hơn nhiều không?
Như trên đã nói, tôi không thích đoán mò. Nhưng tôi cho rằng, 5 năm sắp tới nếu khắc phục được hậu quả của sự khó khăn suy giảm từ năm 2008 đến nay thì cũng đã giỏi lắm rồi.
Thực tế thì đất nước ta cũng có cái khó là cùng lúc phải giải quyết hai nhiệm vụ khác nhau. Một là nhiệm vụ ngắn hạn, xử lý những bất ổn vĩ mô, đồng thời phải tái cấu trúc lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
Hiện nay mới dốc sức giải quyết những vấn đề trước mắt, còn các vấn đề lâu dài mới ở giai đoạn khởi động. Nhưng nếu không giải quyết các vấn đề dài hạn thì hậu quả là nền kinh tế chúng ta có thể sẽ tụt hậu mấy chục năm so với thiên hạ. Nhất là lúc này nền kinh tế thế giới đang thay đổi rất cơ bản mà mình không thích nghi được sẽ rất khó khăn.
Giữ được nhân cách mới khó
Kinh tế khó khăn, sức mua giảm, nhưng thực tế ở một số nơi, như TP.HCM chẳng hạn, người giàu vẫn cứ giàu, càng giàu, vẫn xe này nhà kia, áo quần tiền tỉ. Đó là dấu hiệu đáng mừng hay đáng lo, thưa ông?
Đây là điều đáng sợ vì khoảng cách cách giàu nghèo quá lớn, nhất là sự giàu lên một cách bất chính, trong đó có lợi ích nhóm sẽ làm nảy sinh bất ổn xã hội.
Tình hình Trung Cận Đông - Bắc Phi bùng nổ một phần cũng do khoảng cách giàu nghèo quá mức, dễ bị kích động và làm bùng phát bất ổn xã hội. Ngay ở nước Mỹ cũng bùng phát phong trào “chiếm phố Wall” thể hiện sự bất bình của quần chúng. Ta khuyến khích làm giàu chính đáng nhưng đồng thời phải kiên quyết chống lại làm giàu bất chính! Không làm tốt chuyện này sẽ rất nguy hiểm.
Sau hội nhập, ở Việt Nam bắt đầu xuất hiện khái niệm “đại gia”, trong sự trầm trồ ngưỡng mộ của dân chúng, rồi nhanh chóng, họ lại được chứng kiến các đại gia đó… ngã ngựa. Làm giàu thật ra là khó hay dễ?
Làm giàu rất khó nhưng giữ được nhân cách khó gấp vạn lần.
Doanh nghiệp là nòng cốt của nền kinh tế. Doanh nghiệp yếu thì đất nước không thể mạnh. Ông nghĩ gì về cách người phương tây dạy con: thả xuống nước tự vẫy, té thì tự đứng dậy? Có nên áp dụng cách này đối với doanh nghiệp Việt Nam, hiện tại?
Tôi cũng cho rằng, ngồi trên bờ không thể biết ao nông sâu và chẳng bao giờ biết bơi, hãy nhảy xuống ao mới biết nông sâu và mới biết bơi được, lúc đầu có thể chỉ bơi chó, sau sẽ bơi giỏi và đẹp hơn. Nhưng đã xuống ao thì mọi người phải bình đẳng, không nên vứt phao cứu người này để người khác chìm! Khi đi vào đàm phán về việc gia nhập WTO tôi đã nghĩ như vậy, bây giờ tôi vẫn nghĩ như vậy!
Xin trân trọng cảm ơn nguyên Phó Thủ tướng!
Theo Petrotimes