Tiền đâu mua Trustbank?

Thứ ba, 29/01/2013, 10:41
Liệu nhóm cổ đông mới Thiên Thanh có đủ khả năng để cùng với Trustbank đi đến cuối quá trình tái cơ cấu?

Trong đề án tái cơ cấu của mình, Ngân hàng Đại Tín (Trustbank) cho biết sẽ bán gần 85% cổ phần cho nhóm cổ đông mới. Nhóm này gồm Tập đoàn Thiên Thanh mua 9,67% và 20 nhà đầu tư mua số cổ phần còn lại. Mặc dù Thiên Thanh chỉ nắm chưa đến 10% cổ phần, nhưng Đại hội cổ đông của Trustbank lại được tổ chức tại trụ sở của Thiên Thanh, khiến nhiều người cho rằng quyền chi phối Trustbank đang nằm trong tay tập đoàn mới lộ diện này.

Cơ hội sở hữu ngân hàng

Chuyện nhiều đại gia sở hữu ngân hàng trong hệ thống doanh nghiệp của mình không phải là chuyện mới. Ngân hàng là nguồn cung cấp vốn chính cho các công ty con với lãi suất thấp. Tuy nhiên, khi một số công ty con hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán, bất động sản gặp khó khăn, ngân hàng không thu được nợ. Lúc ấy, ngân hàng vướng vào vũng lầy nợ xấu, các công ty con không còn được vay với lãi suất thấp cũng lao đao theo.

trustbank
 Nhiều người cho rằng quyền chi phối Trustbank đang nằm trong tay tập đoàn Thiên Thanh.

Đến lúc này, trong lộ trình tái cơ cấu ngân hàng, các đại gia đành chấp nhận bán cổ phần hay sáp nhập với ngân hàng khác. Điều này tạo ra cơ hội sở hữu cho nhiều nhóm nhà đầu tư tư nhân có tiền.

Trong vòng xoáy tái cơ cấu ngân hàng mạnh mẽ năm 2012, một số cuộc đổi chủ như thế đã diễn ra.

Đầu năm 2012, TienPhongBank đã phải bán 20% cổ phần cho một nhóm nhà đầu tư tư nhân để được hỗ trợ tái cơ cấu. Nhóm này thuộc ông Đỗ Minh Phú, ông chủ Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI. Nợ xấu của TienPhongBank, dù con số chính thức không được công bố, nhưng sau khi đã được hỗ trợ tái cơ cấu vẫn còn khoảng 6% tại thời điểm 30/6/2012.

Tình cảnh của Ngân hàng Phát triển Nhà Hà Nội (Habubank) còn bi đát hơn khi bị buộc phải sáp nhập với Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB). Và ông chủ của SHB, được nhiều người cho là bầu Hiển, nghiễm nhiên trở thành chủ của cả Habubank.

Ngân hàng Nhà nước cũng đã cho phép Công ty Tài chính Dầu khí (PVF) được sáp nhập với Ngân hàng Phương Tây (Westernbank) để tái cơ cấu ngân hàng này. Nếu thương vụ thành công, một cuộc đổi chủ khác lại sẽ diễn ra. Ông Đặng Thành Tâm của Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn (SGI) trước đây được xem là ông chủ của ngân hàng này.

Trong đề án tái cấu trúc ngân hàng, chủ trương là không sử dụng tiền Nhà nước và kêu gọi các ngân hàng tự huy động. Vì vậy, khi có nguồn vốn tư nhân đổ vào, ngân hàng cũng phải chấp nhận để tái cấu trúc và cho các tư nhân này nắm quyền kiểm soát.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chính sách công Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, việc tái cấu trúc như vậy về lâu dài sẽ không theo được định hướng lành mạnh hóa hoạt động của ngân hàng cổ phần và đa dạng hóa cơ cấu sở hữu ngân hàng. “Thêm vào đó, tình trạng sở hữu chéo có cơ hội tiếp diễn mà đến nay vẫn chưa giải quyết được”, ông đánh giá.

Theo Luật Các tổ chức tín dụng, đối với một ngân hàng, cá nhân không được sở hữu quá 5% cổ phần, tổ chức tài chính không quá 15% và nhóm (cá nhân và người liên quan) không quá 20%. Việc một nhóm cổ đông sở hữu chi phối ngân hàng như nhóm Thiên Thanh vừa rồi mặc dù đúng luật nhưng có thể nói là cá nhân sở hữu. Điều này dẫn đến tình trạng các tổ chức phi tài chính sở hữu tổ chức tài chính ngày càng nhiều thêm.

Cuộc đổi chủ tại Trustbank

Trustbank đã lên kế hoạch tái cấu trúc gồm 3 bước. Đầu tiên, Trustbank sẽ bán gần 85% cổ phần của cổ đông cũ cho nhóm Thiên Thanh để thu về khoảng 4.500 tỉ đồng. Bước kế tiếp là tăng vốn thêm 2.000 tỉ đồng từ nhóm này. Cuối cùng tăng vốn thêm 2.500 tỉ đồng nữa từ việc thanh lý tài sản của nhóm cổ đông cũ và do Thiên Thanh góp thêm.

Sự xuất hiện của nhóm Thiên Thanh làm cổ đông Trustbank vui mừng và kỳ vọng vào tương lai của quá trình tái cấu trúc. Nhưng điều đó cũng khiến nhà đầu tư đặt ra không ít nghi vấn.

Trước hết, với sự hỗ trợ của nhóm Thiên Thanh, liệu hiệu quả của quá trình tái cấu trúc sẽ như thế nào? Bởi lẽ, Thiên Thanh được biết đến là tập đoàn chuyên kinh doanh vật liệu xây dựng, ôtô, đầu tư vào các dự án bất động sản, đầu tư tài chính…, chưa từng có kinh nghiệm trong lĩnh vực quản trị ngân hàng. Trong phương án tái cấu trúc, ngoài mục tiêu tăng vốn từ nhóm Thiên Thanh, Trustbank cũng chưa cho biết nhóm này sẽ hỗ trợ những gì trong các hoạt động ngân hàng này được cấp phép.

Hồi cuối năm 2012, Trustbank được Ngân hàng Nhà nước đưa vào nhóm 9 ngân hàng bắt buộc tái cơ cấu cùng với một số ngân hàng khác như Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu, Westernbank,... Lý do là theo báo cáo của các ngân hàng này, nợ xấu chỉ khoảng 2%, nhưng theo kiểm tra của Ngân hàng Nhà nước, nợ xấu thực sự lên tới hàng chục phần trăm hoặc mất cả vốn điều lệ.

trustbank
Liệu nhóm cổ đông mới Thiên Thanh có đủ khả năng để cùng với Trustbank đi đến cuối quá trình tái cơ cấu?

Chưa biết nợ xấu của Trustbank ở mức nào nhưng theo kế hoạch đã vạch sẵn, cổ đông có quyền kỳ vọng, các đợt rót vốn của nhóm Thiên Thanh sẽ giúp Trustbank có thêm nguồn vốn mới hoạt động và hóa giải nợ xấu. Nhưng liệu nhóm Thiên Thanh có đủ khả năng để cùng với Trustbank đi đến cuối quá trình tái cơ cấu?

Chỉ riêng việc mua cổ phần và tăng vốn lần đầu, nhóm Thiên Thanh đã phải bỏ ra 6.500 tỉ đồng. Đợt tăng vốn kế tiếp, ngoài tiền thanh lý tài sản nhóm cổ đông cũ, ít nhất nhóm này cần bỏ ra thêm cả ngàn tỉ đồng nữa. Tổng cộng là khoảng 7.500-8.500 tỉ đồng. Trong khi đó, tổng tài sản của Thiên Thanh đến cuối năm 2011, theo một số thống kê chưa chính thức, là 3.000 tỉ đồng.

Ngoài ra, vốn chủ sở hữu của tập đoàn này chỉ hơn 1.200 tỉ đồng trong khi doanh thu chỉ trên 2.000 tỉ đồng trong năm 2011. Rõ ràng, mấu chốt vấn đề nằm ở 20 cổ đông cá nhân kia. Vậy ai sẽ thực sự sở hữu Trustbank?

Cho đến nay, các cá nhân trong nhóm Thiên Thanh là ai vẫn còn là ẩn số. Theo Giám đốc Đầu tư của một công ty chứng khoán tại TP.HCM (không muốn nêu tên), giả sử họ là chủ của các tổ chức tài chính khác thì việc huy động cùng lúc được 20 ông chủ cũng không phải là chuyện dễ. Vì vậy, có thể nghĩ đến việc người sẽ thực sự sở hữu Trustbank là một tổ chức khác.

Theo vị này, có hai đối tượng nằm trong vòng nghi vấn là các ngân hàng trong nước và ngân hàng nước ngoài. “Các đối tượng này có thể liên kết bằng cách ủy thác đầu tư cho nhóm của Thiên Thanh đầu tư vào Trustbank”, ông nói.

Việc sở hữu một ngân hàng chưa bao giờ hết hấp dẫn. Đối với ngân hàng trong nước, việc sở hữu trực tiếp một ngân hàng khác là không được phép. Vì vậy, ủy thác đầu tư có lẽ là cách tốt nhất để có được đội ngũ nhân sự và khách hàng mà một ngân hàng đã nhiều năm xây dựng. Đó là chưa nói đến khối tài sản khổng lồ của ngân hàng đó.

Với các ngân hàng nước ngoài, đấy là những thứ mà có tiền cũng không thể mua được lúc này. Mặc dù họ đã được phép thành lập ngân hàng 100% vốn ngoại nhưng việc gầy dựng cơ sở khách hàng và hệ thống hoạt động không thể dễ có được trong một sớm một chiều. Mua cái sẵn có vẫn nhanh hơn là gầy dựng từ đầu.

Theo NCĐT

Các tin cũ hơn