Thị trường vàng kỳ vọng vào "nhạc trưởng"

Chủ nhật, 27/01/2013, 08:37
Các chuyên gia cho rằng tham gia mua bán vàng miếng sẽ là cơ hội để Ngân hàng Nhà nước thực hiện trọn vẹn vai trò "nhạc trưởng", bình ổn giá của mình. Tuy vậy, vẫn có một số lo ngại được đặt ra.

Nếu Ngân hàng Nhà nước tham gia mua bán vàng miếng ở thị trường trong nước, nhiều ý kiến cho rằng, giá mua bán vàng trong nước sẽ sát với thế giới hơn.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Phó tổng giám đốc Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), cho rằng người dân, các doanh nghiệp và ngân hàng đều được lợi từ chính sách này. Với thị trường hiện nay khi lực mua quá mạnh mà lực bán không có, doanh nghiệp không có nguồn mua vào để cân đối nên buộc phải đẩy giá lên cao. Ngược lại, khi lực bán quá mạnh, giá vàng sẽ bị điều chỉnh giảm nhanh, và cả hai trường hợp, người dân đều chịu thiệt.

vang
Các chuyên gia cho rằng người dân sẽ được lợi nếu Ngân hàng Nhà nước là người mua bán cuối cùng trên thị trường

Do vậy, theo Bà Cúc, nếu Ngân hàng Nhà nước tham gia mua bán vàng, cơ quan này sẽ là người “nhạc trưởng” để cân đối cung cầu. Theo đó, khi lực mua ngoài thị trường mạnh, doanh nghiệp và ngân hàng sẽ thoải mái bán ra mà không sợ mất cân đối trạng thái vì đã được Ngân hàng Nhà nước bán vàng lại. Ngược lại Ngân hàng nhà nước sẽ là cơ quan thu mua vàng vào cho doanh nghiệp và ngân hàng khi người dân đua nhau bán ra. “Giá vàng trong nước sẽ không còn lý do gì để tăng nhanh và giảm chậm hơn thế giới nữa”, bà Cúc phân tích.

Ông Lương Văn Tự, nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại cũng nhìn nhận đây là một chính sách "phù hợp với mong đợi của thị trường". Theo ông Tự, khi Ngân hàng Nhà nước có thể mở tài khoản vàng ở nước ngoài và nhập vàng vật chất thì họ sẽ có đủ công cụ để can thiệp lúc thị trường vàng sốt giá. "Người tiêu dùng sau này sẽ không còn phải thấy cảnh giá vàng trong và nước chênh lệch nhau quá lớn như hiện nay", ông Tự kỳ vọng.

Theo Tiến sĩ Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Ngân hàng TP HCM vấn đề trước mắt là kéo giá vàng trong nước sát với thế giới. Muốn vậy phải có xuất nhập khẩu vàng dựa trên cơ sở cân đối được ngoại tệ, và Ngân hàng Nhà nước là cơ quan có thể đảm trách tốt việc này.

Cũng cho rằng cách làm này của Ngân hàng Nhà nước là "đúng và trúng" nhưng chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh nói thẳng, đáng lẽ ra có thể làm việc này sớm hơn để dẹp "loạn" thị trường vàng. Ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng xem đây là việc nhà điều hành nên làm trong bối cảnh thị trường vàng đang "loạn". Tuy nhiên, ông Kiêm cũng lưu ý, khi thị trường đã ổn định hơn và vấn đề dự trữ ngoại hối không còn bức thiết nữa thì việc này có thể lại không cần thiết.

Ngoài mục đích can thiệp thị trường vàng trong ngắn hạn, theo các chuyên gia, việc độc quyền xuất nhập khẩu vàng miếng còn có ý nghĩa lớn đối với dự trữ quốc gia về lâu dài.

"Việc kinh doanh vàng cũng là một xu hướng dự trữ ngoại hối mà nhiều nền kinh tế đang áp dụng, đặc biệt các nước mới nổi, chỉ khác hình thức dự trữ này là vàng chứ không chỉ bằng các ngoại tệ mạnh", một chuyên gia tài chính tư vấn chính sách tại các nền kinh tế mới nổi cho biết. Ngoài ra, theo ông, dự trữ bằng hình thức này sẽ giúp các nền kinh tế như Việt Nam tránh sự phụ thuộc quá lớn vào đồng đôla Mỹ trong bối cảnh đồng tiền này đang có nhiều đe dọa như hiện nay.

Tuy nhiên, cũng có những ý kiến tranh cãi và lo ngại với cách thức can thiệp thị trường này của Ngân hàng Nhà nước. Ông Trần Thanh Hải, Tổng giám đốc Công ty đầu tư vàng Việt Nam (VGB) lo mục tiêu chống vàng hóa sẽ khó thực hiện nếu Ngân hàng Nhà nước cũng tham gia mua bán trên thị trường. "Ngân hàng Nhà nước chống vàng hóa, nhưng chính cơ quan này cũng tham gia mua bán, sẽ lại kích thích nhu cầu mua bán trên thị trường", ông phân tích.

thi truong vang
Việc tham gia mua bán vàng miếng về lâu dài sẽ góp phần bổ sung nguồn dự trữ quốc gia.

Bên cạnh đó, cũng có những ý kiến lo ngại về nguy cơ lạm phát khi Ngân hàng Nhà nước phải cung lượng tiền đồng lớn để mua vào. "Khi giá thế giới rớt mạnh, nếu như tất cả thị trường cùng bán ra, Ngân hàng Nhà nước sẽ rất khó khăn nếu phải tung tiền đồng ra để mua vào nhằm bình ổn thị trường, nguy cơ gây lạm phát. ", ông Hải phân tích.

Trước lo ngại này, một nguồn tin từ Ngân hàng Nhà nước thừa nhận đây cũng là yếu tố để cân nhắc khi đưa ra dự báo cung tiền từ đầu năm. Mặc dù vậy, theo vị quan chức này, so với ngoại tệ, quy mô tỷ trọng của vàng không lớn. "20 tấn vàng chỉ khoảng hơn một tỷ USD trong khi trước đây, với 10 tỷ USD ngoại tệ Ngân hàng Nhà nước cũng xử lý ổn thỏa không ảnh hưởng lạm phát", vị này giải thích.

Đại diện của PNJ cũng cho rằng nhà điều hành khó có đủ nguồn lực vàng để can thiệp thị trường khi giá biến động mạnh. "Có đủ công cụ, khi lực mua trong nước mạnh, giá tăng cao, Ngân hàng Nhà nước chỉ cần mua vàng tài khoản để cân đối trạng thái mà không cần phải nhập vàng vật chất về để tốn ngoại tệ. Sau đó, nhà điều hành sẽ chờ giá trong nước giảm, người dân bán ra mua lại là xong", bà Cúc lý giải.

Chuyên gia Vũ Đình Ánh cũng cho rằng, ông không sợ Ngân hàng Nhà nước sẽ kinh doanh vàng thua lỗ gây tổn hại ngân sách quốc gia. Ông Ánh lưu ý, bản thân Ngân hàng Nhà nước cũng có một sở giao dịch chuyên kinh doanh ngoại tệ và nay họ chỉ thêm chức năng kinh doanh vàng nên sẽ không vấn đề gì. "Bản chất vàng cũng là một loại ngoại tệ và thêm nghiệp vụ với vàng sẽ không có gì khó khăn mà thậm chí sẽ rất tốt", ông Ánh khẳng định.

Một chuyên gia khác có thâm niên trong lĩnh vực tài chính quốc tế cho báo chí biết, Ngân hàng Nhà nước xưa nay vẫn có một tài khoản thanh toán ngoại tệ ở nước ngoài. "Theo tôi được biết, bộ phận chuyên kinh doanh ngoại tệ của Sở giao dịch của Ngân hàng Nhà nước là những "dealer" chuyên nghiệp và có thể nói là xuất sắc nhất mà tôi từng biết bởi họ vẫn kinh doanh trên chục tỷ đôla, đóng góp cho dự trữ quốc gia nên cá nhân tôi không lo ngại việc họ sẽ kinh doanh dở", vị chuyên gia này nói.

Theo VNE

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích