Ái nữ ra thương trường
Ngày 21/1, HOSE công bố thông tin con gái bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh (REE) là Nguyễn Ngọc Nhất Hạnh đăng ký mua thêm một triệu cổ phiếu REE, qua đó sở hữu gần 1,3% vốn điều lệ DN này.
Trước đó, Nguyễn Ngọc Nhất Hạnh đã nắm 2,16 triệu cổ phiếu REE, tương đương khoảng hơn 40 tỷ đồng. Số lượng mua vào tiếp dự kiến sẽ thực hiện giao dịch trong khoảng 23/1 - 21/2.
Mẹ của ái nữ xinh đẹp sinh năm 1991 này là bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Cơ điện lạnh, được xem là linh hồn của DN khá nổi tiếng trên sàn chứng khoán trong rất nhiều năm qua.
Con gái của bà Mai Thanh có thành tích học tập đáng nể khi trở thành một trong những thí sinh đạt chứng chỉ tiếng Anh IELTS cao nhất Việt Nam với tổng điểm trung bình đạt 8,5, trong đó có kỹ năng đọc và viết lên tới 9,0 khi mới 18 tuổi.
Nhất Hạnh là một trong số ít những ái nữ thuộc thế hệ thứ hai có số tài sản khổng lồ và đang dấn thân vào nghiệp kinh doanh.
Từ Trên xuống: Nguyễn Ngọc Nhất Hạnh, Đặng Huỳnh Ức My, Trầm Thuyết Kiều. |
Trước đó, giới đầu tư cũng xôn xao với thông tin con gái của ông Đặng Văn Thành - cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Đặng Huỳnh Ức My đã mua thành công 1,5 triệu cổ phiếu BHS của Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa. Với đợt mua này, Ức My - thành viên HĐQT BHS nắm giữ 4,84% vốn của doanh nghiệp.
Cho dù trước đó, cuối tháng 12/2012, Ức My đã từ chức Tổng giám đốc Thành Thành Công, DN đang nắm giữ cổ phần chi phối tại hàng loạt công ty mía đường lớn với lý do muốn tĩnh dưỡng một thời gian nhưng có lẽ dòng máu kinh doanh vẫn còn nóng bỏng trong ái nữ họ Đặng sinh năm 1981 này.
Cũng trong năm qua, con gái rượu của đại gia tài chính, ngân hàng Trầm Bê cũng đã xuất hiện gây xôn xao. Trầm Thuyết Kiều sinh năm 1983, hiện nắm gần 10% cổ phần và là Phó Tổng giám đốc Khối khách hàng tổ chức Ngân hàng Phương Nam. Cô cũng là Phó Tổng Giám Đốc Công ty Vàng bạc đá quý Phương Nam (nắm giữ 4,95 triệu cổ phiếu, tương đương 11% cổ phần).
Trước đó, hồi gần cuối năm 2011, con gái bà Cao Thị Ngọc Dung - Chủ tịch, kiêm tổng giám đốc CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) đã mua vào 324.000 cổ phiếu PNJ, nâng tổng số cổ phiếu nắm giữ lên thành hơn 2,3 triệu đơn vị.
Thân gái dặm trường
Năm vừa qua, TTCK đã chứng kiến sự xuất hiện của nhiều gia đình đại gia với nhiều người còn nổi danh từ khi còn trẻ với khối tài sản lớn và vị trí cao trong các DN.
Với nghiệp kinh doanh cha truyền con nối, ông Trầm Bê đã trám vào hàng các vị trí lãnh đạo tại hàng loạt doanh nghiệp mà ông đã gây dựng lên hoặc là cổ đông lớn. Hai người con trai Trầm Trọng Ngân và Trầm Khải Hòa, cũng như cô con gái rượu Trầm Thuyết Kiều đã có những vị trí khá quan trọng trong các công ty mà ông tham gia đầu tư và đã trở thành những doanh nhân thực sự.
Trường hợp Đặng Huỳnh Ức My cũng vậy. Ái nữ của ông Đặng Văn Thành đã từng là CEO Thành Thành Công và khả năng kinh doanh cũng đã được chứng minh qua nhiều vị trí.
Tuy nhiên, nghiệp kinh doanh không phải dành cho tất cả, kể cả nam lẫn nữ. Nhiều gương mặt tham gia vào doanh nghiệp đôi khi mang tính chất tượng trưng, và sự nổi bật có khi chỉ ở khía cạnh không liên quan gì tới kinh doanh.
Cũng có những trường hợp, mua bán cổ phiếu chỉ mang tính chất nhất thời, chỉ mang tính chất đầu tư, có lúc mua vào, nhưng sau đó lại bán ra như trường hợp con gái Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc MPC Lê Thị Dịu Minh (bán 3,4 triệu cổ phiếu trong quý IV/2012) hay con gái Chủ tịch DTL Nguyễn Thanh Loan (bán toàn bộ gần 1 triệu cổ phiếu).
Xét về tổng thể, những gương mặt doanh nhân trẻ giàu có nhất trên TTCK thường xuất thân từ những doanh gia giàu có có trình độ học vấn khá cao, có sự va chạm với kinh doanh từ sớm cả trong và ngoài nước. Đây là lớp doanh nhân được kỳ vọng là thế hệ thứ hai, kế nghiệp các đại gia đi trước.
Trong đó, các gương mặt nữ là khá ấn tượng, từ sắc đẹp cho tới trình độ. Họ đang được giới đầu tư kỳ vọng tiếp bước những lãnh đạo DN nữ nổi tiếng của Việt Nam như bà Kiều Liên của Vinamilk hay Mai Thanh của REE...
Theo VEF
.