Đầu tiên là giải pháp vượt khó. Trong bối cảnh sức mua yếu, chi phí đầu vào tăng cao, để không tăng giá thành sản phẩm, dịch vụ, các doanh nghiệp (DN) chỉ có cách duy nhất là tiết kiệm chi phí, giảm lương, giảm nhân lực. Vậy mà vẫn có khoảng 55.000 công ty không thể trụ lại, phải ngưng hoạt động. Ngành điện thì ngược lại, năm 2012 có thể nói là năm thuận lợi với ngành này khi huy động được một khối lượng lớn thủy điện giá rẻ.
Cụ thể, khai thác thủy điện của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đạt tới 52,96 tỉ kWh, vượt 5,5 tỉ kWh so với năm 2011. Đầu vào giảm nhưng EVN vẫn tăng giá điện tới 2 lần và kết quả là tập đoàn này lãi trên 6.000 tỉ đồng. Nói ngắn gọn, giải pháp của ngành điện dù khó khăn hay thuận lợi đều là tăng giá. Nếu có thể tăng giá như điện, chắc chắn chẳng DN nào phải phá sản.
Điện vừa tăng giá 5% từ ngày 22/12/2012 vừa qua. |
Lãi lớn và "không còn rẻ" như kết luận của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải tại hội nghị tổng kết ngành điện mới đây, nhưng giá điện trong năm nay và những năm tới sẽ còn tiếp tục tăng. Tăng để bù lỗ chênh lệch tỷ giá và tăng vì mục tiêu của ngành điện vẫn là có lãi.
Thử hỏi tất cả các ngành sản xuất, kinh doanh hiện nay, làm gì có sản phẩm, dịch vụ nào không rẻ và đã có lãi lớn lại dám tuyên bố sẽ tăng giá như điện? Chắc chắn là không, bởi nếu vậy, sẽ bị tẩy chay, đào thải ngay.
Chẳng thế mà giải pháp giải phóng tồn kho mà cả Chính phủ, các bộ, ngành, các chuyên gia kêu gọi và hiến kế cho DN trong năm 2013 này vẫn tập trung chủ yếu vào việc giảm giá thành để kích thích sức mua. Nhưng điện thì khác. Vẫn một mình ngược hướng, tiếp tục tăng giá. Không mua điện của EVN thì DN chỉ có cách ngưng sản xuất, người dân ngưng sử dụng. Vì vậy, dù bất bình nhưng cũng đành... bất lực. Tuy nhiên, mọi chuyện chưa dừng ở đấy....
Từ nay đến 2015, EVN được Chính phủ cho tăng giá để bù lỗ khoảng 26.600 tỉ đồng do chênh lệch tỷ giá còn đang treo. Tăng giá 5% thì EVN thu về khoảng 3.000 tỉ đồng. Như vậy, để bù lỗ con số 26.600 tỉ đồng nói trên, giá điện sẽ tăng thêm khoảng 40% so với hiện nay. Đó là chưa tính tới nhiều lý do để điện có thể tăng giá như ngành này đã từng đưa ra.
Nhiều ý kiến lo ngại rằng, người dân và DN sẽ không chịu đựng nổi mức giá này nhưng lo ngại cũng chẳng giải quyết được gì. Mấy năm vừa rồi, lạm phát cao, lãi suất cao, giá nguyên liệu cao, tăng giá điện chẳng khác nào ép DN vào chỗ chết bởi điện tác động đến chi phí đầu vào của hầu hết các sản phẩm, dịch vụ. Nhưng giá điện vẫn tăng. Vậy thì thay vì lo ngại, ngay từ lúc này, DN và người dân hãy chuẩn bị tinh thần để... chấp nhận.
Tăng giá để bù lỗ cho những năm trước, tăng giá để lãi các năm sau, tăng giá khi khó khăn, tăng giá khi thuận lợi... Đó chính là quyền lực của sự độc quyền mà ngành điện đang sử dụng để khai thác triệt để cái "mỏ" từ dân và DN.
Theo Thanh Niên