Thưa ông, nhiều người cho rằng tình trạng đi chúc Tết sếp, lãnh đạo hiện nay đang diễn ra khá phổ biến trong các cơ quan nhà nước. Ý kiến của ông về việc này như thế nào?
Trước đây, mỗi khi Tết đến xuân về thì việc đi chúc Tết sếp trong cơ quan hay lãnh đạo cũng chỉ là một cách để thể hiện tình cảm, tuy nhiên từ khi có cơ chế thị trường thì việc đi chúc Tết sếp - người có chức quyền đã bị biến tướng.
Việc đi chúc Tết sếp không còn trong sáng mà bị chi phối bằng lợi ích kinh tế, vì mục đích riêng nên nhiều người lợi dụng dịp Tết để tạo mối quan hệ làm ăn như chạy chức, chạy quyền, chạy việc, chạy dự án... Việc chúc Tết sếp hay lãnh đạo không còn mang tính tình cảm mà chuyển sang thành việc đưa hối lộ. Tình trạng này xảy ra từ cấp phòng, ban đến huyện, tỉnh thậm chí cả ở trung ương.
Để đi chúc Tết sếp không ít người đã chuẩn bị những món quà đắt tiền, những phong bì dày cộp tiền từ trong năm. Trong khi đó trong họ hàng của những người đi chúc Tết sếp này còn khó khăn, nghèo khổ họ cũng không quan tâm mà chỉ dành “tình cảm” để chúc Tết sếp. Khi còn đương chức quyền thì lũ lượt đến chúc Tết bằng phong bì khi về hưu thì lại quay lại để nói xấu nhau, đó cũng là tình trạng suy thoái đạo đức của không ít cán bộ, đảng viên hiện nay.
Ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa khóa XII. |
Để ngăn chặn tình trạng này cũng đã có không ít văn bản, chỉ thị của nhà nước về việc cấm đi chúc Tết rồi, thưa ông?
Đó là những văn bản, quy định mang tính bề nổi, còn thực tế việc chúc Tết sếp vào dịp Tết bằng phong bì đang diễn ra khá phổ biến.
Bất cứ ai nếu để ý một chút thôi đều thấy là mỗi khi vào dịp Tết, tại những cơ quan nhà nước từ huyện, tỉnh đến trung ương lại chật ních xe ô tô đủ loại, rồng rắn đến để chờ đợi gặp bằng được lãnh đạo, rồi chỉ cần 1-3 phút để bắt tay, đưa phong bì là xong. Thậm chí có cơ quan khi qua Tết, sếp còn điểm mặt xem còn thiếu ai chưa đến chúc Tết để rồi gây khó dễ cho họ.
Trước đây, việc nhân viên đi chúc Tết sếp, lãnh đạo được thể hiện như thế nào, thưa ông?
Thời bao cấp thì việc chúc Tết sếp, lãnh đạo rất đơn giản chỉ cần gói chè, cân gạo, con gà gia đình tự nuôi được. Còn bây giờ Tết đến, sếp bận tíu tít, bắt tay nhận, trao phong bì là người đến chúc Tết hoàn thành nhiệm vụ. Tâm lý của nhiều người cấp dưới là lo lắng nếu không đi chúc Tết sếp thì ăn Tết không ngon, rồi lo sợ bị trù úm.
Để ngăn chặn tình trạng “đi chúc Tết sếp”, theo ông cần có những giải pháp gì?
Để giải quyết ngay tình trạng này thì rất khó, không thể làm một sớm một chiều được vì đây là mối quan hệ giữa con người với con người, quan hệ tình cảm, truyền thống đã bị biến tướng, không gặp được ở cơ quan thì họ chờ đợi, chầu chực ở nhà riêng. Nhiều cơ quan để lấy tiền đi chúc Tết sếp hay lãnh đạo đã hợp thức hóa các khoản chi, còn người chạy xin việc cho con thì phải bỏ tiền túi của mình ra đi chúc Tết tạo mối quan hệ theo kiểu “bỏ con săn sắt, bắt con cá rô”.
Theo tôi, để hạn chế tình trạng này, ngoài việc tuyên truyền các văn bản, chỉ thị của nhà nước trên các phương tiện thông tin đại chúng thì trước tiên phải bắt được bệnh “chúc Tết sếp”, khi bắt được bệnh rồi mới có thuốc đặc trị để chữa.
Bên cạnh đó, phải bỏ được cơ chế xin – cho, nếu còn cơ chế xin - cho thì tình trạng “đi chúc Tết sếp” còn diễn ra. Nói rõ hơn là, có cơ chế xin- cho thì tôi mới đến với anh, còn không có thì nếu có đến chỉ là biểu lộ tình cảm và sẽ không còn phong bì để đi chúc Tết sếp nữa.
Cũng cần phải có quy định công khai minh bạch các khoản chi tiêu ở cơ quan, đơn vị, tổ chức để hạn chế tình trạng biếu và nhận phong bì.
Ngoài ra cũng cần phát động toàn dân tham gia để bài trừ tình trạng đi chúc Tết sếp, lãnh đạo bằng phong bì với mục đích không trong sáng, trục lợi.
Khi còn đương chức, ông được anh em nhân viên đến “chúc Tết” những gì?
Ngay bản thân tôi khi còn đang đương chức, mỗi khi Tết đến anh em cấp dưới đến chúc Tết bằng tình cảm là chính, quà biếu chỉ đơn giản là gói bánh, hộp bia, con gà nuôi ở quê. Chứ không như bây giờ ở những cơ quan quyền lực có cơ chế xin – cho thì mỗi khi Tết đến lãnh đạo nhận phong bì số tiền có khi lên đến hàng trăm triệu đồng, thậm chí cả bạc tỷ.
Xin cảm ơn ông!
Theo Infonet