Sướng như “quan”!

Thứ tư, 23/01/2013, 11:16
Trong khi cả xã hội đang quan tâm đến chuyện thưởng Tết thì có một bộ phận không nhỏ cán bộ được gọi là “sếp” tại nhiều cơ quan công quyền của Đảng và Nhà nước lại tỏ ra thờ ơ với vấn đề rất “thời sự” này!

Những ngày này, mở các trang báo mạng, các diễn đàn… đâu đâu cũng có chuyện này, chuyện kia về thưởng Tết với đầy đủ cung bậc cảm xúc vui buồn! Người ta trầm trồ, ao ước trước số tiền thưởng Tết lên tới cả trăm triệu đồng của một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở TP.HCM nhưng rồi cũng chạnh lòng, xót xa vì món tiền thưởng chỉ mua được cân thịt bò, chai dầu ăn của giáo viên, công nhân…

Và có thể trong cách nghĩ của nhiều người, đặc biệt là những cán bộ, công nhân viên hiện đang làm trong các công ty, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hay đang làm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng… thưởng Tết đơn giản chỉ là khoản tiền thu nhập thêm và tất nhiên có thì Tết này sẽ vui hơn, còn không thì cũng chẳng phải điều gì đó quá nghiêm trọng.

Tuy nhiên, với công nhân, người lao động tại nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, có thưởng Tết hay không là đồng nghĩa với “độ” đầy đủ trong dịp Tết.

sướng như lãnh đạo nhà nước
 Kinh tế khó khăn nhưng nhiều DN vẫn dùng nhà và đất làm quà Tết (ảnh minh họa).

Người ta cũng nói nhiều đến cái gọi là quy luật phân phối trong xã hội để áp đặt cho những khoản tiền thưởng Tết mà mỗi cá nhân trong xã hội được nhận. Nhưng thẳng thắn nhìn nhận thì xem ra, cái quy luật đấy cũng thật lắm điều bất công! Mặc dù vẫn biết “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh” và để làm đẹp lòng tất cả mọi người trong xã hội là điều không thể nhưng xem ra, thưởng Tết vẫn là điều rất đáng bàn, đáng nói.

“Soi kỹ” gần 8.000 kết quả thu được trên trang tìm kiếm google với từ khóa “nỗi buồn thưởng Tết”, chúng tôi nhận thấy có tới 90% “nỗi buồn” thuộc về công nhân, nhân viên hành chính sự nghiệp, giáo viên, một số ít từ các doanh nghiệp bất động sản và mặc nhiên, chẳng thấy có nỗi buồn nào được chia sẻ từ cán bộ, công chức, đặc biệt là các quan chức trong bộ máy công quyền cả.

Và như vậy, dư luận xã hội có quyền đặt câu hỏi vì sao và liệu có phải thu nhập của những người này đã cao rồi nên họ không cần phải lo chuyện “cơm, áo, gạo, tiền” dịp Tết hay không?

Trả lời cho câu hỏi này xem ra không khó khi các chuyên gia kinh tế đã nhiều lần lên tiếng khẳng định, trong bối cảnh giá cả nhiều mặt hàng sinh hoạt thiết yếu tăng cao như hiện nay thì mức thu nhập 9 triệu đồng/tháng may ra mới đủ sống. Thử hỏi thu nhập của cán bộ, công chức ở ta có bao nhiêu người đạt được mức chuẩn 9 triệu đồng/tháng. Do đó, nói thu nhập của họ cao nên có hay không chuyện thưởng Tết là không đúng?

Trong một cuộc trả lời báo chí gần đây, TS Trịnh Hòa Bình (Viện Xã hội học Việt Nam) đã thẳng thắn chỉ ra rằng: Xã hội đang có những cuộc “chạy đua” quà biếu. Người ta cứ muốn quà của mình, công ty mình phải đặc biệt hơn, sang trọng hơn, độc đáo hơn người khác và dù kinh tế có khó khăn thì việc biếu xén quà Tết vẫn được coi trọng.

Từ đó, TS Trịnh Hòa Bình nhấn mạnh: Chúng ta biếu quà không vì tình cảm mà vì lợi ích cá nhân. Ngay cả ở Mỹ cũng quy định chặt chẽ về giá trị quà biếu được nhận, nhưng chúng ta thì sao? Khi quà biếu đã lên tới tiền tỉ thì nó không còn ý nghĩa là một món quà đơn thuần. Việc này không chỉ dừng lại ở phê bình nhắc nhở mà phải làm cuộc vận động xã hội tìm ý nghĩa tốt đẹp của quà biếu.

Thưởng Tết của “quan” hóa ra là đây!

Điều này cũng từng được người bạn của tôi vốn là giám đốc một doanh nghiệp xây dựng ở Hà Nội đề cập khi cho biết: Năm nay, vì tình hình kinh doanh của công ty khó khăn, lợi nhuận thu về cũng chỉ đủ duy trì hoạt động cho bộ máy nên sẽ không có thưởng Tết cho cán bộ, công nhân viên của công ty.

Tuy nhiên, cũng theo người bạn này cho biết thì, mặc dù tình hình tài chính của công ty khó khăn là vậy nhưng cũng không thể vì thế mà không “chu đáo” với mấy “ông anh” (những người có vị trí, có quan hệ, có quyền tại các cơ quan công quyền) được. Làm ăn bây giờ mà không có quan hệ, không có người “đỡ đầu” thì chỉ có chết.

Và cũng chính vì cái lẽ ấy, càng trong khó khăn thì các doanh nghiệp công ty lại càng tỏ ra chu đáo hơn. Họ có thể đau lòng một vì không lo được cho cán bộ, công nhân viên của mình cái tết sung túc, đầy đủ nhưng sẽ đau lòng mười nếu không thể lo được Tết cho “quan”.

Cái lý này có lẽ chính là lời giải đáp cho câu hỏi vì sao cán bộ, công chức của các cơ quan công quyền ít kêu than về thưởng Tết cả. Họ có thể không có món thưởng Tết công khai lên đến cả trăm triệu đồng vì vướng luật pháp nhưng sẽ nhận được những món quà chúc Tết đến cả chục, cả trăm, thậm chí là tỉ đồng!

Làm “quan” ở ta là thế. Chức vụ, quyền hạn luôn đi liền với lợi ích!

Theo Petrotimes

Các tin cũ hơn