Nhiều người có vàng đang có xu hướng mang về nhà cất chứ không nhờ NH giữ hộ vì không có lãi lại còn mất phí.
Không có chỗ gửi vàng
Tích cóp cả năm trời mới được vài chỉ vàng, chị Lan (quận 1, TP.HCM) đến NH nhờ giữ hộ. Chị Lan khảo sát một vòng các NH thì mỗi NH đưa ra mức phí khác nhau, có NH quy định mức phí 10.000 đồng/chỉ/tháng nhưng mức thu tối thiểu là 50.000 đồng. “Như vậy càng gửi ít mức phí càng cao, vừa nghịch lý vừa không khuyến khích khách hàng gửi vàng vào NH” - chị Lan nói.
Bà Phúc (quận Gò Vấp), người vừa đáo hạn sổ tiết kiệm vàng tại một NH, cho biết trước đây gửi vàng được nhận lãi, hằng tháng có đồng ra đồng vào, nay muốn gửi vàng vào NH lại phải trả phí. “Hơn một năm trước NH Nhà nước đã đánh tiếng về đề án huy động vàng trong dân nhưng đến nay vẫn chưa thấy đi vào thực tế. Không lẽ để nguồn vốn vàng nằm chết trong dân?” - bà Phúc nói.
Giao dịch vàng miếng tại Ngân hàng Sacombank, TP.HCM. |
Từ chỗ gửi vàng được lãi, nay lại bị mất phí, nhiều người đã mang vàng về nhà cất dẫn đến số vàng gửi tại NH ngày càng giảm.
Phó tổng giám đốc một NH tại TP.HCM cho biết chỉ một số khách hàng lớn tuổi, đáo hạn sổ tiết kiệm vàng mới nhờ NH giữ hộ. Còn những người đến NH giao dịch vàng sau này có xu hướng mang về nhà cất để thuận tiện mua bán.
Giá vàng cao hơnthế giới 3,5 triệu đồng/lượng Cuối ngày 21/1, giá vàng miếng SJC bán ra ở mức 45,9 triệu đồng/lượng, tăng 200.000 đồng/lượng so với cuối tuần trước dù giá vàng thế giới đang có xu hướng giảm. So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng trong nước đã cao hơn xấp xỉ 3,5 triệu đồng/lượng. 300-500 tấn vàng Tháng 1/2012, Thống đốc NH Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết đề án huy động vàng đang được chuẩn bị để trình Chính phủ. Theo đó, việc huy động vàng sẽ thông qua các tổ chức tín dụng, hay nói cách khác các NH sẽ làm đại lý cho NH Nhà nước trong việc huy động vàng. Với hình thức này, Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào thị trường mà thông qua trung gian là các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên đến nay đề án này vẫn chưa đi vào cuộc sống. Cũng theo ước tính của NH Nhà nước, dựa trên số liệu vàng xuất nhập chính ngạch trong nhiều năm qua, số vàng trong dân vào khoảng 300-500 tấn, tương đương 30 tỉ USD. |
NH cũng không có chính sách nào để thu hút nguồn vốn này vì còn chờ động thái của NH Nhà nước. Hơn nữa, thu hút để làm gì vì nguồn vốn vàng của khách hàng NH hoàn toàn không sử dụng được vì cho vay đã bị cấm, chuyển thành tiền để cho vay cũng không được phép.
Ghi nhận của PV cho thấy có NH còn không huy động vốn vàng như Techcombank. Nhân viên một phòng giao dịch Techcombank trên đường Phan Đình Phùng, Phú Nhuận cho biết nơi này chỉ mua bán chứ không nhận giữ hộ vàng.
Nhiều NH nhận giữ hộ vàng nhưng mức phí gửi lại khá cao, được tính theo tỉ lệ phần trăm số vàng khách hàng gửi tại NH quy ra VND. Như tại ACB, mức phí trong hai tháng đầu là 0,1% trên giá trị số vàng khách hàng nhờ giữ hộ, từ tháng thứ ba mức phí giảm còn 0,05%. Tại Sacombank, mức phí giữ hộ tối thiểu là 50.000 đồng.
Các NH cũng thận trọng khi nhận giữ hộ vàng. Có NH còn chia ra hai hình thức nhận giữ hộ: Có niêm phong và không có niêm phong. Trường hợp nhờ NH giữ hộ theo hình thức có niêm phong, khách hàng sẽ nhận lại đúng miếng vàng mà mình đã gửi tại NH. Trường hợp gửi không niêm phong, người gửi có thể rút tại bất kỳ chi nhánh nào của NH trên toàn quốc.
Lãng phí vốn vàng
Ông Trần Thanh Hải - tổng giám đốc Công ty Đầu tư và kinh doanh vàng VN (VGB) - cho rằng nguồn vốn vàng trong dân rất lớn. Trong khi đó, một mặt thừa nhận nguồn lực vàng cực lớn trong dân nhưng mặt khác NH Nhà nước lại đưa ra các quy định như cấm NH huy động, cho vay vàng, từ chỗ gửi vàng có lãi, giờ muốn gửi vàng phải trả phí cho NH... Tất cả quy định trên khiến người dân ngán ngại và mục tiêu huy động nguồn lực vàng trong dân để biến thành nguồn lực phục vụ nền kinh tế trở thành bất khả thi.
Chuyên gia Ngô Trí Long cho rằng đề án chống vàng hóa mà không huy động được nguồn vốn vàng trong dân là chưa triệt để vì nhìn về một khía cạnh nào đó, tích trữ vàng cũng chính là hiện tượng vàng hóa.
Cũng theo ông Long, NH Nhà nước khó lập luận rằng nhiều quốc gia trên thế giới không huy động vàng để cấm các NH huy động vàng của dân, vì đặc thù ở VN chưa hình thành thị trường vàng phái sinh, do vậy người dân chủ yếu đầu tư vào vàng miếng.
Theo ông Nguyễn Tuấn Quỳnh - thành viên HĐQT Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận, cách huy động vốn vàng trong dân hiệu quả nhất chính là một môi trường kinh tế vĩ mô ổn định cùng với những chính sách khuyến khích người dân bỏ vốn để sản xuất kinh doanh, đầu tư vào cổ phiếu hoặc gửi vàng vào NH.
Ngoài ra, NH Nhà nước nên xem xét việc sử dụng chứng chỉ vàng để huy động vàng trong dân. Chứng chỉ vàng có ưu điểm là an toàn, tiện lợi, không sợ vàng giả, vàng thiếu tuổi...
Người dân chỉ cần mang vàng đến NH đổi lấy chứng chỉ vàng hoặc muốn đầu tư vào vàng thì mua chứng chỉ vàng theo giá thị trường; khi muốn bán cũng sẽ đến NH bán lại chứng chỉ vàng để lấy tiền.
Để chứng chỉ vàng thành công, cần phải làm tốt nhiều biện pháp như tạo điều kiện để chứng chỉ vàng mua bán, giao dịch dễ dàng tại các NH; chứng chỉ vàng khi gửi NH sẽ có lãi, còn vàng vật chất thì không được gửi NH hoặc được gửi với lãi suất âm...
Theo Tuổi Trẻ