Không tiền, Tết đến làm chi?

Thứ tư, 23/01/2013, 14:58
Các công nhân bảo, có tiền là có Tết, dù đây chỉ là một câu nói vui, song ngẫm lại, nếu không có tiền thì Tết có đến cũng chẳng biết làm gì…

Kinh tế khó khăn, doanh nghiệp chia ra 3 vùng tối, xám và sáng. Tết sắp đến, công nhân đón Xuân trong tâm trạng mỗi nơi một kiểu, tùy theo doanh nghiệp mà mình đang làm lọt vào vùng nào.

Buồn rầu “vùng tối”

Một buổi sáng như mọi ngày, công nhân may Nguyễn Văn Hùng choàng dậy nhìn đồng hồ chuẩn bị đi làm. Bất chợt anh nhớ ra là đã 3 tháng qua, anh đâu còn là công nhân may, bởi doanh nghiệp nơi anh làm ở quận 12 (TP.HCM) đã đóng cửa. Tuy nhiên, cái thói quen choàng dậy nhìn đồng hồ, vớ áo đi làm từ nhiều năm qua thật khó bỏ.

Anh Hùng nhìn lên mái nhà trọ, lại thở dài tự lẩm bẩm: “Thôi dậy đi sớm một chút sẽ bán được nhiều hơn!”. Chiếc áo công nhân được anh gấp lại cẩn thận, anh mặc áo thun bên trong, khoác chiếc áo sơ mi dài tay sờn rách bên ngoài, vớ cuốn sổ dò xổ số kiến thiết, lấy vé số ra đếm rồi định hình những con đường nào mình sẽ đi qua.

mưu sinh
 Không ít công nhân đang bươn chải mưu sinh nơi đường phố khi Tết đang đến gần.

Thì ra từ khi doanh nghiệp anh đóng cửa, khó xin việc làm, anh Hùng quyết định đi bán vé số để mưu sinh tạm thời. Miếng đất bé tẹo của anh ở Trà Vinh không có giá trị gì nhiều và cũng không buôn bán gì được nên anh Hùng không thể về quê, đành bám Sài Gòn, chờ qua Tết rồi tính tiếp.

Thống kê từ Sở KH-ĐT TPHCM cho thấy, chỉ trong tháng 10/2012, tức 4 tháng trước Tết, đã có 1.902 doanh nghiệp đệ đơn xin ngưng kinh doanh.

Còn tính trong 10 tháng của năm 2012, có 3.232 doanh nghiệp đã khóa mã số thuế, 4.984 doanh nghiệp chờ thủ tục khóa mã số thuế, 5.021 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động.

Mọi năm, giờ này anh Hùng đang đầu tắt mặt tối tăng ca, lương cuối năm và thưởng Tết cũng giúp anh có chuyến về quê với ít quà cho vợ và hai con. Năm nay, anh mím môi trụ lại Sài Gòn dẫu biết vợ con sẽ buồn lắm, bản thân anh cũng đâu có vui gì.

Năm 2012 thật không may với anh Hùng, nơi anh làm hơn 5 năm qua đã đóng cửa vì phá sản, hàng trăm công nhân có hoàn cảnh giống anh Hùng đã túa đi các nơi để lo cho cuộc sống, người làm phụ hồ, người bán vé số...

Nhắc đến cái Tết Nguyên đán 2013, anh Hùng chỉ buồn rầu: “Lắt lay qua ngày đã mệt, còn tâm trạng đâu mà lo nghĩ đến Tết. Bán vé số có bữa được bữa không, tôi cố dành dụm mua cho con hai chiếc áo mới mà coi bộ chưa đủ, chắc dè sẻn hơn 10 ngày nữa là được, còn quà Tết cho vợ, thôi đành để năm sau vậy”.

Thấp thỏm “vùng xám”

Hơn một tháng qua, chị Nguyễn Thị Năm đang trọ làm tại quận Gò Vấp (TP.HCM) chưa nhận được lương. Chị Năm đang lo bếp núc cho gần 30 công nhân may tại một xưởng may tư nhân. Cùng nhiều công nhân tại đây nhận thấy dấu hiệu đi xuống của xưởng nhiều tháng qua, nhưng năm hết, Tết đến nên chị Năm chẳng thể thay đổi chỗ làm, đành bám víu nơi cũ với hy vọng ông chủ xưởng vượt qua khó khăn, ít nhất cũng cho chị em được chút tiền tiêu Tết. Có điều, chuyện nợ lương đang khiến hy vọng của chị Năm vơi dần.

“Làm thì cứ làm mà chả biết xưởng đóng cửa lúc nào nữa. Cách đây hai tháng thấy nhiều công nhân nơi khác mất việc, mình nghĩ thầm vậy là ta còn may, ai dè cận Tết mình cũng lâm cảnh này luôn. Mình với công nhân ở đây đang chờ Tết đến trong lo âu thấp thỏm nè, chẳng biết có còn mùa xuân không nữa?”, người phụ nữ quê Cà Mau chia sẻ.

“Vùng xám”, tức các đơn vị sản xuất, kinh doanh đang mất phương hướng, không biết có trụ lại được hay không. Xưởng may nơi chị Năm làm việc thuộc vào vùng này. Những đơn vị tương tự như nơi chị Năm làm không phải ít ở TP.HCM. Người lao động tại những đơn vị này, vốn đã quen sống trong tâm trạng đón chờ đóng cửa - giải thể - phá sản, nhưng khi Tết đến vẫn không khỏi chạnh lòng.

“Đi làm cả năm mà không có tiền về quê ăn Tết là buồn lắm à. May mà chồng tôi đang làm công nhân cơ khí, có thu nhập ổn định, thưởng Tết đã công bố rõ ràng, chứ không thì không biết thế nào! Chỉ tội cho những người cả vợ lẫn chồng đều “dính chưởng” công việc bấp bênh, ngày Tết sẽ thảm hơn cả ngày thường”, chị Năm nói.

Những ngày qua, dạo quanh các khu vực công nhân lưu trú tại một số quận ven đô như Thủ Đức, Gò Vấp, quận 12, huyện Hóc Môn...nhiều nơi không khí Tết khá im ắng, bởi một lượng không nhỏ công nhân đã về quê vì mất việc. Những người ở lại, không ít người lâm vào tình trạng của anh Hùng nêu trên.

Các công nhân bảo, có tiền là có Tết, dù đây chỉ là một câu nói vui, song ngẫm lại, nếu không có tiền thì Tết có đến cũng chẳng biết làm gì…

Theo Gia Đình

Các tin cũ hơn