Trao đổi với PV, Trung tá Lương Vĩnh Chinh, Đồn phó đồn Biên phòng Hoằng Trường (Thanh Hóa) cho biết, gần một ngày sau khi được ngư dân lai dắt về cửa biển Lạch Trường, tàu Hai Dong 27 đã có chủ đến tiếp nhận.
Ngay chiều 27/1, ông Phạm Viết Thuật, Phó giám đốc công ty TNHH Hải Đông (trụ sở đóng tại phường Đông Khê, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng) đã tìm đến đồn biên phòng. Sau khi thị sát, ông này xác nhận, đây chính là con tàu do đơn vị đóng mới và quản lý nhiều năm nay nhưng hiện tại đang được một doanh nghiệp vận tải thuê lại.
Tàu Hai Dong 27 tại cửa biển Lạch Trường, Thanh Hóa. |
Cũng trong ngày 28/1, đại diện Công ty Hải Đông, lực lượng Biên phòng tỉnh Thanh Hóa và các bên bảo hiểm đã đến kiểm tra, đánh giá mức độ thiệt hại đồng thời lên kế hoạch “giải cứu” con tàu. Tuy nhiên hiện nay, phía đơn vị sở hữu con tàu cho biết, công ty đang “lâm vào hoàn cảnh bi đát, sắp phá sản”, rất khó khăn về tài chính nên họ không mấy “mặn mà” với việc tiếp nhận con tàu dù giá trị tài sản trên tàu là rất lớn.
Ông Phạm Viết Thuật, Phó giám đốc công ty TNHH Hải Đông cho biết, tàu Hai Dong 27 chính là con tàu vận tải biển cuối cùng của công ty Hải Đông còn hoạt động. Tàu có thiết kế chiều dài hơn 79 mét, công suất 1.500 mã lực, trọng tải trên 3.000 tấn… được hạ thủy vào cuối năm 2008. “Trị giá con tàu lúc hạ thủy là gần 38 tỷ đồng. Sau 4 năm hoạt động, trừ khấu hao, tàu vẫn có giá trên 20 tỷ đồng”, ông Thuật cho hay.
“Con tàu này chúng tôi đang cho một công ty vận tải tại TP.HCM thuê với thời hạn 6 tháng, kể từ 22/8/2012, với mức giá 300 triệu đồng mỗi tháng”, ông Thuật nói và cho biết, theo báo cáo từ đơn vị nhận thuê, vào ngày 27/12/2012, tàu Hai Dong 27 đang trên đường chở 2.200 tấn khô dầu cọ từ Indonesia về đến Việt Nam. Trên đường về, tàu bị hỏng máy nên phải vào cảng Vũng Tàu sửa chữa. Đến ngày 15/1 tàu rời Vũng Tàu đi Hải Phòng.
Tuy nhiên, đến đêm ngày 20/1, tàu Hai Dong 27 tiếp tục bị thủng đáy khiến nước tràn vào khoang máy. Toàn bộ 13 thủy thủ đoàn trên tàu Hai Dong 27, bao gồm Thuyền trưởng Bùi Duy Trực (54 tuổi, quê Nghệ An), sau khi phát tín hiệu cầu cứu đã được tàu Phú Sơn 26 cứu hộ đưa về Hải Phòng an toàn.
Tuy nhiên, theo ông Thuật, kể từ khi tàu xảy ra sự cố chìm trên vùng biển Quảng Bình, đơn vị đang thuê tàu không hề có động thái cứu hộ con tàu và lô hàng khô cọ dầu mà họ đang vận chuyển.
“Từ khi tàu lâm nạn, chúng tôi đã nhiều lần liên hệ và gửi công văn đến yêu cầu họ phối hợp cứu con tàu nhưng họ không hồi âm”, ông Thuật bức xúc và cho biết vài ngày tới sẽ trực tiếp làm việc với đại diện những chủ tàu cá đã lai dắt tàu Hai Dong 27 về Lạch Trường để thương lượng mức giá chuộc và hỗ trợ kinh phí xăng dầu, công sức cho cả trăm thuyền viên trên hơn 15 chiếc thuyền trực tiếp lai dắt.
“Có thể mức giá phải trả cho ngư dân phải lên đến cả tỷ đồng. Ngoài ra, chúng tôi còn phải tính phương án lai dắt con tàu về Hải Phòng vì ở đây không có nhà máy sửa chữa. Tuy nhiên, hiện này công ty đang sắp phá sản nên kinh phí để thực hiện các công việc này là rất khó khăn”, ông Thuật phân trần.
Con tàu đang được ngư dân và bộ đội biên phòng canh giữ. |
Trong hai ngày qua, đại diện nhiều doanh nghiệp bảo hiểm như bảo hiểm Bảo Việt (đơn vị nhận bảo hiểm hàng hóa), Bảo hiểm Bảo Minh (đơn vị nhận bảo hiểm dân sự, thân vỏ tàu)… đã cử đại diện đến vị trí con tàu gặp nạn đang được neo đậu để kiểm tra, thống kê mức độ thiệt hại đồng thời lên phương án đền bù hợp đồng bảo hiểm cho doanh nghiệp chủ quản.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Văn Chiến, Giám định viên Công ty cổ phần Giám định Phương Bắc (đơn vị được Bảo hiểm Bảo Minh đề nghị giám định vụ tai nạn tàu Hai Dong 27) cho biết, hiện mới chỉ thống kê, kiểm tra sơ bộ để làm căn cứ, chứ chưa thể đền bù ngay vì còn phải truy tìm nguyên nhân chính xác khiến con tàu gặp nạn.
“Tạm thời chưa thể kết luận tàu gặp nạn là do yếu tố tự nhiên hay tác động của con người. Vì hiện nay con tàu bị ngập nước nên việc xác định nguyên nhân là rất khó. Để có thông tin chính xác, con tàu cần phải được trục vớt lên bờ để kiểm tra”, ông Chiến nhận định.
Đến sáng nay 29/1, tàu Hai Dong 27 vẫn đang được neo đậu tại khu vực Hòn Sụp, cách bờ biển xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa khoảng 5 km.
Trên con tàu là cảnh đổ nát nghiêm trọng. Hồ sơ, tài liệu liên quan đến con tàu và hàng hóa bay ngổn ngang khắp các khoang và trên boong. Bên trong phòng ngủ thủy thủ đoàn, phòng bếp, phòng giải trí, nhà ăn, nhiều chiếc tủ, bàn ghế bị lục tung, phá hỏng. Rất nhiều tài sản có giá trị đã bị “thu dọn”. Phía khoang lái và buồng máy, nước ngập ngang thân tàu, cao cả vài mét. Những chiếc gối, chăn màn cùng nhiều đồ đạc trôi nổi khắp mặt sàn…
Hiện lực lượng biên phòng đồn Hoằng Trường đang phối hợp với công ty Hải Đông bảo vệ, đồng thời yêu cầu phía thuê tàu đến để làm các thủ tục pháp lý liên quan.
Mặt khác, những ngư dân địa phương trực tiếp lai dắt con tàu không người lái vượt hơn 140 hải lý từ Quảng Bình (nơi con tàu gặp nạn) về Thanh Hóa khi thấy chủ tàu xuất hiện cũng cử hàng chục người ra túc trực canh gác trên con tàu này. Mục đích của họ là đòi tiền chuộc và hỗ trợ đền bù…
Chiều 25/1, khi đang đánh cá ở tọa độ 18,07 độ vĩ Bắc, 107,07 độ kinh đông, thuộc vùng biển tỉnh Quảng Bình, nhiều ngư dân phát hiện một chiếc tàu vận tải cỡ lớn đang trôi dạt trên biển, nước ngập ngang thân tàu. Sau khi phát hiện con tàu có dấu hiệu bất thường, ngư dân đã lên tiếng gọi nhưng không có người lên tiếng. Thuyền trưởng cho tàu áp sát rồi cử một số ngư dân leo lên boong tàu kiểm tra nhưng không có người ở trong. Nhiều đồ nghề, cùng sổ sách bay lộn xộn khắp trên sàn và boong tàu. Ngay sau đó, các ngư dân đã bàn nhau huy động hơn chục chiếc tàu đang đánh cá ở khu vực gần đó tổ chức lai dắt chiếc tàu hoang về quê ở xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa. |
Theo VnExpress