Hồi cuối tháng 4, MPC đã quyết định dời ngày họp Đại hội cổ đông sang giữa tháng 5/2013 đồng thời dự định sẽ hủy niêm yết. Hiện nay, Công ty vẫn chưa đưa ra lời giải thích nào cho kế hoạch này.
Trong kế hoạch Đại hội cổ đông sắp tới, MPC muốn phát hành 30 triệu cổ phiếu cho cổ đông chiến lược nhằm tăng vốn từ 700 tỉ đồng lên 1.000 tỉ đồng. Quyết định hủy niêm yết có lẽ bắt nguồn từ yêu cầu của cổ đông chiến lược mới này.
Theo Giám đốc Khối Tư vấn Doanh nghiệp một công ty chứng khoán tại TP.HCM (không muốn nêu tên), khả năng rất lớn đây là đối tác chiến lược nước ngoài. Bởi lẽ, các doanh nghiệp cùng ngành trong nước đều đang gặp khó khăn như nhau.
Theo vị này, việc doanh nghiệp muốn hủy niêm yết vì thị trường định giá cổ phiếu doanh nghiệp không đúng với giá trị thật không phải là ít. Ngoài ra, huy động vốn từ việc niêm yết cũng không được như mong đợi.
Đối với MPC, hẳn mức giá gần 30.000 đồng/cổ phiếu hiện tại chưa được như kỳ vọng của Công ty. Cũng vì vậy đợt phát hành vừa rồi đã không thành công. Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch MPC, cho biết các nhà đầu tư tiếp xúc với MPC đều cho rằng Công ty đáng giá gấp đôi hiện giờ. Việc đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu quỹ mới đây cũng nằm trong mong đợi tăng giá cổ phiếu của Công ty.
Vụ việc này làm nhớ lại trường hợp của Công ty Thủy sản Gò Đàng (AGD) trước đây. Ngay sau khi Panga Holdco, một công ty thủy sản Malaysia, mua hơn 23% cổ phần, AGD đã có ý hủy niêm yết. Đến nay, công ty này đã nắm gần 49% cổ phần AGD. Lãnh đạo AGD lúc đó cũng cho rằng việc huy động vốn từ niêm yết không hiệu quả.
Tuy nhiên, theo nhận xét của vị Giám đốc trên, với tiềm lực tài chính sẵn có, đối tác nước ngoài sẵn sàng hỗ trợ AGD phát triển mà không cần phải niêm yết. Và điều này cũng có thể đúng với MPC.
Cơ cấu tài sản của Minh Phú đến cuối 2012. Nguồn: Báo cáo tài chính của Minh Phú |
Nhưng nếu phải hủy niêm yết để làm vui lòng đối tác chiến lược, rõ ràng tầm ảnh hưởng của đối tác này phải khá lớn. Liệu với tỉ lệ 30% (sau khi phát hành), đối tác chiến lược có đủ sức tác động như vậy hay là một tỉ lệ lớn hơn? Bởi lẽ, nếu nhìn vào các kế hoạch sắp được đem ra bàn thảo tại Đại hội cổ đông, có thể thấy ban lãnh đạo MPC đã có sự chuẩn bị khá chu đáo.
Ngoài việc đẩy mạnh sản xuất, kế hoạch sắp tới còn có tăng vốn cho công ty con Minh Phú Hậu Giang từ 600 tỉ đồng lên 1.000 tỉ đồng bằng cách tăng thêm thành viên mới. Công ty còn có tham vọng mở thêm công ty phân phối ở châu Âu, Nga, Trung Quốc… để tăng xuất khẩu và phân phối tôm trên toàn cầu. Thành viên mới này là ai? Và trong khi Công ty đang gặp khó với con tôm thì kế hoạch mở rộng ra toàn cầu kia có khả thi không nếu không có tác động sâu hơn của đối tác chiến lược?
Chính vì những điều này mà khả năng MPC bán cổ phần cho đối tác chiến lược ở mức chi phối đã được đặt ra. “Việc hủy niêm yết để tránh quy định nhà đầu tư nước ngoài chỉ được sở hữu 49% ở công ty niêm yết là một giả thuyết hợp lý trong trường hợp này”, vị Giám đốc trên nói thêm.
Trên thực tế, cổ đông lớn của MPC là ông Quang hoàn toàn có thể quyết định điều này vì hiện nay, ông Quang và người thân nắm hơn 62% cổ phần ở MPC.
Trước mắt, bán chi phối hay không thì nhà đầu tư vẫn chờ công bố chính thức của MPC. Tuy nhiên, ở góc độ cổ đông, việc hủy niêm yết của MPC khiến không ít cổ đông nhỏ lo lắng. Bởi khi hủy niêm yết rồi, họ sẽ khó nắm bắt được đầy đủ thông tin công ty thường xuyên.
Về vấn đề này, ông Hoàng Thạch Lân, người từng công tác tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM, cho rằng đã là công ty đại chúng thì tốt nhất nên niêm yết. Ít thấy công ty nào hủy niêm yết mà vẫn công bố thông tin thường xuyên. “Điều này không công bằng với cổ đông nhỏ. Vì họ không được giám sát việc sử dụng khoản tiền họ đã đầu tư vào công ty”, ông nói.
Theo NCĐT