Global Witness (GW) là tổ chức phi chính phủ hoạt động với mục tiêu công bố là vì môi trường. Thành lập năm 1993, đến nay, GW đã có hơn 60 nhân viên đang làm việc tại hai văn phòng ở London (Anh) và Washington (Mỹ). Theo thông tin trên website, GW chuyên điều tra và tổ chức các chiến dịch ngăn chặn xung đột, tham nhũng liên quan đến tài nguyên thiên nhiên, môi trường hoặc lạm dụng nhân quyền.
Tỷ phú George Soros trong một buổi gây quỹ cho Global Witness. Ảnh: NYT |
Báo cáo thường niên của GW cho biết năm 2011, tổ chức này nhận được gần 5 triệu bảng Anh từ các nhà tài trợ. Trong đó, 61% đến từ các quỹ và 37% từ các cơ quan chính phủ. Đây cũng là nguồn thu chính của GW. Đóng góp lớn nhất là quỹ Open Society Foundation do tỷ phú đầu tư Mỹ - George Soros sáng lập. Alexander Soros - con trai thứ tư của ông cũng là thành viên Hội đồng tư vấn tại đây từ năm 2011.
Ngoài ra, Bộ Phát triển quốc tế Anh, Bộ Ngoại giao Hà Lan hay Bộ Ngoại giao Na Uy cũng là những nhà tài trợ thường xuyên cho GW.
George Soros sinh năm 1930 và là nhà đầu cơ nổi tiếng người Mỹ gốc Hungary. Ông trở nên giàu có sau thương vụ bán khống đồng bảng Anh năm 1992 và kiếm được hơn 1 tỷ USD chỉ trong một ngày. George Soros được đặt biệt danh “kền kền” do chuyên kiếm lời từ các doanh nghiệp, thậm chí là các nền kinh tế, đang lao đao. Theo Forbes, ông hiện sở hữu 19,2 tỷ USD và là người giàu thứ 30 thế giới.
Theo Guardian, năm 2009, Anthea Lawson, điều tra viên của GW từng ra điều trần trước Ủy ban Dịch vụ tài chính Hạ viện Mỹ về vấn đề “Vai trò của các tổ chức tài chính phương Tây với vấn đề thất thoát vốn và tham nhũng”. Trước đó, Lawson đã kết tội các ngân hàng Anh che giấu nạn tham nhũng.
Tỷ phú George Soros |
Chiến dịch đầu tiên của tổ chức này là ngăn chặn nạn thành công nạn buôn gỗ trái phép từ Campuchia sang Thái Lan, vốn để gây quỹ cho chính quyền Khơ me đỏ. Tuy vậy, hoạt động nổi tiếng nhất của GW lại là công khai vấn đề “kim cương máu” tại Angola, Sierra Leone, Liberia, Congo và Bờ Biển Ngà ra quốc tế và thu hút sự quan tâm của nhiều nhà hoạch định chính sách. “Kim cương máu” là khái niệm chỉ hoạt động buôn lậu kim cương tại một số nước châu Phi để lấy kinh phí cho các cuộc nội chiến.
Chiến dịch dẫn đến sự thành lập dự án Kimberley Process Certification Scheme năm 2003, chuyên ngăn chặn "kim cương máu" tuồn vào thị trường. Vì đóng góp này, GW cùng Partnership Africa Canada năm đó còn được Quốc hội Mỹ đề cử nhận giải Nobel Hòa bình. Ba năm sau, các công trình nghiên cứu và chiến dịch của họ cũng trở thành cảm hứng cho bộ phim bom tấn Hollywood - "Kim cương máu" (Blood Diamond).
GW cũng tiến hành rất nhiều chiến dịch chống lại nạn tham nhũng liên quan đến tài nguyên thiên nhiên tại những nước như Myanmar, Indonesia, Liberia, Sudan, Zimbabwe, Guine xích đạo, Turkmenistan và Ukraine. Ban đầu, tổ chức chỉ tập trung vào tài nguyên thiên nhiên, nhưng về sau, hõ đã mở rộng điều tra các chính sách gây tham nhũng và không minh bạch.
Các hoạt động của GW đã có ảnh hưởng đáng kể đến nhiều quốc gia trên thế giới. Năm 1996, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) rút khỏi Campuchia sau khi nạn tham nhũng tại ngành gỗ ở đây bị phanh phui. Liberia bị Hội đồng bảo An Liên hợp quốc áp lệnh trừng phạt về gỗ năm 2003 và ông trùm buôn gỗ Hà Lan Gus Kouwenhoven cũng bị bắt giữ năm 2005.
Theo VnExpress