Chị Lam ở quận 6, TP.HCM sinh con đầu lòng được một năm. Ông xã là công chức, thu nhập hàng tháng chưa tới chục triệu đồng, chị lại ở nhà nội trợ và chăm con nên không dư giả nhiều. Mỗi tháng, chị cố gắng chắt chiu để dành ra vài triệu mua 5 phân vàng và không nghĩ đến nó nữa, kiểu như tiết kiệm bằng heo đất. Mỗi năm tiết kiệm cho con 6 chỉ vàng. Chị nhẩm tính, 18 năm sau vợ chồng chị sẽ có gần 11 cây vàng cho con ăn học.
"Tiết kiệm lâu như vậy nếu để bằng tiền sẽ mất giá, còn bằng vàng tôi cảm thấy yên tâm hơn", chị Lam chia sẻ.
Các bà nội trợ thường có xu hướng mua vàng cất trữ. |
Không chỉ riêng chị Lam, phần đông khách mua một vài lượng, thậm chí vài chỉ, vài phân thời gian qua, bất chấp giá vàng trong nước cao hơn thế giới. Nhiều người có chút tiền dư dôi là cố đi mua tích trữ. Với những người này, khái niệm chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới không phải mối bận tâm quá lớn. Họ cho rằng, chỉ cần biết giá vàng rẻ hơn so với trước và có chút tiền tiết kiệm thì đi mua để dành.
Bác Tám, một nữ cán bộ về hưu bộc bạch tiền lương hưu "ba cọc ba đồng", trừ các khoản phải chi tiêu ra chỉ còn dư chút ít. Nếu gửi ngân hàng tiền lãi chẳng đáng là bao, vì thế hằng tháng bác lấy số tiền tích cóp được đi mua vàng, nhiều thì một chỉ, ít là 5 phân. "Với số vàng này, phòng khi ốm đau sẽ mang ra dùng", bác tâm sự.
Tâm lý này giải thích vì sao vào thời điểm giữa tháng Tư vừa qua, khi giá vàng rớt mạnh về 38,7-39,5 triệu đồng, bất chấp giá trong nước lúc đó cao hơn thế giới kỷ lục gần 7 triệu đồng, nhiều người dân vẫn kéo nhau đi mua vàng. Người mua 2 chỉ, 5 chỉ và cao nhất 6-7 lượng khiến các nhân viên của Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) giao dịch không ngớt tay.
Điều dễ dàng nhận thấy, khách mua vào đa phần là bà nội trợ, cán bộ hưu trí và một số ít dân công sở. Lượng mua vào của khách không lớn nhưng cũng đủ khiến không khí sôi động hơn.
Ghi nhận ở các công ty kinh doanh vàng lớn và cả các doanh nghiệp nhỏ, doanh số bán ra luôn cao hơn mua vào với mức độ chênh lệch có khác nhau. Điều này thể hiện rõ qua số lượng vàng lẻ (loại 5 phân, 1 và 2 chỉ) chiếm từ 30% đến hơn 50% lượng vàng bán ra ở các công ty SJC, PNJ, SBJ…
Đại diện PNJ cũng thừa nhận, thời gian gần đây chủ yếu ghi nhận giao dịch của những khách hàng nhỏ lẻ.
Tiến sĩ Quách Thu Nguyệt, Thành viên Hội đồng điều hành của Viện Nghiên cứu phát triển giáo dục (IRED) cho rằng bà nội trợ nông thôn hay thành thị, tâm lý chung của những chị em "giữ tay hòm chìa khóa" ở mỗi gia đình vẫn xem vàng là của để dành, là hàng hóa tiền tệ thuận tiện trong quan hệ giao dịch mua bán, trao đổi khi cần.
Theo bà Nguyệt, những năm 90, các bạn của bà, hàng tháng cố gắng thu vén, chắt chiu từng đồng lương viên chức ít ỏi, dành dụm, cứ có được ít tiền là mua ngay 5 phân hay một chỉ vàng.
Sau này, đời sống khấm khá hơn, tiền tích lũy cũng nhiều hơn, những người ở thành phố có nhiều kênh để đầu tư sinh lãi như gửi tiết tiệm, mua chứng khoán... Tuy nhiên, cất giữ vàng luôn được xem là cách đảm bảo an toàn. Khi vàng trở thành hàng hóa tiền tệ để trao đổi, mua bán những tấm vàng miếng ra đời và dễ cất trữ bảo quản càng trở thành sự lựa chọn tối ưu của nhiều người dư dả.
Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam cũng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, tùy theo mục tiêu của mỗi người mà có xu hướng sử dụng đồng vốn khác nhau. Nhưng theo cá nhân ông, với những người lớn tuổi, hoặc các bà nội trợ... cần có tài sản ổn định, chủ yếu để cất trữ trong nhà thì có thể mua vàng.
"Còn nếu muốn tạo lợi nhuận qua kênh này thì không nên. Bởi diễn biến thị trường vàng rất phức tạp. Do đó, kinh doanh vàng chỉ dành cho những người chuyên nghiệp, còn với người dân, chỉ dựa vào sự may rủi để kiếm lời là rất khó", ông Long cảnh báo.
Theo VnExpress