Lần đầu tiên hợp nhất công ty tài chính với NHTM
Nếu ĐHCĐ PVFC chấp thuận, đây sẽ là trường hợp đầu tiên hợp nhất giữa công ty tài chính với NHTM, mở ra hướng đi mới cho tái cấu trúc các công ty tài chính nói riêng, hệ thống các tổ chức tín dụng nói chung.
Westernbank ủy quyền cho PVFC thực hiện các thủ tục hợp nhất. |
Trong bức tranh tổng thể các công ty tài chính hiện nay, Tổng công ty Tài chính cổ phần Dầu khí Việt Nam (PVFC, mã PVF) là công ty tài chính lớn nhất, với tổng tài sản đạt xấp xỉ 90.000 tỷ đồng, có công ty mẹ là Tập đoàn Dầu khí (sở hữu 78% vốn).
PVFC có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực thu xếp vốn cho các DN, dự án thuộc lĩnh vực năng lượng, dầu khí. Kết quả kinh doanh các năm gần đây của PVFC cho thấy, ở quy mô tài sản lớn, mô hình công ty tài chính hiện không còn phù hợp.
Cụ thể, quy mô lớn, nhưng công cụ để huy động vốn hạn chế với hai nguyên nhân là số lượng phòng giao dịch ít, loại hình huy động vốn không nhiều, sản phẩm không đa dạng…, khiến PVFC gặp khó khăn trong cạnh tranh với các NHTM.
Trong khi đó, hệ thống các DN trong Tập đoàn Dầu khí, vốn là đối tác thân thiết của PVFC, lại sử dụng nhiều dịch vụ ngân hàng. Chuyển đổi mô hình hoạt động sang hình thức NHTM không chỉ để nâng cao năng lực cạnh tranh, mà còn là giải pháp để PVFC tận dụng được tốt hơn những lợi thế về khách hàng hiện có.
Theo PVFC, Tổng công ty chọn Ngân hàng TMCP Phương Tây (Westernbank) để hợp nhất là do ngân hàng này có hệ thống mạng lưới rộng, gồm hội sở, 13 chi nhánh và 67 phòng giao dịch trên toàn quốc; có gần 60.000 khách hàng; có kinh nghiệm bán lẻ.
Trong khi đó, chính Westernbank cũng đang trong giai đoạn tái cấu trúc, cần tìm một đối tác có năng lực tài chính mạnh để giúp Ngân hàng có thể nâng cao năng lực cạnh tranh trong tương lai. Hợp nhất PVFC -Westernbank sẽ mang lại lợi ích cho cả hai bên trong bối cảnh hiện nay.
Cần ít nhất 6 tháng
Trong các cuộc họp ĐHCĐ diễn ra ngày 16/3 và 26/4, Westernbank đã thông qua chủ trương hợp nhất và hợp đồng hợp nhất với PVFC. Các bước tiếp theo của tiến trình hợp nhất cũng được ngân hàng này ủy quyền cho PVFC chủ động thực hiện.
Theo quy định tại Thông tư 04/2010/TT-NHNN, các tổ chức tín dụng hợp nhất phải phối hợp xây dựng đề án hợp nhất, hợp đồng hợp nhất và điều lệ tổ chức tín dụng hợp nhất. Các tài liệu này phải được ĐHCĐ của các tổ chức tín dụng hợp nhất thông qua trước khi các bên gửi hồ sơ xin chấp thuận hợp nhất đến các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
Như vậy, phải chờ đến khi cuộc họp ĐHCĐ của PVFC ngày 18/5 thông qua các nội dung liên quan đến chủ trương, đề án hợp nhất, thì đề án hợp nhất mới chính thức được trình lên cơ quan chức năng. Sau khi được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận về mặt nguyên tắc, hai tổ chức tín dụng sẽ chỉnh sửa bộ hồ sơ hợp nhất (nếu có) và nộp hồ sơ đề nghị chấp thuận hợp nhất chính thức để Thống đốc NHNN phê duyệt.
Theo trình tự, thủ tục như trên thì kể từ ngày Thống đốc NHNN chấp thuận về nguyên tắc hợp nhất đến ngày hai bên hoàn thành cơ bản việc hợp nhất vào khoảng 6 tháng. Điều này có nghĩa là đến cuối năm 2013, ngân hàng mới hình thành từ PVFC và Westernbank mới có thể bắt đầu đi vào hoạt động.
Kỳ vọng hiệu quả kinh doanh
Theo tài liệu trình ĐHCĐ của PVFC và Westernbank, ngân hàng sau hợp nhất sẽ có vốn điều lệ 9.000 tỷ đồng trên vốn chủ sở hữu hơn 10.000 tỷ đồng.
Giai đoạn 3 năm sau hợp nhất, Ngân hàng chủ trương hoàn thiện hệ thống nhằm ổn định và nâng cao năng lực, tăng cường quản trị, kiểm soát nội bộ và tái cơ cấu tài sản, các hoạt động. Đối tượng khách hàng mà Ngân hàng hướng đến trong giai đoạn đầu chủ yếu là các tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực năng lượng, dầu khí, trước khi mở rộng sang các lĩnh vực khác.
Theo tìm hiểu của PV, mặc dù khá thận trọng trong việc xây dựng kế hoạch kinh doanh sau hợp nhất, nhưng với kỳ vọng về khả năng tận dụng nhiều hơn những lợi thế mà hai bên đang có, Ngân hàng mới đặt kế hoạch tăng mức thu nhập trên vốn chủ sở hữu (ROE) trong các năm tới, mục tiêu đạt mức 20% trong năm thứ 4 sau hợp nhất.
Theo ĐTCK