Trước cáo buộc “sỉ nhục” của Global Witness: HAGL “sẵn sàng đối chất từng vấn đề”

Thứ sáu, 17/05/2013, 13:47
Hơn 30 triệu USD cho công tác xã hội sau 5 năm có mặt tại Lào; hàng loạt hoạt động từ thiện tại Campuchia dù chỉ mới đầu tư vào nước này từ năm 2012... Những hoạt động trên của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đều được chính phủ hai nước sở tại ghi nhận và đánh giá rất cao. Thế nên, rất nhiều người đã "ngã ngửa" trước cáo buộc “chiếm đất”, hủy hoại sinh kế của người dân địa phương cũng như môi trường của Tổ chức phi chính phủ Global Witness đối với HAGL và Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) cách đây vài ngày.

Hoàng Anh Gia Lai

Công nhân của Tập đoàn HAGL đang chăm sóc cây cao su tại Attapeu, Lào.

Cuộc cách mạng tại Attapeu

 

Tôi thấy là các doanh nghiệp Việt Nam luôn làm đúng theo thỏa thuận của hai chính phủ. Một số công ty có thể coi là điển hình tốt không chỉ cho các doanh nghiệp Việt Nam đến sau mà còn cho các DN nước ngoài sang đầu tư tại Lào.

 Phó thủ tướng thường trực chính phủ Lào Somsavat Lengsavad

Attapeu là một trong những tỉnh nghèo nhất nước Lào. Thị xã Attapeu hầu hết là những căn nhà mái tôn và càng trở nên nóng nực hơn dưới nắng nôi, bụi bặm.

Ở đây, mỗi năm chỉ canh tác một vụ theo lối “chọc lỗ tra hạt” rồi bỏ hoang hóa nên cuộc sống của người dân vô cùng khốn khó.

Ngay khi mới đầu tư vào đây và nhiều năm sau dù chưa hề có thu hoạch gì, Tập đoàn HAGL đã bắt tay vào xây dựng 2.000 căn nhà cho người nghèo. Nhà có rồi mới thấy thiếu trường học, lại xây trường học. Xây trường học xong thì thiếu bệnh viện. Thế là một bệnh viện 200 giường ra đời sau đó. Rồi kéo 200 km điện về các làng, bản; làm 200 km đường, rồi làm cầu nối làng, nối bản... Cứ cái nọ nối cái kia, chỉ sau vài năm, tổng số tiền HAGL dành cho công tác xã hội tại Lào đã lên tới con số 30 triệu USD.

Rồi nhà máy, trung tâm, khách sạn... của tập đoàn này đầu tư đã tạo công ăn việc làm cho hàng chục ngàn lao động của Lào. Có thể nói, bộ mặt của tỉnh nghèo bậc nhất nước Lào, Attapeu đã thay đổi hẳn từ khi Tập đoàn HAGL đầu tư vào đây.

Điều này được chính Phó thủ tướng thường trực chính phủ Lào Somsavat Lengsavad khẳng định cách đây chưa đầy 2 tháng: "Tôi thấy là các doanh nghiệp Việt Nam luôn làm đúng theo thỏa thuận của hai chính phủ. Một số công ty có thể coi là điển hình tốt không chỉ cho các doanh nghiệp Việt Nam đến sau mà còn cho các doanh nghiệp nước ngoài sang đầu tư tại Lào.

Ví dụ ở tỉnh Attapeu, Tập đoàn HAGL đã xây nhà ở cho nhân dân không lấy tiền, giúp xây bệnh viện, xây cầu... Làm cho mối quan hệ giữa hai nước ngày càng gắn bó...".

Ước tính kim ngạch xuất khẩu từ cụm công nghiệp mía đường, nhà máy mủ cao su và sản phẩm cao su Hoàng Anh lên đến hàng trăm triệu USD/năm, tạo ra việc làm cho hàng ngàn người, đóng góp ngân sách đáng kể... đưa Attapeu trở thành một tỉnh công nghiệp chế biến và phát triển bền vững trong tương lai gần.

Tương tự tại Campuchia, dù mới chỉ đầu tư vào nước này từ năm 2012 nhưng HAGL cũng bắt tay ngay vào việc xây 200 căn nhà, làm vài chục km đường, tổ chức các buổi khám chữa bệnh miễn phí, phát gạo miễn phí cho người nghèo, hộ nghèo...

 

Phản bác trước cáo buộc trên, trả lời trên Đài RFA, ông Phay Siphan - người phát ngôn Hội đồng Bộ trưởng Campuchia nói:

“Báo cáo của Global Witness nhằm mục đích sỉ nhục và cáo buộc chính phủ. Campuchia không ngạc nhiên với báo cáo này vì Global Witness là một tổ chức bảo vệ môi trường đối lập.

Chính sách phát triển nông nghiệp Campuchia không chỉ riêng cấp đất tô nhượng làm kinh tế cho các công ty VN. Việc nhượng đất đều dựa trên hai yếu tố cơ bản là khả năng tài chính đầu tư và tính chuyên nghiệp phát triển. Mục đích, phát huy hiệu quả trong công cuộc giảm nghèo và góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế...".

 

Sự thật qua hai cách hành xử 

Những hoạt động trách nhiệm xã hội của HAGL tại Lào và Campuchia nói trên có lẽ là câu trả lời rõ ràng nhất cho cáo buộc của Global Witness. Nhưng Global Witness là tổ chức không nhỏ do tỉ phú George Soros hậu thuẫn khiến dư luận vẫn băn khoăn. Hãy xem cách "hành xử" của hai phía để có câu trả lời chính xác nhất.

Đầu tiên, ngay khi Global Witness liên hệ HAGL với hàng loạt câu hỏi về hoạt động của tập đoàn (dù không cung cấp hay đưa ra bất kỳ bằng chứng nào), HAGL đã gửi lời mời chính thức tới Global Witness đến thăm bất cứ dự án nào mà tập đoàn đang thực hiện. Phía Global Witness dự tính tháng 5 này sẽ đến thăm nhưng tới lúc này vẫn chưa liên lạc để sắp xếp lịch cụ thể.

Thứ hai, Global Witness cáo buộc Deutsche Bank và Công ty Tài chính quốc tế (IFC) tài trợ cho các hoạt động của HAGL và Tổng công ty cao su Việt Nam tại hai nước này. Nhưng trên thực tế, cả hai đơn vị trên không hề đầu tư vào HAGL. Điều đó cho thấy sự thiếu chính xác của cáo buộc trên.

Thứ ba, tất cả những cáo buộc của Global Witness đều không kèm theo bằng chứng cụ thể trong khi HAGL sẵn sàng hợp tác giải quyết mọi vấn đề liên quan đến hoạt động đầu tư tại Lào và Campuchia nếu Global Witness đưa ra được bằng chứng xác thực.

Hôm nay, HAGL sẽ gặp gỡ các nhà đầu tư để giải thích rõ vấn đề này và một lần nữa, để minh bạch vấn đề trên, HAGL tiếp tục mời Global Witness đầu tháng 6 tới Việt Nam để kiểm tra, tham quan bất cứ dự án nào của tập đoàn.

Chủ tịch HAGL, ông Đoàn Nguyên Đức cho biết, ông không muốn "nói suông", ông muốn chứng minh bằng thực tế và sẵn sàng đối chất từng vấn đề.  

 

Ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch HAGL khẳng định: “Cáo buộc trên là hoàn toàn không chính xác, vô căn cứ. Các công ty con thuộc HAGL đang có những hoạt động đầu tư vào lĩnh vực trồng cây cao su, mía đường tại Campuchia, Lào đã tuân thủ đúng theo luật pháp nước sở tại, bao gồm cả việc bảo vệ rừng.

HAGL không tham gia khai thác gỗ, kể cả gỗ có giá trị kinh tế cao trong khu vực nhượng quyền của HAGL.

Chính phủ Lào và Campuchia  toàn quyền kiểm soát, sở hữu và quyết định đối với toàn bộ khối lượng gỗ. Global Witness chưa chỉ ra bất kỳ bằng chứng cụ thể nào, HAGL sẵn sàng đối chất từng vấn đề cụ thể mà tổ chức này đưa ra”.

Ông Trần Ngọc Thuận - Tổng giám đốc VRG cho biết: “VRG là một tập đoàn lớn của Nhà nước VN. Khi đầu tư ra nước ngoài, chúng tôi luôn tìm hiểu kỹ và tuân thủ chặt chẽ những quy định pháp luật của các nước sở tại. Chúng tôi đã có văn bản báo cáo để phản đối vấn đề này tới Bộ Ngoại giao VN và Global Witness”.

Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn