Những ngày gần đây, dư luận đang nóng lên trước những cáo buộc của tổ chức Global Witness đối với Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai và Tập đoàn Cao su Việt Nam về hoạt động của 2 tập đoàn này tại Lào và Campuchia, PV đã phỏng vấn Ông Trịnh Văn Quyết, Luật sư, Tổng GĐ Công ty Luật SMIC, dưới góc nhìn về mặt pháp lý.
Luật sư Trịnh Văn Quyết |
Có ý kiến cho rằng các bằng chứng của Global Witness chỉ có tính chất truyền thông mà không có gìá trị gì về mặt pháp lý. Ý kiến của Ông thế nào?
Tôi cho rằng bằng chứng mà Global Witness đưa ra chỉ dựa trên các điều tra của riêng họ. Đối với các cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật, các thông tin, tài liệu đều phải được điều tra, xác minh cụ thể, rõ ràng trước khi đưa ra bất kỳ kết luận nào.
Nói vậy để thấy sẽ chẳng có gì sai nếu nói rằng các bằng chứng mà Global Witness chỉ có giá trị thông tin, truyền thông, chưa thể coi là có giá trị pháp lý để chứng minh HAGL có vi phạm gì không.
Tôi còn cho rằng nếu HAGL có bằng chứng rằng Global Witness đã đưa ra báo cáo sai, không dựa trên cơ sở xác thực nào, HAGL có thể tính đến chuyện yêu cầu tổ chức này cải chính, thậm chí bồi thường thiệt hại.
Rõ ràng với việc Global Witness tung ra báo cáo về HAGL, chưa biết đúng sai như thế nào thì HAGL và các cổ đông đã bị thiệt hại rất lớn về cả uy tín và vật chất. Bạn có thể nhìn thấy ngay là mấy ngày vừa qua cổ phiếu của HAGL đã bị mất giá đi nhiều.
Global Witness có thể kiện HAGL ra một tòa án ở Anh, Mỹ hoặc Châu Âu được không? Nếu có thì vì lý do gì?
Tôi hiểu rằng quyền và lợi ích của Global Witness không bị xâm hại trực tiếp hay gián tiếp bởi HAGL nên khó có khả năng Global Witness có thẩm quyền khởi kiện HAGL.
Luật pháp của nước nào sẽ áp dụng nếu chẳng may có tranh chấp trong dự án cao su của HAGL?
Với cả ba nhóm vấn đề rắc rối trong cáo buộc của Global Witness, luật pháp của nước sở tại sẽ điều chỉnh trực tiếp. Bên cạnh pháp luật của nước sở tại, các công ước quốc tế liên quan đến lĩnh vực khai thác và bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường, thậm chí là các hiệp định về bảo hộ đầu tư cũng có thể được áp dụng.
Riêng pháp luật Việt Nam, HAGL sẽ chịu sự điều chỉnh của các quy định áp dụng đối với doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài.
Cần nói thêm rằng ngoài ra nhóm vấn đề/tranh chấp trên, sẽ có thể có những tranh chấp giữa HAGL và/hoặc các công ty con của HAGL thành lập ở Lào và Campuchia với các doanh nghiệp liên quan đến các giao dịch mua bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ phát sinh trong quá trình lập và triển khai dự án của HAGL. Loại tranh chấp này có thể là tranh chấp hoàn toàn trong phạm vi lãnh thổ và chịu sự điều chỉnh đơn thuần của pháp luật Lào và Campuchia.
Loại tranh chấp này cũng có thể rơi vào trường hợp mà pháp luật cho phép các bên lựa chọn luật áp dụng. Do vậy, để xem luật nào áp dụng thì cần phải xem cụ thể hơn đó là tranh chấp gì, các bên có thỏa thuận về luật áp dụng như thế nào.
Theo Tri Thức Trẻ