Sau nhiều năm kinh tế giảm sút, người dân Venezuela đã dần quen với sự thiếu thốn thuốc men và thực phẩm, như đường hay sữa. Tuy vậy, khan hiếm giấy vệ sinh lại là chuyện khác.
Bà Maria Rojas, 70 tuổi, cho biết: "Ở tuổi này rồi, tôi cũng chưa thấy chuyện như thế bao giờ". Bà đã phải tìm kiếm gần hai tuần mới phát hiện ra một cửa hàng vẫn còn giấy vệ sinh tại Caracas.
Theo AP, chỉ trong buổi sáng hôm qua (16/5), hàng nghìn cuộn giấy đã được bán hết veo tại các siêu thị. Cô Maria Perez cho biết: "Tôi phải mua vì mặt hàng này khan hiếm quá. Ở đây thiếu thốn mọi thứ, cả đường, bơ, bột mì. Nhưng hết giấy vệ sinh thì không thể chấp nhận được".
Những kệ giấy vệ sinh trong siêu thị luôn trong tình trạng sắp hết hàng. Ảnh: NBC |
Các nhà kinh tế cho biết Venezuela thiếu hàng tiêu dùng thiết yếu do việc kiểm soát giá, nhằm giúp tầng lớp nghèo nhất xã hội được tiếp cận hàng hóa cơ bản. Một nguyên nhân khác là chính sách kiểm soát ngoại tệ của Chính phủ. Còn Tổng thống Nicolas Maduro thì đổ lỗi cho các lực lượng chống đối gây ra việc này để làm bất ổn nền kinh tế.
Theo Bộ trưởng Tài chính Nelson Merentes, Chính phủ vẫn đang tìm cách giải quyết việc thiếu ngoại tệ. Tình trạng này đã khiến nguồn nhập khẩu nguyên liệu thô, thiết bị và phụ tùng cho các công ty Venezuela bị gián đoạn. Một số doanh nghiệp còn sắp phá sản vì không thể gia hạn thêm nợ với nhà cung cấp.
Chính phủ tuần này cam kết sẽ nhập khẩu 760.000 tấn thực phẩm và 50 triệu cuộn giấy vệ sinh. Bộ trưởng Thương mại Alejandro Fleming cho biết "các chiến dịch truyền thông đã khiến người dân cho rằng nguồn cung đang thiếu hụt". Tiêu thụ mỗi tháng thường vào khoảng 125 triệu cuộn, nhưng theo ông, tốc độ mua hiện tại "khiến chúng tôi nghĩ phải cần thêm 40 triệu cuộn nữa".
Trong khi đó, người tiêu dùng Venezuela vẫn phải vật lộn tìm giấy. Những cửa hàng mới nhập giấy vệ sinh sẽ ngay lập tức được người mua "vơ vét". Cô Cristina Ramos cho biết: "Tôi đã đi tìm mấy tuần nay rồi. Cửa hàng này bảo họ vẫn còn và tôi đang xếp hàng chờ mua đây".
Tháng trước, chỉ số thiếu hụt của Venezuela đã đạt mốc cao nhất kể từ năm 2009, khi lạm phát 12 tháng lên tới 30%. Người dân thường phải tìm kiếm vài ngày mới mua được đồ dùng thiết yếu. Và những lần đó, họ thường mua rất nhiều để tích trữ.
Theo VnExpress