Xe ô tô chạy một buổi chưa hết rừng cao su
Với chiếc đũa thần công nghệ tưới nhỏ giọt bù áp Israel, 4.000 ha cao su tại Attapeu đã bắt đầu được khai thác khi mới bước vào tuổi thứ 5.
Ông Phan Thanh Thủ - Giám đốc Cao su Hoàng Anh Attapeu đưa chúng tôi đến nông trường cao su tại huyện Saysetha và trắc nghiệm tại chỗ sản lượng cao su ở đây.
Công nhân cạo mủ lấy 10 chén ngẫu nhiên đầu tiên đổ vào thùng cân nặng tổng cộng 1,7 kg, 10 chén mủ tiếp theo cân nặng tổng cộng 2,2kg. Bình quân 1 cây cao su cho gần 2 lạng mủ.
Tại Attapeu với công nghệ tưới nước hiện đại, Hoàng Anh Attapeu trồng 550 cây cao su/1ha, mật độ trung bình tăng hơn 100 cây khi trồng tại Việt Nam.
Với công nghệ tưới này, cao su ít rụng lá vào mùa khô, phát triển nhanh hơn và cho năng suất ổn định hơn.
Tính bình quân 1ha cao su khoảng 500 cây, cạo mủ theo công thức 3D (3 ngày cạo một nhát), năng suất của cao su Hoàng Anh Attapeu đạt 3 tấn/ha.
Rừng cao su bạt ngàn của bầu Đức tại Attapeu. |
Bầu Đức bắt đầu đầu tư cây cao su ở Attapeu từ năm 2008, thời điểm đó bất động sản còn đang nóng hổi. Đổ tiền vào một lĩnh vực kinh doanh không thuộc chuyên môn không phải bất cứ doanh nhân nào cũng dám làm.
Chuyện làm ăn của bầu Đức luôn gặp những luồng ý kiến khác nhau. Tuy nhiên không thể nói chuyện ông bầu bóng đá này đầu tư cho nông nghiệp tại Attapeu là việc làm liều lĩnh.
Ông Nguyễn Văn Sự - Tổng Giám đốc Hoàng Anh Gia Lai nói: “Chúng tôi đi Israel thấy người ta trồng hoa hồng và củ quả trên cát nóng không có lấy một chút dinh dưỡng. Điều kiện thổ nhưỡng chúng ta so với họ quá tốt tại sao không trồng cây công nghiệp và nông nghiệp nên hình?”.
Bắt đầu từ câu hỏi đó, Hoàng Anh Gia Lai thuê chuyên gia, các nhà khoa học tư vấn, mua công nghệ cao và đầu tư bài bản cho nông nghiệp. Trung bình tại Attapeu tổng chi phí đầu tư cho 1ha cao su là 5.000 USD, trong đó riêng công nghệ tưới nhỏ giọt bù áp chiếm 1.000 USD.
Cao su đen của nhà máy chế biển mủ cao su Hoàng Anh Attapeu được tư vấn từ các khách hàng chuyên sản xuất lốp ô tô. |
Vùng đất Attapeu khô cằn ở Nam Lào với rừng khộp nghèo nàn đã được bầu Đức cho quy hoạch bài bản để trồng mía, cao su và cọ dầu bằng công nghệ tiên tiến. Ở Việt Nam không có bất cứ một vùng nguyên liệu tập trung nào được như vậy.
Những người lần đầu tiên đến Attapeu hiện nay chắc chắn sẽ ngạc nhiên thú vị khi chạy xe ô tô mất một buổi vẫn chưa hết các nông trường cao su của bầu Đức.
Dư luận luôn đặt dấu hỏi về tài sản của bầu Đức. Nếu nhìn bằng mắt thường, tính nhẩm thì tài sản của ông bầu hiện nay không phải là những cao ốc ở quận 7 TP HCM hay rải rác trên cả nước trong tình hình giá đất rớt thê thảm.
Đến thời điểm này, bầu Đức đã chuyển hướng tập trung đầu tư cho nông nghiệp lên đến 70%. Đây là lĩnh vực không thể mang lại “tiền tươi” nhưng hứa hẹn ổn định.
Sau hơn 5 năm đầu tư, đổ vào “căn cứ địa” Attapeu gần 1 tỷ USD đến tháng 2.2013 khi nhà máy đường 7000 tấn/ngày và Nhà máy chế biến mủ cao su 25.000 tấn/năm của Hoàng Anh Attapeu “chạy” thì các nhà đầu tư mới bắt đầu thấy dòng tiền của bầu Đức.
Sân bay Attapeu đầu tư 40 triệu USD sắp hoàn thành giai đoạn 1. |
Theo khoa học, lượng mủ cây cao su phát triển theo hình chóp nón trong vòng 20 năm. Từ năm thứ nhất đến năm thứ mười lượng mủ phát triển đến đỉnh cao và bắt đầu tụt xuống ở năm thứ 20.
Ông Phan Thanh Thủ - Giám đốc Hoàng Anh Attapeu nói về mặt lý thuyết là năm 2013 này mới chỉ là năm bắt đầu. Hiện nay giá cao su trung bình từ 2.500 USD đến 3.000 USD / tấn, khoảng 5 năm nữa 25.000 ha cao su Attapeu được khai thác hết. Nhân sản lượng, diện tích, giá cả bình quân sẽ ra con số doanh thu và lợi nhuận khổng lồ trong tương lai.
Bầu Đức khẳng định công nghệ nhà máy đường Hoàng Anh Attapeu không có gì đặc biệt nhưng công nghệ nhà máy chế biến mủ cao su được tư vấn kỹ càng từ những khách hàng chuyên sản xuất lốp ô tô từ Mỹ và Châu Âu.
Hoàng Anh Attapeu theo lãnh đạo của tập đoàn này cho biết đã có trong tay thứ quan trọng nhất là vùng nguyên liệu hoàn hảo.
Trụ sở của Hoàng Anh Attapeu xây dựng như khách sạn 5 sao. |
Để đảm bảo cho vùng nguyên liệu, bầu Đức tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng ngay từ đầu.
Khách sạn 4 sao Hoàng Anh Attapeu được xây dựng trong vòng 7 tháng, bệnh viện 200 giường, đường sá, cầu cống và sân bay Attapeu đang ráo riết hoàn thành giai đoạn 1.
Tháng 11.2013, phát biểu với giới truyền thông lãnh đạo tỉnh Attapeu và Chính phủ Lào đã ca ngợi bầu Đức “làm thay đổi bộ mặt của tỉnh nghèo Attapeu”.
Với khoảng cách tương đối xa giữa 3 vùng nguyên liệu cao su của Hoàng Anh Gia Lai nằm ở 3 quốc gia Việt Nam, Lào và Campuchia, khi sân bay Attapeu hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2014 bầu Đức hứa hẹn sẽ đi thăm kho vàng trắng bằng máy bay riêng và cả trực thăng nữa.
Báo chí Lào ca ngợi tập đoàn của bầu Đức Thông tấn xã Phathet Lào và báo Lào Phatthana của Hội Nhà báo Lào cho biết Attapeu là một tỉnh nghèo nay đã thay da đổi thịt hàng ngày. Những vùng đất cằn cỗi xơ xác do thiếu nước trước đây đã nhường chỗ cho những cánh rừng cao su và mía bạt ngàn.
Tỉnh kêu gọi đầu tư nhiều doanh nghiệp đến rồi lại bỏ đi, vì chê đất cằn và xấu. Chỉ có Hoàng Anh Gia Lai trụ lại và quyết tâm đầu tư giúp đỡ địa phương. Hoàng Anh Gia Lai đã dồn công dồn sức tập trung đầu tư cây cao su và cây mía, biến những cánh rừng nghèo thành dự án trồng cao su, nông trường mía đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Đánh giá về Hoàng Anh Gia Lai, Phó thủ tướng Lào Somsavad Lengsavath cho rằng đây là một tập đoàn điển hình, có sự quyết đoán cao, không đạt lợi ích trước mắt mà đặt lợi ích lâu dài.
Doanh nghiệp này dám nghĩ dám làm, dám sử dụng khoa học hiện đại của thế giới vào sản xuất; đầu tư tập trung, phối hợp chặt chẽ với cơ sở nhân dân, đem lại lợi ích thực tế cho người dân, giúp Attapeu ngày càng phát triển.
|