Theo thống kê công bố gần đây của Bộ Công Thương thì sản lượng bia các loại trong tháng 11/2013 ước đạt 273,9 triệu lít, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 11 tháng, sản lượng bia các loại ước đạt trên 2,67 tỉ lít, tăng 7,8% so với cùng kỳ. Còn theo thông tin từ Hiệp hội Bia Rượu Nước giải khát Việt Nam, mục tiêu mà hiệp hội đưa ra năm 2013 toàn ngành sản xuất 2,9 tỉ lít bia.
Điều đáng nói là trong khi thu nhập bình quân người của Việt Nam chỉ đứng 8/11 trong khu vực Đông Nam Á, thì Việt Nam lại đang nắm giữ kỷ lục tiêu thụ bia với gần 3 tỷ lít trong năm 2012.
Theo tổ chức nghiên cứu thị trường Eurowatch, năm 2012, người Việt Nam đã tiêu thụ gần 3 tỷ lít bia. Lượng bia 1 người Việt trung bình uống 1 năm là 32 lít, xếp thứ nhất khu vực ASEAN và thứ ba châu Á, chỉ sau Trung Quốc và Nhật.
Doanh nghiệp bia lãi khủng.
Nếu chỉ tính trung bình 22.000 đồng/ lít bia, lấy theo giá bia Hà Nội thì người Việt đã chi tiêu 3 tỷ USD/năm cho thứ nước uống có men này.
Trước đó, trong buổi giới thiệu hoạt động trách nhiệm xã hội của Công ty Trách nhiệm hữu hạn nhà máy bia Việt Nam (VBL) tại TP HCM vào giữa tháng 5/2011, ông Michel de Carvalho, chủ sở hữu thương hiệu bia Heineken, đã tỏ ra ngạc nhiên về tốc độ tiêu thụ nhãn hiệu bia này tại Việt Nam. Trong năm 2010 người Việt đã uống hơn 200 triệu lít bia nhãn hiệu này, chỉ sau Mỹ, Pháp trong danh sách 170 thị trường trên thế giới mà dòng bia này có mặt.
Ông Michel de Carvalho dự báo đến năm 2015 Việt Nam sẽ trở thành thị trường tiêu thụ bia Heineken... lớn nhất thế giới! Theo ông Carvalho, tốc độ tăng trưởng bia thương hiệu này ở thị trường Việt Nam luôn là một thí dụ mà ông hay kể khi đến các thị trường khác.
Trong khi đó, doanh nghiệp đang làm chủ một loạt thương hiệu bia nội địa nổi tiếng hiện là Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) với các nhãn hàng “333”, “Sài Gòn xanh”, “Sài Gòn đỏ”, “Saigon Special”... còn tỏ ra “vượt trội” hơn cả VBL, bởi vào gần cuối năm 2010 Sabeco đã đánh dấu cột mốc tiêu thụ 1 tỉ lít bia các loại.
Và “kết sổ” năm 2010 doanh nghiệp này tiêu thụ tổng cộng 1,088 tỉ lít bia các loại, bằng 109% kế hoạch và tăng 21% so với cùng kỳ năm 2009. Năm 2011, doanh nghiệp này cũng không ngại ngần đặt mục tiêu tiêu thụ 1,3 tỉ lít bia và dự kiến đạt mốc 2 tỉ lít bia trong năm 2015 vì tốc độ tiêu thụ bia tại thị trường VN “chỉ thấy tăng chứ không bao giờ thấy giảm, bất kể tình hình kinh tế có khó khăn cỡ nào”.
Lãi khủng
Cùng với việc uống bia "thả phanh" của người Việt, các doanh nghiệp ngành bia cũng nô nức bão lãi đậm.
Sabeco có vốn điều lệ hơn 6.400 tỷ đồng, nhưng doanh thu bán hàng 9 tháng đầu năm lại ngang ngửa, đạt hơn 19.700 tỷ đồng. Mức doanh thu này tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu của Sabeco trên dưới 33% trong 9 tháng - Một mức sinh lợi đáng mơ ước của nhiều doanh nghiệp.
Theo báo cáo tài chính của các doanh nghiệp bia khác, tuy mức tăng trưởng có sụt giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng mức doanh thu mà các doanh nghiệp này đạt được vẫn khiến nhiều người phải choáng váng.
Công Ty Cổ Phần Bia Hà Nội - Hải Phòng đang giao dịch trên UpCOM với mã BHP có quy mô vốn điều lệ chưa đầy 92 tỷ đồng nhưng cũng đạt doanh thu 274 tỷ đồng, lợi nhuận 13 tỷ đồng trong 9 tháng, giảm nhẹ so với cùng kỳ.
Có vốn điều lệ 40 tỷ đồng nhưng Bia Hà Nội-Hải Dương (mã chứng khoán HAD) cũng không kém bia Hà Nội-Hải Phòng về doanh thu bán hàng với 267 tỷ đồng.
Tuy nhiên, do sản lượng công ty mẹ (Habeco) giao cho trong quý 3 giảm mạnh so với cùng kỳ nên nguồn doanh thu nói trên vẫn bị sụt giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lợi nhuận 9 tháng năm nay đạt gần 25 tỷ đồng, giảm 2,5 tỷ đồng so với cùng kỳ nhưng vẫn đạt EPS vẫn đạt hơn 6.100 đồng/CP.
Công ty Bia Thanh Hoá (THB) cũng giống như Bia Hà Nội-Hải Phòng và Bia Hà Nội-Hải Dương khi vốn chỉ 114 tỷ đồng nhưng doanh thu đạt trên 470 tỷ đồng. Lãi 9 tháng đầu năm nay đạt hơn 22,4 tỷ đồng và EPS gần 2.000 đồng/CP-tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái.
Có vốn điều lệ 145 tỷ đồng, Bia Sài Gòn-Miền Tây (WSB) đạt doanh thu bán hàng 417 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái và lãi 9 tháng đạt gần 41 tỷ đồng, giảm mạnh 34% so với cùng kỳ.
Nguyên nhân sụt giảm được WSB giải thích một phần là do thuế tiêu thụ đặc biệt tăng từ 45% lên 50%, doanh thu tài chính giảm do đầu tư vào công ty con và chưa nhận cổ tức, nguyên liệu đầu vào tăng...
Tuy sụt giảm nhưng EPS 9 tháng đạt gần 2.800 đồng/CP-một mức khá cao so với các doanh nghiệp khác.