Dẫu ít ỏi, nhưng khoản tiền thưởng Tết là niềm vui mà người lao động đang mong chờ
Hoang mang chờ... Tết
Học hết lớp chín, em Nguyễn Thị Lan (sinh năm 1990) quê Can Lộc (Hà Tĩnh) đã cùng anh trai vào làm công nhân cho công ty chế biến thủy - hải sản Trung Sơn trong KCN Tân Tạo (TP Hồ Chí Minh). Tại đây, công việc vất vả, lương thấp, một số tháng chậm lương, cho nên cuộc sống của anh em Lan và những bạn đồng nghiệp rất khó khăn.
Hơn thế, công ty cũng chẳng quan tâm nhiều đến chế độ đãi ngộ công nhân. Lan bức xúc cho biết: "Năm 2011 vì công ty trả lương thấp, công nhân đã đình công nên họ tăng một chút. Còn thưởng Tết còn nực cười hơn anh ạ.
Bọn em đóng quỹ 10 ngàn đồng/tháng, cuối năm công đoàn công ty thưởng Tết bằng một cân đường, hai chai dầu ăn, ba chai nước nắm, mà toàn đồ không ngon. Còn phía công ty thì không thưởng gì".
Đã qua bốn năm làm công nhân ở xứ người, năm vừa rồi, anh em Lan không dám về quê ăn Tết, vì giá tiền tàu xe quá cao. Năm nay, bố mẹ nhắn "tốn kém cũng về" nên hai anh em bàn với nhau bằng mọi giá sẽ tìm cách mua vé tàu sớm. Hỏi về thưởng Tết, Lan buồn rầu: "Vẫn y nguyên anh ạ. Một số anh chị cùng quê em cũng tính không về Tết, vì tiếc lúc vào làm việc mất một khoản".
Chung tâm trạng buồn, Hoàng Thị Hiệp ra trường đi làm trong vòng ba năm, đã chuyển đến bốn lần, làm ở bốn công ty bởi họ làm ăn thua lỗ hoặc phá sản, chưa bao giờ được nhận tiền thưởng Tết. Hiệp cho biết, em kém may mắn, có việc làm ổn định đã là may, chứ chẳng trông chờ lương cao và thưởng.
Song, qua cách nói chuyện, Hiệp cũng như nhiều công nhân khác vẫn rất quan tâm, chờ đợi khoản "an ủi" cuối năm. Tết 2014 sắp tới, em sẽ về quê sum họp với gia đình, nhưng tâm trạng không vui vì tiền lương dành trang trải cho cuộc sống, còn lại chẳng được bao nhiêu.
"Đối với công nhân trong xóm trọ em ở khu chợ Chí Tâm - KCN Sóng Thần, Bình Dương, chuyện lương thưởng trầm lắm vì đến sát Tết công ty mới thông báo. Một số công ty thưởng cũng khá, nhưng có công ty chỉ gọi là cho có. Một số công ty còn giữ lại tiền thưởng, để sau Tết công nhân đi làm lại mới phát vì sợ họ không trở lại làm việc", Hiệp tâm sự.
Qua gặp gỡ, trò chuyện với nhiều công nhân, được biết cứ cuối năm tâm trạng họ rất hoang mang, bởi họ vừa mong có Tết để nghỉ xả hơi, nhưng cũng ngại Tết vì không có tiền, lại phải quà cáp, chi phí tàu xe tốn kém. Chính vì thế, không ít công nhân quê xa xôi đã quyết định ở lại xóm trọ đón xuân trong nỗi cô đơn vì nhớ người thân.
Doanh nghiệp... trốn thưởng
Cũng phải khẳng định, ở các KCN, KCX nhiều công ty, công đoàn công ty, liên đoàn lao động đã tích cực chăm lo đến đời sống công nhân, có kế hoạch cụ thể về mức thưởng. Bởi họ cho rằng đó là cách động viên, khích lệ tinh thần công nhân tốt nhất, giúp người lao động hào hứng trong công việc và có một khoản nhất định để chi tiêu.
Theo ông Lê Hữu Hiền, đại diện của Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai, các cơ quan chức năng ở Đồng Nai đã phối hợp, cộng với công đoàn cơ sở các công ty chăm lo cho đời sống công nhân, nhất là phần quà và thưởng. Trong dịp Tết 2014, các tổ chức công đoàn sẽ đến tận phòng trọ thăm hỏi, tặng quà cho những công nhân không có điều kiện về quê.
Ông Hiền cho biết, Liên đoàn đang thống kê mức thưởng ở các doanh nghiệp cho công nhân, dự kiến vẫn như năm ngoái, các doanh nghiệp lớn sẽ thưởng một đến hai tháng lương cơ bản.
Tại TP Hồ Chí Minh, các cấp công đoàn đang chủ động tập trung nguồn lực chăm lo vé cho công nhân về quê, tổ chức Tết cho công nhân ở lại, hỗ trợ công nhân mất việc làm hoặc bị chủ doanh nghiệp bỏ trốn. Trước tình hình kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp điêu đứng, hoạt động cầm chừng, không ít doanh nghiệp phá sản vào những tháng cuối năm 2013, thiệt thòi nhất vẫn là công nhân. Do đó, tâm lý chung của những công nhân này là chỉ cầu mong có việc làm, được trả lương đầy đủ, chứ không trông đợi tiền thưởng Tết.
Khó khăn, nhiều công ty thưởng công nhân bằng hiện vật, sản xuất gì thưởng đấy. Ví như có công ty sản xuất gạch thưởng công nhân 200 viên gạch, công ty dệt may thưởng công nhân quần đùi. Công ty khác lại thưởng vé ô-tô, phiếu mua hàng siêu thị, thậm chí thưởng bằng... giấy vệ sinh (!?).
Các doanh nghiệp khó khăn thì như vậy, nhưng vẫn có một số công ty tuy hoạt động tốt, nhưng ngày thường vẫn luôn tìm cách "cắt xén" quyền lợi của công nhân. Năm ngoái, không ít doanh nghiệp "làm ngơ", không thưởng Tết, dẫn đến tình trạng công nhân đình công. Đơn cử như công ty TNHH Quốc tế Thanh Sang Việt Nam (Hải Phòng), công ty L.K Quảng Nam (TP Tam Kỳ)... Điều đó cũng đồng nghĩa, hàng nghìn công nhân không có Tết.
Tìm hiểu tại Bình Dương, hiện tại không ít công ty vi phạm quyền lợi người lao động như: nợ lương, không đóng bảo hiểm cho công nhân, không tập huấn vệ sinh an toàn lao động, không thưởng... Chánh thanh tra Sở LĐ-TB &XH Bình Dương, ông Ngô Xuân Lãm cho biết: "Chế tài chưa đủ mạnh, chẳng đủ sức răn đe nên nhiều doanh nghiệp bị xử phạt lại tái diễn vi phạm".
Tìm đến xóm trọ công nhân Như Ý (KCN Sóng Thần, Bình Dương) một ngày giữa tháng 12, không khí nơi đây vắng lặng. Không ít công nhân mệt nhoài vì tăng ca bởi họ "nghe ngóng" thấy thưởng ít. Một số em còn tranh thủ buổi tối đi bán vé số tăng thu nhập. Em Trần Kim Phương tâm sự: "Ít cũng được, còn hơn là không có thưởng Tết. Xóm trọ em, ai làm công ty lớn thì vui, còn công ty nhỏ thì thấp thỏm chờ công bố mức thưởng. Bình thường chúng em đã phải chi tiêu rất tiết kiệm.
Cuối năm nếu không được thưởng thì nhiều người tìm cách tăng ca để có tiền mua quà và về quê anh ạ".
Ông Vũ Mạnh Tiêm, Phó trưởng ban Tuyên giáo (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết: "Hiện nay chúng tôi vẫn đợi thu thập thống kê của công đoàn các tỉnh, song với tình hình sản xuất kinh doanh như hiện nay, nhiều công nhân không có thưởng Tết". |
Theo NhanDan