Sở hữu chéo ngân hàng: Đầu tư ảo vì nợ thật

Chủ nhật, 22/12/2013, 08:09
Thế là ông Nguyễn Đức Kiên tức bầu Kiên sắp  phải ra đứng trước vành móng ngựa. Chỉ tiếc một điều, mới chỉ có mỗi bầu Kiên bị ra tòa vì hành vi thao túng ngân hàng, cái hành vi có đến hàng chục ông thực hiện vẫn đang chưa lộ. Nhưng hình như, sớm ra tòa như ông Kiên có vẻ lại may, vì các ông chưa lộ với những diễn biến của nền kinh tế chắc khó thoát. Mà đến lúc ấy, chắc ê chề hơn ông Kiên nhiều. Hố thẳm trước các nhà đầu tư ngân hàng ảo đã lộ rõ.   

Sở hữu chéo, đã có lúc là máy in tiền

Khoảng 5 năm trở lại đây, câu chuyện sở hữu chéo và đặc biệt là hành vi thao túng ngân hàng, lũng đoạn thị trường được nhắc tới khá nhiều. Các hợp đồng uỷ thác đầu tư cho các công ty đầu tư tài chính (thực chất nhiều công ty do chính ông chủ hoặc các cổ đông của ngân hàng lập nên và rót vốn đầu tư vào) đã được nhắc tới như là thứ vũ khí đi thâu tóm các tổ chức tín dụng khác, thậm chí là ngân hàng bơm tiền cho công ty tài chính để công ty tài chính mua cổ phiếu của chính ngân hàng đó...

Hay như chuyện ngân hàng bơm tiền cho một công ty nào đó và rồi công ty này đi mua cổ phiếu của ngân hàng khác và rồi dùng số cổ phiếu đó đi thế chấp ở một ngân hàng khác nữa lấy tiền. Số tiền này tiếp tục được công ty này mang đi mua bán cổ phiếu... và như vậy, từ 100 đồng tiền ban đầu, sau quá trình chạy lòng vòng qua các ngân hàng, tổ chức tín dụng thông qua các hợp đồng mua bán cổ phiếu đã được nhân bản lên thành 200, 300... đồng, có khi là cả nghìn đồng.

Và các ông dẫu chỉ có một nhúm tiền bỗng trở thành chủ của nhiều ngân hàng. Ông Kiên là một người như thế.

Sau khi rời ghế Phó Chủ tịch Ngân hàng Á Châu (ACB), để tiếp tục duy trì tầm ảnh hưởng của mình và cũng là để thuận tiện trong việc huy động vốn từ ACB, với 5 công ty mà bầu Kiên là người đại diện pháp luật, đã “đạo diễn” một loạt thương vụ mua bán cổ phiếu của các ngân hàng… bằng vốn vay của ACB.

Ngày 30-11-2010, bầu Kiên đã chỉ đạo Đặng Ngọc Lan - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư B&B (gọi tắt là B&B) ký hợp đồng bán 10 triệu trái phiếu trị giá 1.000 tỉ đồng cho ACB với kỳ hạn 10 năm và tài sản đảm bảo cho hợp đồng này là 916.350 cổ phiếu ngân hàng Vietbank, trị giá 916,350 tỉ đồng do bầu Kiên và người thân nắm giữ (thực chất số cổ phiếu này chỉ có giá 324,6 tỉ đồng.

Tại Công ty Cổ phần Tập đoàn tài chính Á Châu (gọi tắt là AFG), bầu Kiên đã chỉ đạo AFG dùng 3.200 tỉ đồng vốn điều lệ của công ty nhờ 15 cá nhân đứng tên mua  trái phiếu chuyển đổi của ACB. Với các công ty con khác, bầu Kiên cũng thực hiện các thủ đoạn tương tự, rút tiền của ACB để mua cổ phần các ngân hàng Teckcombank, Eximbank, Vietbank, Kienlongbank, DaiAbank và cổ phần của chính ACB và một số công ty khác.

Trừ một số hoạt động kinh doanh thua lỗ như kinh doanh vàng, hầu hết các khoản đầu tư ảo vào các ngân hàng đều thu lợi lớn vì lãi vay của ngân hàng thấp hơn lợi nhuận nhiều. Chính số cổ phần ảo này đã giúp bầu Kiên có được một vị thế lớn trên thị trường tài chính để khuynh đảo.

Chính sức hút lợi nhuận của lối sở hữu chéo này đã kéo nhiều người đang làm ăn chân chính trên nhiều lĩnh vực sản xuất kinh doanh đổ xô vào thị trường tài chính và bây giờ cũng đang chết dở vì tài chính. Nói như ông Đặng Thành Tâm, một nhà đầu tư khu công nghiệp đang ăn nên làm ra, vậy mà không cưỡng được cũng lao vào thị trường tài chính để bây giờ ôm đầu, chạy không kịp.

Nhưng bây giờ cố chạy không kịp nữa. Khi lợi nhuận từ đầu tư ngân hàng thấp hơn lãi phải trả cho các khoản vay thì các nhà đầu tư ảo sẽ... chết vì nợ thật.

Những cổ đông trót làm xiếc lấy tiền từ cấp tín dụng để sở hữu chéo sang ngân hàng khác đang phải căng mình vì cả núi tiền lãi do ngân hàng giảm lợi nhuận. Và nếu tình hình này kéo dài thêm, cộng với nợ xấu không thu hồi được tăng cao, ngân hàng rơi vào tình trạng lỗ, các nhà đầu tư ảo sẽ đối diện với tình thế nguy hiểm. Những tội danh lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản đang chờ đợi họ cùng sự trắng tay về tài sản.

Hãy trả vốn thật về ngân hàng

Tình trạng các cổ đông dùng nguồn vốn vay của ngân hàng này góp vốn vào ngân hàng kia, vay mượn lẫn nhau để góp vốn, tạo ra dòng vốn ảo, làm cho cơ quan quản lý không thể đong đo vốn thực của các cổ đông ngân hàng. Đó là chưa nói tới việc mối liên kết thiếu lành mạnh giữa các ngân hàng thông qua sở hữu chéo còn nảy sinh tình trạng đảo nợ, một vấn đề mà Nhà nước nghiêm cấm từ lâu. Điều này làm cho khả năng chống đỡ rủi ro của các ngân hàng không được đánh giá đúng mức.

Cũng không phải là thị trường tài chính cũng như các cơ quan quản lý Nhà nước xa lạ với sở hữu chéo. Để hạn chế sở hữu chéo, dùng tiền từ nguồn vốn vay để đầu tư ngân hàng, đã có nhiều quy định pháp luật chế tài hành vi này.

Theo đó, Nhà nước nghiêm cấm cấp tín dụng đối với các trường hợp sau: các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán do các ngân hàng thương mại kiểm soát; đối tượng sử dụng chính cổ phiếu của ngân hàng thương mại làm tài sản bảo đảm; đầu tư góp vốn cổ phần vào ngân hàng thương mại khác mà tài sản bảo đảm chính là cổ phiếu ngân hàng thương mại đó; thành viên ban quản trị, ban điều hành, ban kiểm soát cùng người có liên quan.

Đồng thời, Nhà nước cũng hạn chế cấp tín dụng đối với cổ đông lớn, cổ đông sáng lập, doanh nghiệp do cổ đông lớn và cổ đông sáng lập nắm quyền kiểm soát thông qua sở hữu cổ phần hoặc đại diện nắm quyền. Cùng đó, Nhà nước cũng khống chế tỷ lệ cấp tín dụng cho các đối tượng dựa trên mức độ sở hữu hoặc hình thức sở hữu trực tiếp hay gián tiếp tổ chức tín dụng. Nhưng trước lòng tham vô độ của các nhà đầu tư tài chính, mọi quy định đó đã bị các thủ đoạn tinh vi của họ vượt qua.

Nhưng chạy trời không khỏi nắng. Với những diễn biến của nền kinh tế, các nhà đầu tư ảo đã phải trả giá. Việc xét xử bầu Kiên có thể coi là phát súng mở đầu của một chiến dịch làm trong sạch, làm lành mạnh thị trường tài chính. Thực ra, xung quanh vấn đề “rút các khoản tín dụng ảo” để mua bán cổ phần các ngân hàng khác, gần đây, Ngân hàng Nhà nước đã để mắt tới hình thức biến tướng này và kiểm soát rất chặt.

Cùng đó, Bộ Công an cũng vào cuộc điều tra những khoản tín dụng có dấu hiệu nghi ngờ. Tuy nhiên xử lý những sai phạm trong lĩnh vực này không phải dễ dàng. Đánh chuột nhưng không thể làm vỡ bình quý, không được làm mất ổn định của thị trường tài chính.

Trước tiên cần sớm phát hiện những khoản đầu tư ảo và những khoản vay lớn bất thường, nhưng trước khi xử lý công khai thì cần rà soát để buộc các cổ đông này thanh lý càng sớm càng tốt đối với số cổ phần được hình thành từ dòng tiền ảo của các khoản tín dụng không thực chất. Thông qua quy định của pháp luật về phòng chống rửa tiền để kiểm soát những giao dịch đáng ngờ để xử lý các cổ đông này.

Một hệ thống core banking được nối liền giữa Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng, không khó khăn gì để biết được những giao dịch đáng ngờ khi có quy mô lớn. Chẳng hạn, một ngân hàng trong một ngày mà giải ngân đến một vài nghìn tỷ đồng, tập trung vào vài ba khách hàng mà không thấy “trống dong cờ mở” hay mời gọi báo chí đưa tin thì xác suất “có vấn đề” là rất lớn.

Do đó, về phương diện quản lý, Ngân hàng Nhà nước cần để mắt và yêu cầu các tổ chức tín dụng phải báo cáo đối với các giao dịch từ 10 tỷ đồng trở lên một cách chi tiết như ngân hàng cho ai vay, mục đích vay, thời gian vay. Cách tốt nhất là hãy ép các cổ đông này bán cổ phần đã mua, thu tiền về để tất toán khoản vay, trả lại sự lành mạnh cho bảng cân đối tài sản các ngân hàng mà họ đã dính líu vào.

Theo ANTG

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích