Đó là đánh giá của ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, tại buổi họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội năm 2013 đầu tuần này tại Hà Nội.
Tín hiệu phục hồi
Ông Lâm công bố, năm 2013, tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước tính tăng 5,42% so với năm 2012, trong đó quý I tăng 4,76%, quý II tăng 5,00%, quý III tăng 5,54% và quý IV tăng 6,04%. Theo ông Lâm, mức tăng trưởng năm nay tuy thấp hơn mục tiêu tăng 5,5% đề ra, nhưng cao hơn mức tăng 5,25% của năm 2012 và có tín hiệu phục hồi.
Năm 2013 là năm thứ hai Việt Nam xuất siêu liên tiếp
Trong mức tăng 5,42% của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,67%, xấp xỉ mức tăng năm trước, đóng góp 0,48 điểm phần trăm; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,43%, thấp hơn mức tăng 5,75% của năm trước, đóng góp 2,09 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 6,56%, cao hơn mức tăng 5,9% của năm 2012, đóng góp 2,85 điểm phần trăm.
Xét về góc độ sử dụng GDP năm nay, ông Lâm cho hay, tiêu dùng cuối cùng tăng 5,36% so với năm 2012, đóng góp 3,72 điểm phần trăm vào mức tăng chung; tích lũy tài sản tăng 5,45%, đóng góp 1,62 điểm phần trăm; chênh lệch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp 0,08 điểm phần trăm.
Chứng minh cho nhận định rằng chất lượng tăng trưởng chưa cao, ông Lâm cho biết, yếu tố đóng góp tăng trưởng là vốn và lao động trong GDP vẫn rất lớn. Chẳng hạn như đối với tỷ lệ vốn trong GDP, năm 2010, tỷ lệ vốn chiếm 68,79%, năm 2011 là 55,53%, năm 2012 là 59,16% và năm 2013, yếu tố vốn đóng góp cho GDP tới 55,79%. “Đặc biệt là chất lượng lao động vẫn suy giảm, năng suất lao động cũng không cao”, ông Lâm nói.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2013 theo con số thống kê là thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Cụ thể, CPI tháng 12/2013 tăng 0,51% so với tháng trước và tăng 6,04% so với tháng 12/2012. Trong đó, nhóm tăng cao nhất so với tháng trước là hàng hóa dịch vụ và nhà ở, vật liệu xây dựng với mức tăng 2,31%. Các nhóm có chỉ số giá giảm gồm giao thông, bưu chính viễn thông.
Một trong những con số ấn tượng trong năm nay là chỉ số hàng tồn kho tại thời điểm 1/12/2013 của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chỉ tăng 10,2% so với cùng thời điểm năm 2012 (cùng kỳ năm 2011 là 23%; năm 2012 là 20,1%).
Về tình hình DN, ước tính năm 2013, tổng số DN đăng ký thành lập mới là 76.955 DN, tăng 10,1% so với năm 2012, với tổng vốn đăng ký là 398,7 nghìn tỷ đồng, giảm 14,7%. Số DN gặp khó khăn phải giải thể hoặc ngừng hoạt động là 60.737 DN, tăng 11,9% so với năm trước, trong đó số DN đã giải thể là 9.818 DN, tăng 4,9%; số DN đăng ký tạm ngừng hoạt động là 10.803 DN, tăng 35,7%.
Ông Lâm đánh giá, tuy số lượng DN vẫn tăng nhưng đa số mới phát triển về lượng, chứ chưa phát triển về chất. Bằng chứng là số lượng DN tăng, nhưng lượng vốn đầu tư lại giảm.
Xuất khẩu ít giá trị gia tăng
Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm 2013 ước đạt 132,2 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm 2012. Nếu ngoại trừ yếu tố giá, tỷ lệ này sẽ là 18,2%. Trong cán cân xuất nhập khẩu, Việt Nam xuất siêu sang Mỹ 18,6 tỷ USD, EU 11,2 tỷ USD, Nhật Bản là 2,3 tỷ USD…
Theo ông Lâm, 2013 là năm thứ hai liên tiếp Việt Nam xuất siêu. Giá trị xuất siêu năm nay là 863 triệu USD, chiếm 0,07% tổng kim ngạch xuất khẩu, so với con số 749 triệu USD của năm 2012.
Xét về cơ cấu xuất khẩu hàng hóa đã có thay đổi lớn. Xuất khẩu hàng hóa là công nghiệp nặng và khoáng sản, công nghiệp chế biến có cơ cấu tăng hơn năm trước. “Mặc dù xuất siêu nhưng phần giá trị gia tăng ở Việt Nam trong hàng hóa xuất khẩu vẫn rất thấp”, ông Lâm nói và cho biết, trong năm qua, chúng ta nhập khẩu rất nhiều, nổi lên xu hướng nhập hàng bán thành phẩm từ Trung Quốc, sau đó về chế biến, gia công và xuất khẩu đi. Tình trạng này giống như chúng ta xuất khẩu hộ cho Trung Quốc, nên phần thu về thực tế là rất thấp.
Bên cạnh đó, bà Lê Thị Minh Thủy, Vụ trưởng Vụ Thống kê thương mại và dịch vụ còn cho biết, xuất khẩu hàng nông sản không phải là điểm sáng trong năm nay. Theo bà Thủy, kim ngạch xuất khẩu nông sản giảm đi nhiều. Đối với gạo, thị trường truyền thống của Việt Nam là Indonesia, Trung Quốc, Malaysia đều sụt giảm nhu cầu tiêu thụ.
Xuất khẩu gạo gặp khó khi các nước chuyển sang cơ chế đấu thầu nhập khẩu gạo. Mặt hàng cà phê Việt Nam cũng đang bị ép giá, nên giảm cả về lượng, về giá trị...
Trong khi xuất khẩu còn nhiều điểm chưa bền vững thì Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc 36,8 tỷ USD, chiếm tới 28% tổng kim ngạch nhập khẩu. Trong tổng số 131,3 tỷ USD nhập khẩu đầu vào, chúng ta nhập chủ yếu là tư liệu sản xuất, máy móc, phụ tùng, nguyên vật liệu tới 120,8 tỷ USD, chiếm 92% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Với cơ cấu nhập khẩu như vậy, Việt Nam nhập thiết bị máy móc… vẫn chủ yếu từ nơi có công nghệ trung gian, còn nơi có công nghệ nguồn, công nghệ cao như EU, Mỹ vẫn chưa tiếp cận được nhiều.
“Tiếp tục hồi phục nhưng khó mạnh mẽ” Bà Mai Thị Thu, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - xã hội Quốc gia Tăng trưởng kinh tế năm 2014 nhiều khả năng tiếp tục hồi phục, nhưng khó đạt mức cao. Vốn đầu tư sẽ có những cải thiện nhất định so với giai đoạn 2011 - 2013. Xuất khẩu tiếp tục giữ đà tăng ổn định, nhập khẩu dự báo tăng hơn trong giai đoạn tới. Chỉ số giá tiêu dùng nhiều khả năng giữ được ở mức một con số. Đó là bức tranh cơ bản của dự báo kinh tế năm 2014 được nhiều người đồng tình. Để tạo nền tảng chính sách cho nền kinh tế và DN, Chính phủ cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, bao gồm khó khăn từ thủ tục đầu tư, đến triển khai dự án, giải phóng mặt bằng, tiêu thụ và xuất khẩu hàng hóa... Đồng thời, cần có giải pháp cụ thể, giúp DN chuẩn bị và nâng cao tính cạnh tranh trong môi trường kinh doanh ngày càng quốc tế hóa. |
“Bức tranh kinh tế nhiều màu sắc” Ông Trần Tiến Cường, Nguyên Trưởng ban Đổi mới DNNN, CIEM Bức tranh chung của DN trong cả năm 2013 có nhiều màu sắc: số DN thành lập mới, giải thể, dừng hoạt động đều tăng. So sánh về tình hình DN đăng ký mới giữa các khu vực, vùng kinh tế thì thấy đã có sự chuyển dịch khác nhau. Năm 2013, một số tỉnh có lượng DN đăng ký thành lập mới tăng, đồng thời giảm số DN gặp khó khăn phải giải thể, tạm ngừng hoạt động so với cùng kỳ là thuộc vùng trung du, miền núi phía Bắc. Trong khi đó, tại một số tỉnh thuộc vùng duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ..., quá trình đào thải, sàng lọc DN vẫn đang diễn ra mạnh mẽ. Số DN gia nhập cũng như rút lui khỏi thị trường đều tăng. Điều này cho thấy, bối cảnh kinh doanh còn nhiều khó khăn. Hệ lụy của việc này còn gây sức ép không nhỏ đến tình hình kinh tế - xã hội cũng như thu ngân sách năm 2014. |
Theo ĐTCK