Theo khảo sát trực tuyến của Niesel trên 29.000 người tại 58 quốc gia toàn thế giới thì có tới 56% số người Việt Nam được hỏi cho biết sẽ sẵn sàng chi bộn tiền cho hàng hiệu.
Với kết quả này thì người Việt mê hàng hiệu thứ ba thế giới, chỉ sau Trung Quốc đứng đầu với 74% và Ấn Độ đứng thứ hai với 59%.
Ở một đất nước còn nghèo, thu nhập bình quân đầu người thấp (GDP đầu người của Việt Nam đang cố đạt chỉ tiêu tới cuối năm 2013 là 2.300 USD/người/năm) như ở Việt Nam, việc mức độ chịu chơi của người dân được xếp vào loại hàng đầu thế giới quả là điều ngạc nhiên mà ít người dám nghĩ tới.
Gần 60% người Việt Nam sẵn sàng chi tiền cho hàng hiệu. Ảnh: AFP |
Ấy vậy mà, khi kết quả khảo sát này được tung ra, đã có rất nhiều ý kiến quả quết rằng thật không công bằng nếu từ đó đi đến kết luận người Việt chịu chi thứ 3 thế giới. Thay vào đó, vị trí xứng đáng cho độ chịu chơi của người Việt phải là ... vô địch thế giới.
Trên thực tế, thói vung tiền, chơi ngông của người Việt đã ghi dấu ấn trên thế giới lâu nay. Việt Nam chúng ta là nơi tiêu thụ bia thuộc top trên thế giới, là nơi có số lượng sân golf cũng thuộc hàng đỉnh, đồng thời cũng là nơi rất nhiều siêu xe hiện diện dù giá cao hơn hẳn gấp đôi, gấp ba so với giá thế giới.
Quý vị thử nghĩ xem, nếu người Việt không chịu chơi, chịu chi thì làm gì có chuyện chi gần 300 triệu cho một chiếc Honda SH, chiếc xe hai bánh không có công nghệ gì nổi bật, cũng không phải loại xe sản xuất hạn chế…
Không cần nói nhiều thì ở Việt Nam ai cũng ngầm hiểu, những kẻ đi SH được cả xã hội coi trọng. Hầu hết người Việt Nam, khi nhắc đến SH là không thể giấu nổi sự ngưỡng mộ. Bắt được tâm lý chuộng SH, cuồng SH đó nên các đại lý thổi giá vô tội vạ, đỉnh điểm lên tới 13.000 USD (tương đương 260 triệu đồng).
Chỉ có điều khi người Việt sẵn sàng chi số tiền đủ mua một chiếc xe Camry 2005 ở nước ngoài cho SH thì tại châu Âu họ dùng xe SH125 cho công nhân chuyên đi dọn vệ sinh.
Đấy là chưa kể theo thống kê, năm vừa qua người Việt đã chi hẳn 1 tỷ USD để mua smartphone. Năm 2013, cả nước đã cùng làm việc vất vả, GDP mới chỉ thu về được 173 tỷ USD, thế mà riêng việc dùng điện thoại đã mất 1 tỷ. Chi tiêu như thế không gọi là chịu chi thì còn là gì nữa?
SH ở nước ngoài thường dành cho công nhân vệ sinh. |
Mà đâu chỉ chịu chi cho những mặt hàng xa xỉ, người Việt cũng rất mạnh tay chi tiền cho những mặt hàng như vàng, xăng dầu. Chẳng thế mà người ta vẫn đổ xô đi mua vàng khi mức chênh lệch so với thế giới lên đến 4 triệu đồng/lượng.
Hay như trong thời gian vừa qua, giá xăng dầu thế giới giảm liên tục thì giá xăng dầu Việt Nam vẫn đứng yên, không nhúc nhích. Theo lý luận của Bộ Công thương thì giá xăng chưa giảm do vẫn phải tuân thủ quy định tại Nghị định 84, việc giảm giá bán lẻ xăng dầu căn cứ vào bình quân giá xăng dầu thế giới 30 ngày và các yếu tố đầu vào liên quan khác.
Mặc dù thu nhập xếp vào hàng cực thấp, nhưng tính về độ chịu chơi và chịu chi của người Việt thì chắc hẳn hơn đứt nhiều nước trên thế giới. Người dân Việt mua vàng đắt hơn thế giới 4 triệu đồng/lượng, mua xăng cao hơn thế giới trên 10%. Đó là chưa kể giá điện, giá nước, giá gas... cũng thuộc hàng đắt đỏ.
Xét trên những khía cạnh kể trên có thể thấy nếu xếp mức độ chịu chơi của người Việt ở vị trí thứ 3 thế giới thì rõ ràng có phần oan uổng. Còn nếu thói vung tiền, chơi ngông của người Việt ở vị trí thứ 2 thì không ai có thể đứng đầu thế giới.
Theo Phunutoday