Kinh doanh thịt chó lãi 500%
Ước tính có khoảng 10.000 con chó ở Việt Nam hiện nay. Giá thịt chó được khảo sát cho thấy cao hơn hẳn thịt lợn, có thể được bán với giá lên đến 30 đô la (tương đương khoảng 600.000 đồng) với một món ăn trong các nhà hàng cao cấp.
Thêm vào đó, nhu cầu về thịt chó ngày càng tăng mạnh khiến các nhà cung cấp buộc phải đưa ra những hình thức làm đa dạng nguồn hàng, vượt ra ngoài những ngôi làng nơi có truyền thống nuôi chó và hơn nữa, nguồn nguyên liệu cung cấp còn vượt xa ra khỏi biên giới quốc gia.
Đường dây kinh doanh chó được mở rộng xuyên quốc gia, mà thị trường cung cấp lớn chủ yếu là các nước trong khu vực, thuận lợi vận chuyển như Thái Lan, Lào...
Đã có khoảng 300.000 con chó mỗi năm theo đường nhập khẩu chuyển về các lò mổ tại Việt Nam.
Chó cũng là mặt hàng không bị đánh thuế, việc vận chuyển cũng không gặp nhiều khó khăn, lợi nhuận có khi lên đến 300 - 500%. Chính vì điều này mà kinh doanh thịt chó đang trở thành một trong những "ngành công nghiệp lớn".
Chó được vận chuyển với số lượng về Việt Nam trước khi phân bổ về các lò mổ lớn tiêu thụ |
Việc vận chuyển chó được coi là phạm pháp tại Thái Lan. Điều này cũng được quy định tương tự ở Lào. Mặc dù, ăn thịt chó không phải là bất hợp pháp, tuy nhiên người dân tại đây vẫn một mực phản đối điều này.
Tuy nhiên, điều không ai nghĩ đến là tại quốc gia mà người ta tẩy chay với giết mổ chó như Thái Lan, một ngôi làng ở Sakon Nakhon, miền Đông Bắc nước này người dân chọn cách thức làm giàu bằng nghề buôn bán thịt chó.
Ít nhất 5.000 người, chiếm khoảng 1/3 dân số chọn cách bổ sung vào nguồn thu nhập từ nông nghiệp ít ỏi của họ bằng khoản thu từ cướp giật, giết chết và tiêu thụ thịt chó trong và ngoài nước. Giá một con chó lai vào khoảng 6 đô la (tương đương 130.000 đồng).
Thị trấn Tha Rae, các quán bán thịt chó bày la liệt ngay trên vỉa hè, không xa nơi tọa lạc của tòa nhà thị chính, nơi mà mỗi kilogram thịt chó được bán với giá từ 200.000 đồng.
Bất chấp luật chống buôn lậu, một lượng lớn chó vẫn bị chuyển ra ngoài biên giới Thái Lan mỗi năm, bởi sự bàng quan của các quan chức. Edwin Wiek, người đồng sáng lập Liên minh Hoạt động vì Động vật, một tổ chức từ thiện có trụ sở ở Thái Lan, cho hay: "Họ vẫn buôn lậu được vì đã chi rất nhiều tiền hối hộ. Giới chức còn làm ngơ đến khi nào nữa đây khi những món tiền hối lộ bị kiểm soát?".
Việt Nam: món khoái khẩu miễn không phải chó mình nuôi
"Việc này có vẻ khá kỳ quặc, một người nuôi chó như tôi lại ngồi đây và ăn thịt chó. Nhưng tôi thấy có vấn đề gì đâu khi ăn chó của những người khác, miễn không phải chó nhà mình", bác sĩ 29 tuổi Đức Cường cho biết.
Chó vốn được biết đến xưa nay là một vật nuôi trung thành trong nhà của người Việt Nam, đã trở thành truyền thống lâu đời. Tuy nhiên ngày nay, con vật trông nhà ấy lại đang được nuôi với mục đích lấy thịt thay thế các loại thực phẩm khác như thịt lợn, thịt gà...
Thịt chó cũng là món ăn đầu tiên mà người ta nghĩ đến khi lên kế hoạch cho những bữa nhậu, họp mặt gia đình, cũng như vào các dịp đặc biệt. Theo đông y, món ăn này giúp đàn ông tăng cường thể lực, sinh nhiệt và làm ấm cơ thể.
Không ít người cho rằng, những con vật bị hành hạ càng nhiều trước khi chết thì thịt của nó càng ngon.
Tại Hà Nội, Việt Nam, thịt chó được coi là một món khoái khẩu không thể thiếu được đối với phần đông người dân. Người dân cũng vô tư nhậu nhẹt, tụ tập với món khoái khẩu mặc kệ việc chúng có được kiểm dịch, tiêm chủng trước đó hay không, bất chấp việc nó có thể mang theo vi rút tả, sán hoặc bệnh dại...
Thậm chí những con chó gầy gò, xấu xí, con thì gãy cả chân, con bị ghẻ, rụng lông bị nhốt tất cả trong những chiếc cũi lớn cũng đều trở thành một món ăn hoàn hảo, hấp dẫn trên bàn nhậu hoặc trong các dịp lễ.
Không ít ý kiến đưa ra cho rằng, ăn thịt chó là vô đạo đức, là bất nhân bất nghĩa bởi con chó có lòng trung thành tuyệt đối với người chủ của chúng bên cạnh việc chó cũng được coi là loài vật thông minh và rất có ích.
Tuy nhiên, không ít người vẫn quan niệm "Tôi chả quan tâm, vì nó có phải chó của tôi đâu" như vị bác sĩ 29 tuổi Đức Cường.
Lược theo Guardian